Tỷ phú trẻ trên đất vải thiều
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của ông chủ trẻ. Không chỉ được mùa vụ cam, vụ vải vừa qua, anh Thắng cũng thu về một khoản lợi nhuận lớn. Nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kĩ thuật, xây dựng vùng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu đi Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản… sản phẩm vải thiều nhà anh Thắng cùng một số hộ gia đình khác ở xã Hồng Giang đã chính thức xuất khẩu thành công lô vải đầu tiên sang hai thị trường Mỹ và Australia khó tính.
Có được những thành công như hôm nay, anh Thắng đã bỏ ra rất nhiều công sức, miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng phương pháp, kĩ thuật mới cho giống cây trồng của mình. Nhìn vườn cam bội thu và vụ vải thắng lới vừa rồi, chính là thành quả ngọt ngào cho những nỗ lực của anh.
Mạnh dạn đi đầu
Sau khi nhận được thông tin, Mỹ, Australia, EU… chính thức đồng ý cho quả vải thiều Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường các nước này, anh Lã Văn Thắng đã không khỏi vui mừng, vì đây chính là cơ hội mới cho những người trồng vải như anh. Không kịp chờ may mắn tự đến với mình, anh đã nhanh chóng tìm hiểu thông tin và chuẩn bị kĩ lưỡng, chủ động phối hợp tích cực với chính quyền địa phương, nhờ tư vấn, kiểm tra để xây dựng khu vườn nhà mình thành vùng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP).
Ông chủ trẻ Lã Văn Thắng
Sau khi kiểm tra, phía Mỹ đã cấp 6 mã vùng nguyên liệu cho 109 hộ dân với diện tích 60,38 ha tại ba thôn: Kép 1, Ngọt và Phương Sơn (xã Hồng Giang). May mắn mỉm cười với anh Thắng khi vườn vải nhà anh nằm trong danh sách được cấp mã vùng nguyên liệu. Để xây dựng vùng vải thiều xuất khẩu, anh Thắng cùng các hộ gia đình được cấp phép tại địa phương đã được các cán bộ ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn cụ thể. Theo đó, các hộ sản xuất tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có năm hoạt chất mà phía Mỹ cấm là: Iproione, Cyphermethrin, Difennoconazole, Carbendazi, Chlorothaloni. Bên cạnh đó, phải có sổ nhật ký ghi rõ ngày, giờ bón phân, tưới nước cho cây…
Không chỉ thành công ở vụ vải vừa rồi, anh Thắng từng được mọi người dân quê anh gọi là “phù thủy” đất vải thiều bởi chất lượng, sản lượng, mẫu mã của loại vải thiều anh trồng được đánh giá cao hơn so với các quả vải thiều truyền thống.
Khác biệt chính là ở chỗ, anh đã ép cây vải của mình ra quả ở phần thân cây thay vì ở ngọn của các cành cây. Nói về lí do để cho ra đời những quả vải thiều theo cách này, anh Thắng cho biết đó chỉ là sự tình cờ. “Thấy cây vải giao tán vào nhau tạo nhiều khoảng râm, tôi đã bấm bớt cành nhỏ đầu tán để vườn có nhiều ánh sáng. Không ngờ sau đó, rất nhiều nhánh lộc mọc ra từ thân cây, hoa chi chít. Năm đầu tiên tôi quan sát và đã thấy quả ra từ thân chất lượng ngon hơn, hình thức đẹp hơn quả ở cành. Một vài vụ sau tôi rút ra kinh nghiệm, lộc ra từ thân ngay sau vụ thu hoạch tôi bỏ đi, đợi lộc ra đợt kế tiếp cách đó chừng hai tháng thì tôi để lại cho ra hoa”.
Do cắt tỉa cành, hạn chế tán cây phát triển giúp ánh sáng tỏa xuống thân, rồi đồng loạt bón thúc nên chất dinh dưỡng dồn tụ lại, làm bật mầm thân cây. Anh áp dụng kết hợp với kỹ thuật khoanh vỏ cây để hạn chế ra nhiều lá, tạo chất lượng đậu quả cao hơn. Theo anh Thắng, quả từ những lộc thân cây thường to mọng, mã quả đỏ và sáng bắt mắt, thường là hàng hoa, được khách hàng đổ xô đến mua và hoàn toàn được xuất khẩu.
Giá vải thiều khi anh đưa ra thị trường cũng cao hơn so với các hộ xung quanh.
