Việt Nam đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ về vấn đền thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
Bài liên quan
Thanh toán không dùng tiền mặt: Nhiều điểm thiếu rõ ràng, chưa thuyết phục
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành giáo dục
Ngành y tế tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt
Hà Nội đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục
Nhiều giải pháp đồng bộ
Tại buổi họp thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2019 và triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong lĩnh vực thanh toán, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Về cơ sở pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khảo sát, đề xuất với Chính phủ xây dựng Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt. Ngân hàng Nhà nước cũng trình và triển khai Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox); Báo cáo cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam; Đề án thử nghiệm các mô hình thanh toán mới,...
Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán; tăng cường công tác an ninh, bảo mật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán. Nhờ đó, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã ứng dụng tất cả công nghệ mới trên thế giới (ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking, QR Code, Tokenization...), phục vụ hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm và thu được kết quả ấn tượng. Cụ thể, đến cuối tháng 10/2019, đã có trên 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức thực hiện qua điện thoại di động.
Riêng trong 10 tháng qua, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 67% và trên 36%; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 186% và 221% so với cùng kỳ năm 2018. Thanh toán qua QR Code tuy là hình thức thanh toán điện tử mới nhưng cũng đạt mức tăng trưởng khá.
Trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính |
Công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt được chú trọng và phát huy hiệu quả. Trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng nội dung, chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, “Đồng tiền thông thái”, cuộc thi “Hiều đúng về tiền”... Qua đó tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, đồng thời khuyến khích sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
Trong khuôn khổ buổi họp, bên cạnh việc báo cáo về hoạt động chung của toàn ngành, Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2019 và triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020.
Theo đó, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước năm 2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%. Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, trong năm 2020.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ; Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, tăng Dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện và bối cảnh phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
Trong hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó chú trọng đến sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, nhất là đối với ngân hàng số, thanh toán số. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư; Tiếp tục nghiên cứu, triển khai phát triển thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Cùng với đó, sẽ tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử; thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng; công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán...
Ngoài ra, trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với Ngân hàng Nhà nước và giao dịch với tổ chức tín dụng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp nói chung và tổ chức tín dụng nói riêng phát triển bền vững.