Viên chức trẻ năng động, sáng tạo đồng hành cùng nông dân
Lãnh đạo TP xuống đồng động viên nông dân cấy vụ Xuân |
Thay đổi tư duy
Hoàng Anh cho biết, cô sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình nên bản thân yêu và trân trọng ngành nông nghiệp từ nhỏ. Vì thế, gắn bó với ngành nông nghiệp như một cơ duyên với cô gái trẻ. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Hoàng Anh về làm việc tại Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội.
Với vị trí việc làm là tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về lĩnh vực phát triển chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hoàng Anh luôn tích cực học hỏi và cùng các anh chị đồng nghiệp thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ người nông dân. Trong đó, cô gái trẻ phối hợp với các viên chức trong phòng triển khai quảng bá kết nối, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn sản xuất theo chuỗi; hướng dẫn các trang trại theo lối cầm tay chỉ việc, thay đổi tư duy, thay đổi phương thức sản xuất...
Nguyễn Hoàng Anh (thứ hai từ trái sang) cùng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản |
Năm 2023, phong trào đã đạt được những kết quả cụ thể như: Hỗ trợ tiêu thụ được khoảng 8 tấn thịt lợn sinh học, gần 5.000 lít sữa, 10.000 quả trứng gà chất lượng cao và một số mặt hàng rau quả, nông sản khác. Cá nhân Hoàng Anh hỗ trợ tiêu thụ được khoảng 2,5 tấn nông sản các loại ra thị trường. “Chúng mình có định hướng rõ ràng và sự đồng lòng, quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Vì vậy, mình tin tưởng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm nông sản sẽ phát triển mạnh trong tương lai”, Hoàng Anh chia sẻ.
Hoàng Anh cùng các đồng nghiệp cũng từng bước tư vấn, hỗ trợ xây dựng nên chuỗi thịt lợn sinh học – thảo dược, chuỗi trứng gà chất lượng cao (trứng gà đông trùng hạ thảo thảo dược) tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội, cụ thể ở trang trại chăn nuôi gà Dung Ngọc.
Nguyễn Hoàng Anh (bên trái) tham gia hoạt động của Đoàn Thanh niên |
Mô hình này không chỉ tạo sự khác biệt, làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn giúp người chăn nuôi từng bước thay đổi tư duy, cách làm. Đặc biệt, họ hiểu rõ, cũng như mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thương mại điện tử vào thực tế. Ngoài ra, mô hình còn gắn kết, kết nối các tác nhân để làm giảm chi phí thương mại, nâng cao được giá trị nông sản, giúp các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản giảm bớt rủi ro (ùn ứ nông sản, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, lái buôn ép giá…).
Tạo sự khác biệt
Các sản phẩm trong chuỗi bán ra đều được người tiêu dùng đánh giá rất cao. 100% sản phẩm thịt lợn của chuỗi đều được chăn nuôi bằng thức ăn sinh học, hoàn toàn không có kháng sinh trong chăn nuôi. Trứng gà có hương vị và chất lượng khác biệt so với các loại, trứng không tanh, kết cấu bền chắc, lòng trắng giòn, lòng đỏ dẻo, béo nhưng không bở và ngấy.
Vì vậy, thương hiệu trứng gà đông trùng hạ thảo-thảo dược của mô hình đã tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Sản phẩm trứng này cũng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Nguyễn Hoàng Anh tham gia hoạt động tình nguyện |
Trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị về việc tăng cường triển khai các giải pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Thủ đô, Hoàng Anh còn có sáng kiến : “Ứng dụng nền tảng xã hội để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận các kênh thương mại điện tử trong bối cảnh mới ”.
“Quá trình làm việc, mình nhận thấy một thực tế, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người nông dân trên địa bàn thành phố vẫn còn rất khiêm tốn. Việc chậm tiếp cận, thay đổi phương thức kinh doanh từ phương thức bán hàng trực tiếp sang thương mại điện tử (bán hàng online) đang là rào cản trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hiện nay.
Việc ứng dụng thương mại điện tử cho nông sản gắn với nông dân là một trong những vấn đề cấp thiết để giải quyết bài toán đầu ra và nâng cao hiệu quả công tác tiếp cận thị trường của hộ nông dân. Kênh thương mại điện tử giúp người bán hàng có thể đăng thông tin chi tiết về các sản phẩm làm ra và sản lượng cần bán để doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn. Từ thực tế đó, sáng kiến “Ứng dụng nền tảng mạng xã hội để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận được các kênh thương mại điện tử trong bối cảnh mới” là cần thiết và phù hợp”, Hoàng Anh cho biết.
Nguyễn Hoàng Anh luôn mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho người nông dân |
Sáng kiến được đánh giá cao và áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả rõ rệt. Qua fanpage và các trang facebook, zalo cá nhân cùng hội nhóm mỗi tháng đã hỗ trợ tiêu thụ được bình quân 600-700 kg thịt lợn sinh học, khoảng 500 lít sữa, 800-1000 quả trứng gà chất lượng cao và một số mặt hàng rau quả, nông sản khác.
Từ hiệu quả ban đầu, Hoàng Anh tích cực tìm hiểu sâu về tiktokshop, fanpage… để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn. Cô gái trẻ cũng xây dựng kịch bản để sản xuất các nội dung về sản phẩm để tổ chức cá nhân quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội.
Qua một thời gian, hoạt động này đã thiết lập được một cơ sở dữ liệu những khách hàng thân thiết và nhận được đánh giá phản hồi rất tích cực. Hoàng Anh hy vọng cách làm này sẽ giúp người nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế, sống tốt nhờ chăn nuôi.