Vi phạm Luật đấu giá cây cao su ở Kon Tum, ai chịu trách nhiệm nếu thất thoát tài sản Nhà nước?
Cây cao su thanh lý vẫn được khai thác ồ ạt |
Rầm rộ khai thác cây trúng giá và cây phân bổ
Những ngày trung tuần tháng 4/2021, trực tiếp tại nông trường Ia Chim (TP.Kon Tum, Kon Tum) - 1 trong 4 nông trường vừa được đấu giá thành công gần 60.000 cây cao su thanh lý của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum 100% vốn nhà nước, PV ghi nhận hoạt động khai thác đang diễn ra ồ ạt.
Tại hiện trường, cả chục xe ô tô tải trọng lớn, cùng công nhân khẩn trương đốn hạ, cắt khúc, khuôn vác thân cây cao su lên các xe chở đi. Bên cạnh đó, củi gốc cũng được các đơn vị khai thác chở đi. Theo cánh tài xế thì, mỗi xe chở từ 20 – 40 tấn ra ngoài và hầu hết các xe tải này có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải để tăng khối lượng.
Bám theo đoàn xe tải chở cây cao su, PV ghi nhận, số lượng cây cao su chở ra sau khi khai thác được tập kết tại 2 địa chỉ chính là Nhà máy sản xuất gỗ của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum (tại TP. Kon Tum), cách nông trường Ia Chim chừng gần 20km và Nhà máy cưa xẻ chế biến gỗ của Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai (gọi tắt Nhất Hưng Gia Lai) tại KCN Trà Đa (TP.Pleiku, Gia Lai), cách nông trường khai thác trên dưới 60km.
Cây cao su thanh lý được chờ về Công ty Nhất Hưng Gia Lai |
Trong đó, Công ty Nhất Hưng Gia Lai là đơn vị trúng giá lô gần 60.000 cao su thanh lý với giá gần 19 tỷ đồng, chỉ cao hơn giá khởi điểm 190 triệu đồng được cho là chưa bằng một nửa giá thị trường hiện nay.
Ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá, lập tức vấp phải hàng loạt đơn thư kiến nghị, tố cáo của các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất gỗ trên địa bàn Kon Tum cho rằng có dấu hiệu tổ chức đấu giá không công khai minh bạch, cố tình dìm giá, vi phạm Luật đấu giá tài sản.
Cụ thể, mỗi cây cao su trúng giá trùng bình chỉ hơn 300.000 đồng/cây, trong khi qua khảo sát thực tế thị trường hiện có giá là từ 700 - 800.000 đồng/cây. Bên cạnh đó, với số lượng cây và diện tích đấu giá lần này, chỉ tính riêng số củi (theo từng ha) và gốc cây đang được bán riêng đã lên đến hơn 8 tỷ đồng.
Công ty trúng đấu giá Nhất Hưng Gia Lai |
Ông Nguyễn Tấn Tài- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hải Vân (một trong những doanh nghiệp chế biến gỗ tại Kon Tum) cho rằng, chính vì “lợi khủng” này, nên cây cao su thanh lý vẫn đang bị khai thác ồ ạt, dù cơ quan chức năng đã khẳng định có sai phạm trong đấu giá cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phản ánh cho rằng, theo thông lệ, cây cao su đấu giá chỉ chiếm hơn 35% tổng số cây thanh lý, số còn lại sẽ được Công ty cao su phân bổ, căn cứ theo mức giá trúng đấu giá.
Như vậy, với mức giá trúng đấu giá quá chênh lệch so với thị trường càng khiến nhà nước có nguy cơ thất thoát tài sản lớn (nhất là số cây phân bổ). Hiện mỗi ngày, một khối lượng lớn cây cao su thanh lý vẫn được ồ ạt khai thác chở về đơn vị trúng đấu giá (Công ty Nhất Hưng Gia Lai) và Công ty cao su Kon Tum với danh nghĩa cây phân bổ.
Cần khởi tố vụ án đề điều tra làm rõ
Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng VP Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) nhận định, với những chứng cứ khá rõ như báo chí phản ánh thì, việc đấu giá lô cao su thanh lý của Công ty cao su Kon Tum đã vi phạm Luật đấu giá tài sản, có nghĩa kết quả không thành, cần phải tuyên hủy ngay để ngăn chặn nguy cơ phát sinh hệ lụy, thất thoát ngân sách.
“Luật đã quy định rõ về các biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm đấu giá. Theo đó, trường hợp không tuyên hủy kết quả đấu giá, để phát sinh hệ quả, đặc biệt công ty 100% vốn nhà nước, cây cao su là tài sản nhà nước, thì cần căn cứ theo các văn bản, hợp đồng ký kết các bên để xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Để làm rõ vụ việc này, cần thiết cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ, quy trách nhiệm cụ thể”, Luật sư Đỗ Pháp nhận định.
Văn bản chỉ đạo xử lý của Cục Bổ trợ tư pháp đề nghị Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum xem xét, đánh giá căn cứ khẳng định vi phạm |
Ông Nguyễn Tấn Tài- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hải Vân cho biết, chúng tôi rất bất ngờ, vì ở các Văn bản trước Cục Bổ trợ tư pháp yêu cầu các đơn vị liên quan như Sở Tư pháp Hà Nội, Sở Tư pháp Kon Tum, Tập đoàn cao su Việt Nam báo cáo vụ việc đấu giá lô 60.000 cây cao su thanh lý của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum.
Đến nay các đơn vị đã báo cáo, trong đó Sở Tư pháp Hà Nội có Công văn số 794/STP-BTTP về kết quả xác minh vụ việc nêu trên, trong đó khẳng định Công ty Đấu giá Đông Đô không đăng thông báo công khai việc đấu giá 137ha cây cao su (gần 60.000 cây cao su thanh lý) của Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum (trực thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản là vi phạm quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản.
“Đúng ra, Cục bổ trợ tư pháp phải hướng dẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm, đàng này lại “trao quyền xử lý” cho Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum xử lý, tức là "vừa đá bóng, vừa thổi còi" là không thỏa đáng, có dấu hiệu bất thường cần cơ quan chức năng điều tra làm rõ”, ông Tài kiến nghị.