BHXH Việt Nam chủ động xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành BHXH Việt Nam tháng 4/2022. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường; Các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Tại các điểm cầu địa phương có lãnh đạo BHXH tỉnh, thành phố; Lãnh đạo các phòng chuyên môn và BHXH cấp huyện.
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết: Tính đến hết tháng 3/2022, toàn quốc có trên 16,4 triệu người tham gia BHXH, trong đó có trên 15,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và trên 85,34 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số. Nhìn chung, 3 tháng đầu năm, số tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, với mức tăng lần lượt là 1,47%, 10,77% và 1,95%. Tuy nhiên, nếu so với năm 2021, số tham gia BHXH tự nguyện giảm 168 nghìn người và số tham gia BHYT giảm 3,49 triệu người…
Tổng số thu BHXH, BHYT lũy kế hết tháng 3/2022 là 93.483 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số nợ BHXH, BHYT là 23.992 tỷ đồng, bằng 5,6% so với số phải thu (so với cùng kỳ năm 2021, số tiền nợ tăng 2.992 tỷ đồng, tỷ lệ nợ so với số phải thu tăng 1%).
Toàn cảnh Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành BHXH Việt Nam tháng 4/2022 |
Tính đến ngày 25/3/2022, toàn Ngành đã xác thực khoảng 39 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về BH với CSDL quốc gia về dân cư; Đồng thời đã cung cấp, chia sẻ trên 9,3 triệu bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.
Ngành BHXH Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Công an xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua số CMND để đối chiếu, đồng bộ số CCCD từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL của BHXH.
Tính đến ngày 25/3/2022, số lượng xác thực lấy số CCCD là trên 45,4 triệu trường hợp, số xác thực thành công là trên 30,4 triệu. Kết quả sau một tháng triển khai thí điểm, toàn quốc đã có 2.856 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 35.813 lượt tra cứu, trong đó có 19.268 lượt tra cứu thành công...
Thời gian qua, BHXH các tỉnh, thành phố đã tập trung vào một số giải pháp có hiệu quả tốt phát triển đối tượng như nắm bắt tình hình hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn để thông tin đến người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động quay trở lại làm việc, tiếp tục tham gia BHXH, BHYT; Tích cực rà soát dữ liệu cơ quan thuế cung cấp để phát triển người tham gia; Tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; Thanh tra chuyên ngành đột xuất các đơn vị nợ đọng, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ.
Cùng với đó, BHXH các tỉnh, thành phố cũng chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý đối với các đơn vị cố tình vi phạm; Phối hợp, đôn đốc cơ quan tài chính chuyển tiền đóng, hỗ trợ đóng; Tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương tiếp tục trích tiền ngân sách mua thẻ BHYT cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; Triển khai các giải pháp phát triển BHYT học sinh sinh viên; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT...
BHXH các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị qua các điểm cầu |
Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ cho biết: Trong bối cảnh chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022 rất lớn, nếu không chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp hiệu quả ngay từ thời điểm đầu năm, thì sẽ khó đảm bảo hoàn thành được.
Do đó, theo ông Hào, để đạt được các mục tiêu, bên cạnh các giải pháp hiện có, chúng ta cần có một cơ chế đổi mới hơn về thù lao đại lý, tạo sự khuyến khích tham gia thời gian dài hơn với người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về nguồn kinh phí, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận giải quyết kịp thời, chính xác, đầy đủ quyền lợi cho người lao động mắc COVID-19; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người lao động nhận chế độ BHXH trực tiếp qua tài khoản cá nhân.
Việc giải quyết chế độ BHXH cho người lao động nghỉ việc điều trị COVID-19 tại nhà vẫn còn khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp, tham gia với Bộ Y tế báo cáo, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vướng mắc về việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người lao động mắc COVID-19 điều trị tại nhà, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động...
Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số cơ quan BHXH tỉnh, thành phố đã báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong tháng. Theo Ông Nguyễn Đức Hoà, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiều giải pháp, số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội đều tăng so với năm 2021.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, trong quý I/2022, BHXH Thành phố thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh hết sức khó khăn, khi số ca nhiễm tăng cao, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của đơn vị. Cùng với đó, nhiều công chức viên chức của BHXH Thành phố bị nhiễm COVID-19 làm ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường cùng các Phó Tổng Giám đốc đã có những đánh giá, nhận định và chỉ đạo về các lĩnh vực phụ trách. Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường cũng đề nghị các đơn vị trong toàn Ngành cần đẩy mạnh việc truyền thông, chia sẻ các giải pháp, cách làm hay, mô hình mới, các địa phương làm tốt nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, giúp BHXH các tỉnh, thành phố tham khảo, học tập, áp dụng vào triển khai nhiệm vụ tại địa phương mình…
Liên quan lĩnh vực BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT cần tập trung, quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Ngành. Trong đó, phải sớm thống nhất về việc xây dựng quy trình giám định BHYT; Có văn bản hướng dẫn BHXH các tỉnh triển khai thực hiện; Tham mưu văn bản hướng dẫn tạm thời về việc tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT...
Về công tác thu và phát triển đối tượng, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Từ đó, nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn, để có giải pháp cụ thể hỗ trợ BHXH địa phương hoàn thành nhiệm vụ.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đề nghị Vụ KH-ĐT bám sát tình hình, triển khai sớm dự toán năm 2022 để giao dự toán đến từng địa phương. “Phải thực hiện giao các chỉ tiêu, kế hoạch cho địa phương ngay từ đầu năm mới có thể hoàn thành kế hoạch đã đặt ra”.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của toàn Ngành trong thực thi nhiệm vụ, nhất là cơ bản hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao.
Theo Tổng Giám đốc, trước mắt vẫn khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản để ứng phó, triển khai nhiệm vụ hiệu quả. Đặc biệt, cần bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác; có lộ trình, cách thức triển khai, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân…
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị |
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập; Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp.
Đồng thời đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; Kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT; Sử dụng ứng dụng VssID một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19; Đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia; Nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch...