Vietnam Airlines vượt “bão” Covid-19 để thoát cơn bế tắc
Vietnam Airlines chính thức được “cấp cứu” với gói vay 4.000 tỷ đồng Vietnam Airlines lọt top hàng không dẫn đầu thế giới an toàn phòng chống dịch Covid-19 |
Tại Đại hội, các cổ đông của Vietnam Airlines đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung gồm: Kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2021, báo cáo tài chính năm 2020, phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ, phương án kiện toàn Ban Kiểm soát, chủ trương bán 6 tàu ATR-72 để thay thế bằng đội tàu bay phản lực khu vực,... và một số nội dung quan trọng khác.
Vietnam Airlines sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu trong kế hoạch phục hồi |
Năm 2021, trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch khả thi với mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020.
Để vượt qua đại dịch và nắm bắt cơ hội phát triển, Vietnam Airlines đặt mục tiêu duy trì an toàn khai thác, phòng chống dịch bệnh, giữ vững vị thế chủ lực của Vietnam Airlines Group trong ngành hàng không, tái cơ cấu toàn diện và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Vietnam Airlines |
Vietnam Airlines tiếp tục tìm mọi giải pháp tăng thu và cắt giảm, tối ưu hóa chi phí (đặc biệt tái cơ cấu đội tàu bay, chi phí thuê tàu bay); tái cơ cấu danh mục đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; kiện toàn tổ chức các khối theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tinh giản số lượng lao động; đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ (vững chắc 4 sao và tiến đến 5 sao).
Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó với đại dịch |
Tổng Công ty chủ động tìm kiếm sự chia sẻ, hỗ trợ từ đối tác để đàm phán giảm giá, giãn, hoãn thanh toán, cắt giảm và triệt để tiết kiệm các khoản chi để giảm thiểu mức lỗ trong kinh doanh. Dự kiến tổng chi phí cắt giảm, tiết kiệm bằng các giải pháp tự thân năm 2021 đạt được trên 6.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, các tàu bay ATR-72 cũ đến 12 năm tuổi sẽ được bán và thay thế bằng các tàu bay phản lực khu vực để tăng cường cạnh tranh tại thị trường ngách hoặc các sân bay không khai thác được bằng đội tàu bay Airbus A320, A321 trở lên.
Đại hội đồng cổ đông bỏ phiếu kiện toàn nhân sự Ban Kiểm soát |
Đối với kế hoạch bay quốc tế và nội địa, Vietnam Airlines điều hành linh hoạt, tận dụng các cơ hội phục hồi đến từ kiểm soát dịch bệnh, tiêm chủng vắc-xin và hộ chiếu sức khỏe điện tử. Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay quốc tế chở công dân về nước, chở chuyên gia, phối hợp thí điểm hộ chiếu sức khỏe điện tử.
Trên thị trường nội địa, Vietnam Airlines xây dựng lộ trình khôi phục hoàn toàn mạng đường bay cho giai đoạn sau dịch bệnh; tìm các cơ hội mở thêm các đường bay địa phương mới. Đồng thời, mục tiêu đạt 51% thị phần vận chuyển hành khách nội địa năm 2021 của Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) được ban lãnh đạo xác định trên cơ sở điều hành tải cung ứng và mở bán linh hoạt.
Đẩy mạnh vận tải hàng hóa là một trong các giải pháp bù đắp doanh thu cho Vietnam Airlines |
Vietnam Airlines đặt ưu tiên hoàn thành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu tăng vốn quy mô 8.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu. Ngày 7/7 vừa qua, Tổng Công ty đã hoàn thành việc lựa chọn, ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại trước khi chính thức tiến hành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng.
Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn 8.000 tỷ đồng cũng đã được thông qua tại Đại hội và dự kiến các thủ tục phát hành sẽ hoàn tất vào cuối quý 3/2021. Nguyên tắc chung của Vietnam Airlines trong việc sử dụng 12.000 tỷ đồng từ gói vay tái cấp vốn và phát hành thêm cổ phiếu là bổ sung vốn cho hoạt động SXKD, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ SXKD.
Vietnam Airlines dự kiến tiết kiệm hơn 6.800 tỷ đồng trong năm 2021 bằng các giải pháp tự thân |
Về kết quả SXKD năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn, nhưng Vietnam Airlines vẫn giữ vững hoạt động khai thác, đảm bảo an toàn tuyệt đối, giảm thiểu tối đa mức lỗ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc gia.
Tổng lượng khách vận chuyển đạt 14,13 triệu lượt và hàng hóa đạt 195,3 nghìn tấn, đều xấp xỉ kế hoạch đề ra. Vietnam Airlines duy trì chỉ số đúng giờ (OTP) ở mức cao 90% và nằm trong số những hãng có OTP cao nhất Việt Nam và trên thế giới.
