Việt Nam kỳ vọng về một nền kinh tế xanh, sạch và bền vững
Hoàn thành xuất sắc các mục tiêu
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường với nhiều chính sách quan trọng tham mưu cho Chính phủ trong các vấn đề đất đai, môi trường, tài nguyên. Từ nhiều năm qua, toàn thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức viên chức ngành Tài nguyên và Môi trường đã cho thấy những nỗ lực, quyết tâm, vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Nhiều chủ trương lớn được tổng kết, đánh giá như Nghị quyết số 19 về đất đai, Nghị quyết số 02 về khoáng sản, tổng kết thi hành và sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Tài nguyên nước…
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Quốc hội quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, đây là quy hoạch sử dụng đất quốc gia đầu tiên được phê duyệt. Tiếp tục cắt giảm 40% thủ tục hành chính, thiết lập nền tảng số hóa cơ sở dữ liệu đất đai đến tận đơn vị cấp huyện…
Đồng thời, Bộ cũng hoàn thành xây dựng đồng bộ chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Các vướng mắc từ thực tiễn, chồng chéo trong pháp luật đã được rà soát ở 440 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để khơi thông, giải phóng các nguồn lực tài nguyên đảm bảo đáp ứng các điều kiện đầu vào liên tục của nền kinh tế (như quỹ đất, nước, khoáng sản…).
Vấn đề môi trường, khí hậu được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống (Ảnh: Nam Trang) |
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Vấn đề môi trường, khí hậu được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ môi trường và đã được Quốc hội thông qua.
Theo đó, Bộ đã tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính, những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng...
Năm 2021, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Nghị định số 08/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Các văn bản pháp luật này đã phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường, cập nhật, bổ sung chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở các quy định của Luật Bảo vệ môi trường; Thực hiện các giải pháp để chuyển đổi mô hình kinh tế, xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải, lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn
Năm 2021 cũng đánh dấu bước chuyển biến với hệ thống pháp luật được xây dựng đồng bộ, các chỉ tiêu về môi trường hoàn thành vượt mục tiêu. Bài toán về rác thải đã có lời giải với các dự án đã, đang triển khai sẽ xử lý 30% rác thải sinh hoạt theo hình thức đốt rác phát điện đạt 157MW.
Kinh tế tuần hoàn bước đầu đã được phát triển công nghiệp tái chế, xử lý rác thải, nước thải tăng 3%. Chưa khi nào vấn đề môi trường, khí hậu được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Năm 2022, ngành Tài Nguyên và Môi trường đặt trọng tâm thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động, xây dựng chính sách chuyển từ thắt chặt quản lý sáng tạo, kiến tạo môi trường thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển.
Đặc biệt, chú trọng tổng kết, đánh giá sát đúng thực tiễn, phân tích dự báo các xu thế phát triển trong điều kiện hội nhập, đánh giá các tác động để không chỉ giải đúng và trúng các vấn đề đặt ra từ quản lý mà còn tạo dư địa, động lực mới để giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải.
Thay đổi nhận thức của mỗi người dân, doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thời gian tới, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội về yêu cầu thực tiễn, vai trò, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó cộng đồng doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm.
Bộ cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm động lực để phát triển kinh tế tuần hoàn. Phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; Khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn.
Cần thay đổi nhận thức của mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường (Ảnh: Nam Trang) |
Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất là cần thay đổi nhận thức của mỗi người dân, doanh nghiệp. Muốn vậy cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Đây là việc cần phải thực hiện có lộ trình phù hợp. Tâm lý vì lợi ích trước mắt, bỏ qua lợi ích lâu dài còn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của toàn xã hội.
Bên cạnh đó cũng cần thể hiện tư duy đổi mới xuyên suốt trong hoạch định chính sách chuyển từ thắt chặt quản lý sang kiến tạo môi trường thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển, giải đúng và trúng các vấn đề đặt ra từ quản lý, tạo dư địa, động lực mới để giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải.
“Để Việt Nam thực hiện được những cam kết quốc tế, nắm bắt cơ hội cũng còn nhiều việc phải làm, trong đó ngoài việc chủ động tạo các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút sự tham gia đầu tư của khối doanh nghiệp vào các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, thì người dân và doanh nghiệp cần hiểu lợi ích lâu dài của việc đầu tư sản xuất sạch, xanh.
Với quyết tâm chính trị, sự ủng hộ của xã hội, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, việc chuyển đổi của Việt Nam sẽ đạt được kỳ vọng trong tương lai không xa”, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh.