Ứng viên có thâm niên tại tập đoàn đa quốc gia mong muốn vực dậy thương hiệu Việt lên truyền hình tìm việc
"Cơ hội cho ai" - ứng viên được chốt lương 50 triệu đồng, phá kỷ lục mùa 1 |
Tập 12 “Cơ hội cho ai? – Whose Chance?” vừa lên sóng trên kênh VTV3 – Đài truyền hình Việt Nam lúc 12h00 trưa thứ bảy, ngày 23/1/2021.
Các ứng viên tham gia chương trình gồm Nguyễn Minh Tâm, 44 tuổi, có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các Tập đoàn đa quốc gia ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) và một số công ty có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm. Anh Tâm có kinh nghiệm thiết kế hệ thống phân phối và tăng doanh thu từ 0 đến 250 tỷ đồng trong một năm. Vị trí công tác từ năm 2018 đến nay là Giám đốc Kinh doanh tại một Tập đoàn về cà phê và đồ uống.
Ứng viên Nguyễn Minh Tâm |
Đối thủ của anh Tâm là Châu Thế Vinh, 42 tuổi, cũng có 20 năm kinh nghiệm trong quản lý bán hàng và tiếp thị thương mại cấp cao tại các công ty đa quốc gia ngành hàng tiêu dùng nhanh và hàng công nghiệp. Anh Vinh là Giám đốc Bán hàng Khu vực trẻ tuổi nhất có thành tích nổi bật ngay khi vừa gia nhập công ty lúc 25 tuổi. Anh Vinh có hơn 7 năm công tác tại vị trí Giám đốc Tiếp thị Thương mại cho công ty nước giải khát đa quốc gia đứng đầu thị trường Việt Nam. Định hướng phát triển sự nghiệp của anh Vinh là: “Người Việt làm rạng danh hàng Việt”.
“Đến với chương trình, tôi mong tìm được vị trí thách thức hơn, nhiều khát vọng hơn để tôi có thể cống hiến hết hoài bão, kỹ năng, kinh nghiệm của mình cho 1 tập đoàn Việt Nam, để vực dậy thương hiệu có thể sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới, chứ tôi không chỉ mong muốn tìm kiếm một công việc đơn thuần” – anh Vinh chia sẻ với các sếp trong lời chào đầu.
Ứng viên Châu Thế Vinh |
Có thể nói, đây là một cặp ứng viên cân tài cân sức, khi sở hữu số năm kinh nghiệm làm việc, lĩnh vực hoạt động lẫn vị trí công tác khá tương đương nhau. Tình huống mang lại chủ đề tranh luận cho cặp đôi trong phần thi đầu tiên – Vòng Đối mặt là: “Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, với cương vị là một người quản lý, bạn sẽ lựa chọn cắt giảm 30% lương hay cắt giảm 3 nhân sự?”.
Là người trình bày quan điểm trước, anh Tâm cho biết với cương vị của một nhà lãnh đạo, trong trường hợp này, sau khi đắn đo, anh sẽ đưa ra quyết định bằng quy tắc “3 ô”. Khi phân loại như vậy thì chắc chắn sẽ có những người không nằm trong ô nào, thì những người này sẽ có nguy cơ bị tinh giảm nhân sự. Ngược lại, đối với những nhân sự nằm trong 3 ô này thì công ty nên xem xét, duy trì bởi đây là nền tảng của công ty.
Anh Vinh xử lý tình huống bằng cách tổ chức 1 cuộc họp với toàn công ty và chính thức thông báo tình hình tổn thất thực tế bởi đại dịch, thông qua đó, anh mong nhận được sự thông cảm, đồng lòng từ toàn thể cán bộ, công nhân viên. Ở cương vị một người lãnh đạo, anh Vinh đánh giá cao nếu có một ai đó tự nguyện giảm lương 30% - 40% đợi doanh nghiệp vượt qua khó khăn sẽ nhận lại sau.
Đối với 2 giải pháp mà tình huống đưa ra, anh Vinh không đồng ý với phương án nào. “Giảm nhân sự thì không có tính nhân văn. Giảm lương thì lại vi phạm luật lao động. Để dung hòa, tôi đề nghị giữ lại 30% lương tại thời điểm đó, hoặc nếu công ty kinh doanh nhu yếu phẩm thì có thể quy đổi. Sau đó quan sát tình hình rồi mới tính đến cắt giảm nhân sự sau” – nam ứng viên 42 tuổi chia sẻ.