Công tác phòng dịch được triển khai chặt chẽ tại Đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines |
Doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của Vietnam Airlines diễn biến khả quan hơn so với dự báo trước đó. Cụ thể, doanh thu hợp nhất và công ty mẹ lần lượt là 42.276 tỷ đồng và 33.266 tỷ đồng, tương ứng vượt 4,2% và 2,2% so với kế hoạch. Kết quả hoạt động SXKD cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực với mức lỗ hợp nhất và công ty mẹ đều thấp hơn đáng kể so với mục tiêu ban đầu, lần lượt giảm chỉ bằng 72,2% và 60,4% kế hoạch đặt ra.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết: “Trong điều kiện SXKD bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, HĐQT cùng với Ban Giám đốc Tổng công ty đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ứng phó với đại dịch, đảm bảo duy trì hoạt động như: điều chỉnh quy mô sản xuất theo thị trường; triển khai các giải pháp về lao động, tiền lương phù hợp quy mô kinh doanh; Cắt giảm chi phí, triệt để tiết kiệm, đàm phán giãn, hoãn thanh toán, tái cơ cấu các khoản nợ vay và tăng cường sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn.
Đồng thời, Vietnam Airlines đã tận dụng mọi cơ hội có thể để gia tăng doanh thu, mà trọng điểm là tăng cường hoạt động vận chuyển hàng hóa, tăng chuyến chở công dân về nước, chở khách chuyên gia. Có thời điểm, Vietnam Airlines đã đồng loạt mở thêm hơn 20 đường bay nội địa dựa trên nguồn lực sẵn có và thị trường nội địa hồi phục nhanh. Những nỗ lực tự thân của Vietnam Airlines, cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan bộ ngành và đơn vị hữu quan, đã giúp Vietnam Airlines giảm lỗ gần 5.800 tỷ đồng”.
Đáng chú ý, trong bối cảnh các chuyến bay chở khách giảm, Vietnam Airlines đã đẩy mạnh vận tải hàng hóa để bù đắp doanh thu, đồng thời thực hiện sứ mệnh Hãng hàng không Quốc gia trong việc đảm bảo kết nối giao thương. Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Hãng đã tiến hành hoán cải nhiều tàu bay Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321 để chở hàng trên khoang hành khách, làm tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8 - 2 lần so với chở hàng tại khoang bụng.
Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng. Những nỗ lực này giúp doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của Hãng (giai đoạn trước dịch Covid-doanh thu hàng hóa chỉ chiếm 9%). Năm 2020, Vietnam Airlines đứng đầu trong các hãng hàng không Việt Nam về thị phần vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đánh giá cao những nỗ lực của Vietnam Airlines: “Đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines có thể giữ vững hoạt động SXKD như hiện nay là một minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ. Tôi đánh giá cao Hãng hàng không Quốc gia đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp tự thân để tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thiệt hại, luôn tìm kiếm và tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất để gia tăng doanh thu,vượt qua đại dịch”.
Với vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ luôn quan tâm, theo sát Vietnam Airlines, kịp thời phối hợp với các cơ quan bộ ngành đưa ra những định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo đà phục hồi sau đại dịch.
Bên cạnh giữ vững SXKD, Vietnam Airlines đã thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch bệnh. Tổng Công ty luôn ưu tiên mức độ cao nhất cho việc phòng ngừa dịch bệnh trong hoạt động SXKD. Kể từ khi dịch bùng phát đến nay, Vietnam Airlines đã chở hơn 76.000 công dân về nước, chở miễn cước hơn 130 tấn hàng hóa y tế phục vụ chống dịch.
Hãng hàng không Quốc gia đã thực hiện hàng chục chuyến bay chở miễn phí hơn 2 triệu liều vắc-xin, vận chuyển miễn phí y bác sĩ đi các tỉnh thành nội địa trên cả nước chống dịch. Hiện tại, gần 100% nhân viên tuyến đầu của Vietnam Airlines với gần 14.500 phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Những nỗ lực của Vietnam Airlines trong thời gian qua đã được cộng đồng trong, ngoài nước ghi nhận với nhiều giải thưởng đáng chú ý như: Top 10 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam theo khảo sát của Campaign Asia-Pacific, Top doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam do VNR500 bình chọn, dẫn đầu bảng xếp hạng thương hiệu tại Việt Nam do tập đoàn phân tích dữ liệu YouGov của Anh công bố... Đáng chú ý, mới đây Vietnam Airlines đã trở thành hãng bayđầu tiên ở Việt Nam và thứ 9 trên thế giới được tổ chức đánh giá hàng không uy tín thế giới Skytrax xếp hạng 5 sao (mức cao nhất) về an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Năm 2021 được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng những điểm sáng về tiêm chủng vắc xin và hộ chiếu sức khỏe điện tử đang mang đến cơ hội “mở cửa bầu trời” vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Vietnam Airlines tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để ứng phó khó khăn, nắm bắt cơ hội phát triển bên vững, đồng thời tiếp tục kiến nghị Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành xem xét những phương án hỗ trợ tiếp theo nhằm tiếp sức cho ngành hàng không vượt qua khủng hoảng và tạo đà phục hồi trong các năm sau để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.