Anh Thắng cho biết: Nếu như mức giá trung bình của vải thiều Lục Ngạn năm 2014 chỉ đạt khoảng 14-16 nghìn đồng/kg thì vải thiều của gia đình anh Thắng thường đạt khoảng 18-20 nghìn đồng/kg. Không chỉ có vậy, chi phí về thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm. Chi phí nhân công giảm gần một nửa so với trước đây. Chính vì thế, riêng nguồn thu từ hơn 2 ha trồng vải thiều của gia đình anh, mỗi năm đã cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Cam ngọt trên đất vải
Thành công với cây vải, nhưng anh Thắng cũng luôn là người đón đầu các phong trào của địa phương. Nhận thấy cây vải có đặc tính chín tập trung trong một thời gian ngắn, sau khi thu hoạch vải xong hầu hết thời gian của anh là nhàn rỗi. Anh Thắng đã mạnh dạn làm đơn xin đấu thầu thêm hơn 1 ha đất nông nghiệp để trồng Cam Đường Canh.
Mỗi vụ thu hoạch cam, anh Thắng thu về gần 1,2 tỷ đồng
Anh Thắng tâm sự, quả Cam Đường Canh có mã rất đẹp, ăn lại thơm và ngọt được nhiều người ưa chuộng, vì thế mà những năm gần đây luôn được giá cao. Đón đầu xu thế của người dân nơi đây, năm 2011 tôi và gia đình đã làm đơn xin đấu thầu 1,2 ha đất nông nghiệp để trồng cam.
Vốn đầu tư lớn, cộng thêm sự “khó tính” của cây cam, loại cây được người trồng trọt gọi là “cây nhà giàu” khiến hầu hết những người trồng cam đều cho rằng mọi sự tính toán chỉ như “đếm cua trong hang”. Anh cho biết: “Cam tuổi thọ ngắn, dễ bị bệnh, đặc biệt là vàng lá, một khi nhiễm là không cứu được. Vì thế, có nhiều hộ trồng nhiều nhưng vẫn lỗ bởi cây chết”.
Trong 5 năm trồng cam, gia đình anh Thắng cũng đã gặp phải không ít thất bại. “Năm 2012, khi vườn cam đang xanh tốt, bỗng nhiên đổ bệnh. Một màu vàng úa bao phủ và chỉ trong chưa đầy một tháng hơn 300 cây cam đang chuẩn bị đỗ quả chết rũ rượi. Mất trắng gần 200 triệu đồng, những cây còn sống cũng cho năng suất kém hẳn”, anh Thắng nhớ lại.
Tuy nhiên, những thất bại không ngăn được quyết tâm của chàng trai trẻ. Anh nói: “Trong nghề trồng cam, người ta ít chia sẻ kinh nghiệm, chỉ có thất bại mới đem lại bài học cho mình”. Và quả nhiên, trời không phụ lòng người, những bài học từ thất bại của những vụ trước giúp anh Thắng thắng lớn ở vụ cam năm 2014. Với hơn 1 ha trồng cam, nhà anh thu về gần 20 tấn cam Canh, với giá bán trung bình 60 nghìn đồng/kg, gia đình anh Thắng thu về gần 1,2 tỷ đồng.
Anh Bùi Cao Huy (bên trái), Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Giang thăm vườn cam của anh Thắng
Mải làm kinh tế, nên gần 30 tuổi anh Thắng vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Anh bâng đùa rằng: “Tôi khô khan giống như cây cam, vây vải nên ít có cô gái nào để ý”. Thế nhưng, bà con nông dân tại địa phương lại hết lời ca ngợi anh, vì anh vừa hiền lành, tốt bụng lại cởi mở trong việc chia sẻ bí quyết của mình với những hộ dân có chung đam mê làm giàu bằng cây cam, cây vải.
Anh Bùi Cao Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Giang cho biết: “Mô hình kinh tế là anh Thắng luôn được Hội nông dân xã lấy làm mô hình điểm để tuyên truyền với bà con nông dân. Hiện nay, đã có hơn 100 hộ gia đình trên địa bàn xã và các xã lân cận đã đến học tập mô hình của anh Thắng và đều được anh hướng dẫn tận tình, kết quả ban đầu đều khá tốt. Với những thành tích đã đạt được, anh Thắng đã được Hội Nông dân huyện Lục Ngạn trao tặng giấy khen trong nhiều năm liền”.
Không chỉ là một thanh niên làm kinh tế giỏi, Lã Văn Thắng còn là một đoàn viên năng nổ, hoạt bát, nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn tại địa phương. Với anh, niềm vui không đến từ việc làm giàu hiệu quả mà chính là những hoạt động xã hội. Sau những giờ làm việc mệt nhọc trong vườn cam, vườn vải, anh được sinh hoạt, được hòa mình trong các phong trào, hoạt động của địa phương. Anh Thắng chia sẻ rằng: “Hoạt động phong trào giúp mình trưởng thành và chín chắn hơn”.