Vai trò truyền thông trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thách thức và cơ hội của truyền thông
Trong thời đại hiện nay, việc bùng nổ Internet đã đẩy cách mạng truyền thông lên một tầm cao mới, trong đó cũng có nhiều thách thức và lợi thế khác nhau cùng xuất hiện, nó giống như một “cuộc chiến” giằng co giữa ta và các thế lực thù địch.
Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Công việc này có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó, chủ động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là nhiệm vụ cần được quan tâm.
Để nắm bắt, định hướng dư luận, có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, trong đó các phương tiện truyền thông xã hội là một kênh quan trọng, nhất trong kỷ nguyên số hiện nay.
Các phương tiện truyền thông xã hội là các công cụ, ứng dụng giao tiếp đại chúng dựa vào không gian trực tuyến trên nền tảng internet và các công nghệ truyền thông hiện đại khác nhằm truyền tải thông tin, kết nối xã hội… với tốc độ truyền dẫn, lan tỏa nhanh chóng, cùng tính tương tác đa chiều, cho phép người dùng chia sẻ ý kiến, thông tin, dữ liệu, hình ảnh một cách rộng rãi.
Truyền thông đã phát huy vai trò, trở thành vũ khí sắc bén đấu tranh chống lại quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng |
Với những đặc tính có ưu thế nổi trội so với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống, các phương tiện truyền thông xã hội là nền tảng lôi cuốn sự quan tâm, tham gia của đông đảo công chúng, hình thành nên các cộng đồng tương tác xã hội đa dạng.
Các phương tiện truyền thông xã hội có vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội trong đời sống hằng ngày nói chung và trong việc hình thành, thể hiện thái độ, suy nghĩ, đánh giá, niềm tin, mong muốn, khát vọng nói riêng.
Dư luận xã hội được hình thành qua các giai đoạn như tiếp cận thông tin, hình thành, trao đổi, tổng hợp ý kiến cá nhân thành các luồng ý kiến, thể hiện những luồng ý kiến nhất định.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông xã hội chính là nền tảng quan trọng đối với việc tiếp cận thông tin, hình thành ý kiến cá nhân; là công cụ, phương tiện để trao đổi, tổng hợp ý kiến cá nhân thành các luồng ý kiến.
Điều đó có nghĩa rằng, phương tiện truyền thông xã hội có vai trò to lớn đối với việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội, nhất là trong xã hội hiện đại, khi công chúng ngày càng sử dụng thường xuyên, liên tục các phương tiện truyền thông xã hội.
Vì vậy, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội hiệu quả để chủ động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là tất yếu.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, các phương tiện truyền thông xã hội đã góp phần quan trọng thông tin các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước, cung cấp cho công chúng những tri thức về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội.
Các tổ chức, cá nhân của ta sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội góp phần quan trọng trong đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch của các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, các thế lực thù địch. Qua đó, góp phần định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực, khẳng định những thành tựu tự hào của Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại, khẳng định sự đúng đắn của đường lối lãnh đạo của Đảng, tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần giúp dư luận thấy rõ được bản chất các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Lợi thế của Đảng ta rất phù hợp với sự phát triển của truyền thông. Người dân có sự tự tôn dân tộc lớn, niềm tin mạnh mẽ vào Đảng, Nhà nước, các chính sách được phổ cập tới toàn thể Nhân dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới hay hải đảo.
Nhiều ứng dụng đã được tạo ra để phục vụ nhu cầu của người dân. Thông qua các nền tảng truyền thông, mạng xã hội đã giúp Đảng gần gũi hơn với người dân.
Cần sử dụng phương tiện truyền thông một cách có chọn lọc
Bên cạnh những điểm tích cực, các phương tiện truyền thông xã hội cũng còn những hạn chế nhất định. Các thế lực thù địch đã tận dụng triệt để một số phương tiện truyền thông xã hội để reo rắc những thông tin bịa đặt hòng hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, nhất là nhằm vào tầng lớp thanh, thiếu niên, gây hoài nghi, hoang mang dư luận.
Theo đó, các thế lực thù địch đưa tin sai sự thật, làm cho người dân có cái nhìn lệch lạc về những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội, dẫn đến hoài nghi, mơ hồ, thiếu niềm tin vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Qua đó, các thế lực thù địch dễ bề phá hoại về tư tưởng, đầu độc về tinh thần, làm lu mờ các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống, truyền bá lối sống kiểu phương Tây theo kịch bản “Diễn biến hòa bình” do chúng dựng nên.
Đối tượng Nguyễn Viết Dũng treo “Cờ vàng ba sọc đỏ” tại Khu di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng vào ngày 26/4/2017, tại Dinh Độc Lập, TP Hồ Chí Minh vào ngày 8/6/2017 |
Nếu như trước đây, đài phát thanh, báo viết là phương tiện “độc chiếm” truyền thông, thì ngày nay, với sự phát triển của Internet, sự bùng nổ của các loại hình báo chí điện tử, mạng xã hội và các thiết bị viễn thông đa năng, thông tin đa chiều có thể được truyền tải tới người đọc mọi lúc, mọi nơi, ngày càng hấp dẫn mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch đã sử dụng truyền thông như là phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm, cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”...
Chúng thông tin một chiều về các vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí… lấy hiện tượng quy thành bản chất, rồi thổi phồng thành những “sai lầm cố hữu” nhằm gây tác động xấu đến tư tưởng, tâm lý người dân, kích động dư luận xã hội, đả kích, quy chụp Đảng, Nhà nước ta yếu kém trong lãnh đạo, quản lý xã hội, cần phải nhường quyền lãnh đạo cho các lực lượng khác.
Không thể phủ nhận vai trò to lớn của các phương tiện truyền thông mang lại nhưng cũng phải nhìn nhận được những hạn chế, hiểm họa mà nó có thể gây ra. Do đó, mỗi người dân cần sử dụng phương tiện truyền thông một cách có chọn lọc, bởi đây chính là con dao hai lưỡi hết sức nguy hiểm.