Ứng dụng hóa học xanh trong sản xuất công nghiệp để bảo vệ môi trường
Những tác động xấu đến môi trường
Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP của ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hóa chất có vai trò quan trọng và là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong mọi lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, việc sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất công nghiệp đã và đang gây ra những tác động rất lớn và nguy hiểm tới môi trường và sức khoẻ con người.
Các vụ cháy nổ, sự cố hoá chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường |
Theo thống kê, lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam đang tập trung tại các nhà máy của các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp.
Với đặc tính của nhiều loại hóa chất độc, nguy hiểm là tính oxy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp, tính độc hại đến môi trường nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, cháy nổ rất nguy hiểm.
Thời gian qua, ngay tại Hà Nội đã xảy ra một số sự hóa chất lớn như sự cố tại Nhà máy hóa chất Đức Giang; hay sự cố hỏa hoạn ở Nhà máy Bóng đèn - phích nước Rạng Đông gây thất thoát lượng lớn chất thủy ngân. Mới đây, vụ cháy kho hoá chất của Công ty An Minh Thức tại huyện Bình Chánh (TP HCM) khiến 1 người chết và làm môi trường xung quanh khu vực bị ô nhiễm.
Nhận thức được các nguy cơ về sức khỏe do tiếp xúc với các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, năm 2002, Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.
Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định chất ô nhiễm khó phân hủy là chất ô nhiễm có độc tính cao, khó phân hủy, có khả năng tích lũy sinh học và lan truyền trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.
Do đó, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ trong việc triển khai có hiệu quả các quy định này, đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm trong việc giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người thông qua giảm phát thải các chất ô nhiễm khó phân hủy.
Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng xanh
Nhìn được những lợi ích lâu dài tăng trưởng xanh, nhiều doanh nghiệp trên thế giới hiện nay đã chủ động chuyển đổi sang ứng dụng hóa học xanh vào sản xuất. Liên minh Châu Âu vừa qua đã phê duyệt một khung chính sách rất mạnh mẽ về hoá chất và chất thải trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh Châu Âu.
Hóa học xanh không chỉ mang lại các lợi ích về môi trường mà cả các cơ hội cho các doanh nghiệp như giảm việc sử dụng nước, tiết kiệm năng lượng, tạo các cơ hội cạnh tranh để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giai đoạn từ năm 2015 - 2018, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cục Hóa chất - Bộ Công Thương triển khai trên toàn quốc Dự án Quản lý an toàn POPs và hóa chất nguy hại do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ ủy thác thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm giúp Việt Nam giảm thiểu các rủi ro về môi trường và sức khỏe con người thông qua giảm phát thải POPs (hợp chất hữu cơ khó phân hủy) và hóa chất nguy hại.
Theo đó, đã rà soát các chồng chéo, mâu thuẫn tại các văn bản liên quan tới quản lý POPs và hóa chất độc hại (Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hóa chất, các văn bản dưới luật) để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý vấn đề này hiệu quả hơn.
Tiếp nối các hoạt động hỗ trợ xử lý POPs, hóa chất nguy hại, đồng thời, với mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu và áp dụng hoá học xanh, khuyến khích doanh nghiệp hạn chế sản xuất, sử dụng các hóa chất nguy hại, hướng đến phát triển các phương pháp cũng như quá trình sản xuất thân thiện với môi trường, sức khỏe con người, Cục Hóa chất - Bộ Công thương đã triển khai dự án “Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh, giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất POPs, hóa chất nguy hại”.
Ngoài ra, dự án cũng đóng góp vào việc rà soát, kiến nghị lồng ghép các nguyên tắc của hoá học xanh vào Luật hóa chất sửa đổi và dự thảo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Dự án đã thành lập Mạng lưới chuyên gia hóa học xanh được đặt tại Hội hóa học Việt Nam.
Dây chuyền mạ kẽm điện phát triển theo hướng "hoá học xanh" đạt nhiều hiệu quả |
Để từng bước “xanh hóa” các ngành công nghiệp có sử dụng hóa chất độc hại thải ra môi trường, Việt Nam có rất nhiều ngành chủ chốt cần thực hiện hóa học xanh để cải thiện một cách đáng kể quy trình sản xuất và giảm thiểu những tác động do hóa chất thải ra môi trường các ngành này mang lại như: Công nghiệp mạ điện; Sản xuất nhựa; Ngành Dệt và thuộc da; Ngành Giấy và bột giấy; Ngành có sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; Ngành sản xuất dung môi và sơn...