Việt Nam và New Zealand đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo hai Bộ cam kết hai nước sẽ tiếp tục thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại. Giám đốc điều hành Ray Smith và Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định việc Thủ tướng hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào tháng 7 vừa qua đã tạo nền móng vững chắc để đẩy mạnh hợp tác song phương và các kết nối trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước.
Lễ ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Nông nghiệp tại Đối thoại Nông nghiệp cấp cao Việt Nam - New Zealand lần thứ nhất |
Trong bài phát biểu, Giám đốc điều hành Bộ Các ngành cơ bản New Zealand Ray Smith nhấn mạnh đây là cơ hội tốt để cả hai nước cùng đánh giá những hoạt động có thể hợp tác cùng nhau nhằm phục hồi và thúc đẩy ngành nông nghiệp sau những tác động của đại dịch Covid-19.
Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giúp hai bên phát triển các mối quan tâm chính trong nông nghiệp, bao gồm việc đẩy mạnh thương mại song phương, giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, tăng cường an toàn thực phẩm, tận dụng các công nghệ và nghiên cứu phát triển nông nghiệp, và đẩy mạnh phát triển nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại buổi họp: “Nông nghiệp có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế của hai quốc gia. New Zealand và Việt Nam đều là những nước sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp lớn, với nhiều mặt hàng bổ trợ cho nhau.
Việc thành lập đối thoại nông nghiệp cấp cao New Zealand - Việt Nam và ký bản hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo động lực cho các chương trình hợp tác sẵn có, góp phần tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước. Đây cũng là mục tiêu mà hai Thủ tướng đã tuyên bố khi chính thức nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược vào năm ngoái”.
Bộ Các ngành cơ bản New Zealand hiện đang hỗ trợ một số dự án cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, dịch tễ học thú y và thành lập hệ thống chứng nhận điện tử dành cho các sản phẩm thực phẩm và nông - lâm nghiệp.
Những chương trình này bổ sung cho các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc khuôn khổ chương trình viện trợ phát triển New Zealand hiện đang tài trợ cho Việt Nam, bao gồm dự án phát triển giống trái cây cao cấp tại Tiền Giang, dự án an toàn đập Việt Nam - New Zealand triển khai tại khu vực miền Trung và dự án rau an toàn tại Bình Định.
Đối thoại Nông nghiệp cấp cao New Zealand - Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức trực tuyến |
Ray Smith, Giám đốc điều hành Bộ Các ngành Cơ bản New Zealand cho hay, New Zealand đã phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả bậc nhất trên thế giới. Ngành nông nghiệp New Zealand được biết đến với những chương trình nghiên cứu và công nghệ hiện đại, các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hoàn thiện và an toàn, cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và thơm ngon.
Ông hy vọng bản thỏa thuận hợp tác được ký hôm nay sẽ giúp xây dựng giá trị và mở rộng các cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai nước: “Chúng tôi hiểu rằng tăng cường thương mại không chỉ đồng nghĩa với việc đẩy mạnh xuất khẩu. Điều đó còn phụ thuộc vào quá trình trao đổi kiến thức, chuyên môn, công nghệ, dịch vụ và đầu tư. Sự trao đổi hai chiều này sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước chúng ta”.
Ông cũng cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính thông qua Liên minh Nghiên cứu toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp”.
Lãnh đạo hai Bộ cũng cam kết nhanh chóng hoàn tất thủ tục cấp phép nhập khẩu cho một số loại hoa quả của hai nước để người tiêu dùng Việt Nam được thưởng thức trái dâu và bí của New Zealand, đồng thời người dân New Zealand sẽ sớm được thấy quả chanh và bưởi của Việt Nam trên các kệ hàng.
Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 2 tỷ đô la New Zealand tính đến cuối tháng 9/2020. Dù đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng của New Zealand và ngược lại nhờ nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cao đến từ người tiêu dùng.