Ứng dụng công nghệ thông tin giúp nhận diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH
Góp phần nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra
Từ năm 2019, BHXH Việt Nam đưa vào triển khai Phần mềm quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra tạo nền tảng từng bước đổi mới phương thức, cách thức thanh tra, kiểm tra.
Năm 2021, BHXH Việt Nam xây dựng 121 dấu hiệu nhận diện của 77 hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT. Trên cơ sở đó, tiến hành nâng cấp phần mềm thanh tra, kiểm tra, bổ sung chức năng xử lý dữ liệu, nhận diện các hành vi vi phạm trọng trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT.
Tại cuộc họp về tình hình triển khai phần mềm nhận diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHTN vừa được tổ chức, Vụ Thanh tra kiểm tra đã báo cáo, thuyết trình tóm tắt về quá trình triển khai nâng cấp phần mềm.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo ngành, Vụ Thanh tra kiểm tra đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc liên quan thực hiện nhiệm vụ. Hiện phần mềm đã cơ bản thành hình, phục vụ yêu cầu trong công tác quản lý như thường xuyên cập nhật, phân tích dữ liệu đưa ra các chỉ số cảnh bảo có dấu hiệu rủi ro trong nghiệp vụ; Phục vụ công tác nghiệp vụ như chọn mẫu, đề xuất các đơn vị, cá nhân cụ thể là nguyên nhân của dấu hiệu rủi ro (có dấu hiệu vi phạm), cung cấp dữ liệu chi tiết để phục vụ đối soát, xử lý nghiệp vụ tổ chức thanh tra, kiểm tra.
Việc tiến hành nâng cấp phần mềm thanh tra, kiểm tra sẽ góp phần nhận diện các hành vi vi phạm trọng trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT |
Phần mềm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên, dữ liệu, hạ tầng hiện có của ngành BHXH Việt Nam. Phạm vi phân tích dữ liệu của phần mềm có quy mô toàn quốc, cấp tỉnh, cấp huyện, khối tham gia, đơn vị sử dụng lao động và cơ sở khám chữa bệnh BHYT… Phục vụ các cấp từ Trung ương đến địa phương gồm: Lãnh đạo ngành, lãnh đạo các đơn vị, lãnh đạo BHXH tỉnh, huyện; Người làm công tác thanh tra, kiểm tra, người làm nghiệp vụ khác.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Trung tâm Công nghệ thông tin, Ban Quản lý dự án Công nghệ thông tin, văn phòng đã có ý kiến, giải thích về tính khả thi và các giải pháp kỹ thuật cho phần mềm.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đánh giá: Với cơ sở dữ liệu rất lớn, đầy đủ ở tất các các mặt nghiệp vụ của ngành, việc triển khai một phần mềm tổng hợp, phân tích nhận diện các dấu hiệu vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT là khả thi. Triển khai phần mềm này sẽ giúp ích rất lớn để ngành BHXH Việt Nam nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, từng bước chuyển đổi từ hình thức thanh tra, kiểm tra truyền thống sang thanh tra, kiểm tra điện tử.
“Chìa khóa” quan trọng trong thực hiện thanh tra, kiểm tra điện tử
Với những tiện ích vượt trội mà phần mềm thanh tra, kiểm tra đem lại, Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận, đánh giá sự nỗ lực của Vụ Thanh tra kiểm tra và các đơn vị liên quan trong triển khai nâng cấp phần mềm thanh tra, kiểm tra, nhất là triển khai tính năng nhận diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, trong năm qua, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch COVID-19, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam đã từng bước được đổi mới. Từ nguồn dữ liệu lớn, ngành BHXH xây dựng bộ nhận diện, cùng việc nâng cấp phần mềm đã giúp công tác thanh tra, kiểm tra dần chuyển hướng từ hình thức truyền thống sang điện tử.
Việc triển khai thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử đã làm tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng công việc và giảm nhân lực, thời gian tiến hành các đoàn thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là rút ngắn thời gian làm việc trực tiếp tại đơn vị.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại cuộc họp về tình hình triển khai phần mềm nhận diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHTN vừa được tổ chức |
Về phần mềm nhận diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá đây là “chìa khóa” quan trọng trong thực hiện thanh tra, kiểm tra điện tử của ngành, do đó cần tiếp tục được nghiên cứu, đẩy nhanh tốc độ triển khai đảm bảo yêu cầu về tính bảo mật, an toàn thông tin, dữ liệu; Có sự kết nối, sử dụng dữ liệu với các phần mềm, công cụ quản lý nghiệp vụ khác của BHXH Việt Nam; Có tính mở, dễ dàng cập nhật, bổ sung, làm giàu thêm các dấu hiệu nhận diện vi phạm mới; Thiết kế đáp ứng xu hướng chuyển đổi số trong tương lai; có thể dễ dàng kết nối với các nguồn thông tin, dữ liệu ngoài ngành; Có giao diện trực quan, sinh động dễ sử dụng…
“Cùng với sự phát triển, biến động của kinh tế - xã hội, các dấu hiệu, hành vi vi phạm về BHXH, BHTN, BHYT cũng có những sự biến đổi, do đó phần mềm phải có tính “mở” để có thể liên tục cập nhật, bắt kịp thực tế; Có những dấu hiệu nhận diện không còn phù hợp nhưng có những dấu hiệu mới cần được bổ sung để làm giàu dấu hiệu nhận diện vi phạm sau mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, phần mềm cũng phải có cơ chế để người dân, người lao động biết, phản ánh về quyền lợi của mình, phát huy vai trò giám sát, từ đó góp phần cùng ngành BHXH Việt Nam phát hiện, bảo vệ quyền lợi người tham gia BHXH, BHTN, BHYT ngày càng tốt hơn”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nói.