Sếp Lưu Nga |
Sếp Lưu Nga (Nhà sáng lập – Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang ELISE) không đồng tình với quan điểm của anh Vinh. Bà cho rằng việc giảm lương giữa đại dịch Covid-19 khi doanh nghiệp khốn khó không hề vi phạm luật lao động, có thể áp dụng luật thiên tai, luật dịch bệnh vào luật doanh nghiệp, luật lao động. “Chưa kể về tình về lý, chúng ta hoàn toàn có thể phân tích hợp lý. Doanh nghiệp sống thì Người lao động mới sống. Đó chính là nhân văn!” – sếp Elise khẳng định.
Kết quả của vòng Đối mặt, anh Tâm giành chiến thắng trước anh Vinh với số điểm 6/7, trong đó có 5 bình chọn đến từ các sếp và 1 bình chọn đến từ khán giả trường quay, đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng 2 – Chinh phục.
Ở vòng Chinh phục, nam ứng viên 44 tuổi nhập mức lương kỳ vọng vào chiếc valy bí mật, sau đó 6 sếp đặt câu hỏi chất vấn, thử thách để tìm hiểu cũng như kiểm tra năng lực của ứng viên.
Sếp Trí |
Quan sát ứng viên khá kỹ cũng như theo dõi CV (Sơ yếu lý lịch-PV), sếp Trí đưa ra nhận xét: “Khi bạn làm vị trí quản lý nhỏ như supervisor (Giám sát – PV) thì bạn tồn tại được và trụ rất lâu, nhưng khi bạn lên đến Giám đốc Khu vực hoặc Giám đốc Vùng là bạn bung liền. Có phải là chiếc áo đó quá rộng, bạn phải chịu nhiều áp lực như bán hàng cho cả khu vực, nhân viên nhiều hơn không?”.
Gật gù khẳng định nhìn nhận của sếp VNG Cloud là hoàn toàn chính xác, anh Tâm bộc bạch: “Năm 2011 đến 2020 là 9 năm em làm Giám đốc Vùng, công ty em thành công nhất trải qua 4,5 năm. Em bắt đầu từ con số 0 ở công ty đó, đến khi công ty đạt đỉnh điểm, em có thành tựu như vậy thì khi đi những công ty tiếp theo có cảm giác như chiếc áo quá rộng. Vì những công ty mới có bề dày lịch sử, em không còn đất dụng võ phát triển sản phẩm mới nữa, mà phải tăng trưởng theo sự phát triển của công ty”.
Sếp Nguyễn Tuấn Lương (Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam - VNPAY) là người tiếp theo đặt câu hỏi: “Đã là lãnh đạo phải đối phó nhanh với khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng suy giảm do đại dịch! Có 3 sự lựa chọn, 1 là giảm lương, 2 là giảm người và 3 là giảm cả lương lẫn người. Bạn sẽ chọn phương án nào?”.
Sếp Lương |
Chọn cả giảm lương và giảm người là giải pháp của anh Tâm. Tuy nhiên, anh cho rằng trước khi ra quyết định nên suy xét đển 3 vấn đề gồm thể hiện của nhân sự đó trong suốt quá trình làm việc, khả năng cống hiến và tiềm năng phát triển.
Kết quả chung cuộc, anh Tâm rời chương trình vì không sở hữu đủ đèn xanh để bước tiếp vào vòng “chốt thương lượng” – Cơ hội cho ai. Mức lương kỳ vọng của anh Tâm là 50 triệu đồng.
Trước khi ra về, nam ứng viên 7x trải lòng: “Cảm ơn các sếp đã trao đổi với tôi. Tôi rất cảm ơn chương trình đã tạo cho tôi niềm tin, mình biết mình đang ở đâu, nên đi tiếp với doanh nghiệp nào. Có thể bắt đầu từ số 0 cũng được”.
Đánh giá về kết quả chung cuộc của anh Tâm, sếp Trí cho rằng: “Bạn ấy tập trung vào việc bạn không hoàn thành được nhiệm vụ hơn là bạn đã hoàn thành tốt như thế nào để đạt kết quả tương đối, dù chưa đạt đến kết quả mục tiêu. Vì bạn luôn suy nghĩ lý do bạn chưa làm được hơn những gì bạn học được từ những thất bại, tôi nghĩ đó là lý do bạn rời chương trình sớm”.