Ùn tắc giao thông trước cổng trường: Bài toán chưa có lời giải đáp
Đến giờ là... tắc
Vào các khung giờ cao điểm đưa, đón học sinh, người tham gia giao thông ở Thủ đô có thể dễ dàng bắt gặp cảnh phụ huynh học sinh dừng đỗ ô tô, xe máy lộn xộn dưới lòng đường, trên vỉa hè để đưa đón con, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông xung quanh khu vực cổng trường.
Điển hình như tại các trường: Tiểu học Dịch Vọng B, THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tiểu học Kiến Hưng (quận Hà Đông), Thực nghiệm khoa học giáo dục (số 50-52 phố Liễu Giai, quận Ba Đình)… hầu như ngày nào cũng diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Khảo sát của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, vào khung giờ từ 7h - 7h30 sáng hằng ngày, tại cổng trường Tiểu học Dịch Vọng B và THCS cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) luôn xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông. Nguyên nhân do hai trường ở vị trí đối diện nhau, nhiều phụ huynh đỗ xe ô tô ngay dưới lòng đường, xe máy dựng kín vỉa hè khiến các em học sinh phải chen vào giữa dòng xe để vào lớp.
Chị Nguyễn Thị Minh Hoa, một phụ huynh có con học tại trường tiểu học Dịch Vọng B cho biết: Tình trạng ùn tắc trước cổng trường học đã diễn ra từ nhiều năm nay. Có hôm đi đón con, tôi phải mất 20 phút mới thoát khỏi khu vực cổng trường. Lúc sang đường cũng phải mất thêm 10 phút vì xe ô tô, xe máy của người đi đường cứ đi băng qua, rất nguy hiểm. Thiết nghĩ nhà trường nên có biện pháp phối hợp với cơ quan chức năng phường để có biện pháp phân luồng giao thông khu vực cổng trường nhằm giảm ùn tắc”.
Tình trạng ùn tắc trước cổng trường học đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục |
Tương tự, khu vực cổng trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm) ùn tắc nghiêm trọng ở khu vực cổng trường vào khoảng 11 giờ trưa và 4 giờ chiều - khung giờ phụ huynh đưa đón con đi học. Quãng đường hơn 500m phố Nhà Chung, trước cổng trường Trần Quốc Toản dường như tắc cứng. Tại đây không có người phân luồng vào giờ cao điểm nên giao thông rất lộn xộn.
Ngoài ra, tại các nút giao thông xung quanh và trước cổng một số trường tại quận Ba Đình như: Trường Tiểu học Hoàng Diệu; THCS Ba Đình, THCS Thăng Long… cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc. Một phần do các trường nằm ở mặt phố hẹp, trong khi người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc; Một phần do ý thức của phụ huynh đưa, đón học sinh còn hạn chế.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân
Có thể nhận thấy rằng, sự bất cập giữa nhu cầu đưa đón con đi học với hạ tầng giao thông khu vực cổng trường học là căn nguyên gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại đây. Bên cạnh đó, ý thức, văn hóa giao thông của học sinh và nhiều phụ huynh còn hạn chế, tình trạng dừng đỗ xe lộn xộn trên vỉa hè, lòng đường khá phổ biến. Trong khi đó, lực lượng chức năng, cụ thể là trật tự viên của phường còn “mỏng”, không đủ người để ngày nào cũng bố trí giám sát, xử phạt. Vì thế, giao thông khu vực cổng trường luôn ùn tắc.
Mặt khác, tình trạng chọn trường, chọn lớp, học trái tuyến cũng là nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông ở cổng trường. Việc di chuyển từ nhà đến trường xa trong điều kiện giao thông hỗn hợp thiếu an toàn nên nhiều người không để con tự đi học mà chọn cách đưa đón bằng phương tiện cá nhân. Xe buýt học đường cũng chủ yếu tổ chức ở các trường ngoài công lập nên chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng, các trường cần khuyến khích học sinh đến trường bằng phương tiện vận tải công cộng |
Để giải quyết ùn tắc giao thông trước cổng trường, nhiều giải pháp đã được các cấp, ngành và các nhà trường trên địa bàn Hà Nội triển khai. Đơn cử như trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân) đã ký cam kết với Công an phường trong việc phân luồng giao thông tại các “điểm nóng” quanh khu vực trường. Nhà trường cũng ký cam kết với phụ huynh và học sinh, để chung tay bảo đảm trật tự, chống ùn tắc giao thông tại khu vực cổng.
Tại quận Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng cũng đang nỗ lực để giảm ùn tắc tại các cổng trường trên địa bàn quận. Trung tá Trần Thành Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Thời gian qua, chính quyền và công an 18 phường trên địa bàn quận đã phối hợp với các nhà trường tổ chức bố trí lực lượng trực tại chỗ kết hợp phân luồng từ xa; Bố trí lệch giờ học; Mở thêm cổng ra, vào để “san tải” lượng phụ huynh, học sinh tập trung dồn vào một cổng".
Mặc dù các trường học đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tải ùn tắc tại khu vực cổng trường trong giờ cao điểm, tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần phát triển một hệ thống xe buýt học đường hoàn chỉnh.
Liên quan đến vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang cho rằng, các trường cần khuyến khích học sinh đến học bằng phương tiện vận tải công cộng. Hiện, Hà Nội đã có một số trường tổ chức đưa, đón học sinh bằng hệ thống xe buýt, hoạt động vào khung giờ nhất định, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Giải quyết hiện tượng ùn tắc ở cổng trường học vẫn đang là vấn đề nan giải của các nhà trường và cơ quan chức năng, dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng ùn tắc ở cổng trường vẫn chưa được cải thiện nhiều. Trong khi chờ các giải pháp lâu dài đòi hỏi sự hợp tác của các bậc phụ huynh và học sinh nâng cao ý thức chấp hành thì các quy định đảm bảo an toàn giao thông mới phát huy hiệu quả.