Vụ bệnh nhân bị biến chứng tại Bệnh viện Sài Gòn ITO: Bác sĩ chưa tuân thủ phác đồ điều trị
Dị ứng với thuốc do bác sĩ Bệnh viện Sài Gòn ITO kê, một bệnh nhân biến chứng nặng |
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin trước đó, ngày 18/11/2019, bà Trương Thị Tuyết Nga (55 tuổi, ngụ Quận 12, TP HCM) có đến Bệnh viện Quốc tế Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn (gọi tắt là Sài Gòn ITO - địa chỉ 305 Lê Văn Sỹ, Phường 1, quận Tân Bình) để khám.
Bệnh viện Sài Gòn ITO – Chi nhánh Tân Bình |
Tại đây, bà Nga được bác sĩ Trương Tất Đạt thăm khám và chẩn đoán “Viên khớp gout; Thoái hóa khớp gối; Khối lượng xương thấp” rồi kê cho một đơn thuốc để uống (trong đó có thuốc Allopurinol).
Tuy nhiên, sau khi uống thuốc theo y lệnh của bác sĩ một thời gian thì cơ thể bệnh nhân xảy ra hiện tượng toàn thân phù nề, lở loét vùng môi miệng, hai mắt sưng to và lâm vào tình trạng hôn mê, phải nhập viện cấp cứu.
Theo giấy chứng nhận của Bệnh viện Quân y 175 ngày 16/12/2019, bà Nga được chẩn đoán bị “Hội chứng Stevens Johnson do dị ứng thuốc điều trị gout (theo dõi do Allopurinol); Tăng huyết áp; Đái thoái đường tuýp II”.
Sau 33 ngày điều trị tại Bệnh viện Quân Y 175, ngày 10/1/2020, bà Nga được bác sĩ tạm thời cho xuất viện để về nhà đón Tết cùng gia đình và theo dõi bệnh tại nhà. Tuy nhiên, thời gian sau đó mắt của bà Nga có biểu hiện giảm thị lực nghiêm trọng. Mắt phải bị mờ không nhìn thấy, mắt trái thường xuyên chảy nước mắt.
Đơn thuốc được bác sĩ Bệnh viện Sài Gòn ITO kê cho bệnh nhân |
Căn cứ giấy xác nhận của Bệnh viện Mắt TP HCM ngày 16/3/2020, bệnh nhân được chẩn đoán: “Mắt phải loạn dưỡng thần kinh giác mạc / Viêm giác mạc do HSV. Mắt trái chưa phát hiện bất thường ở bán phần trước”. Để điều trị, các bác sĩ đã chỉ định phương pháp phẫu thuật khâu cò mi cho mắt phải. Hiện bệnh nhân đã được khâu cò mi nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi, điều trị.
Liên quan vụ việc, tại biên bản họp giữa Sài Gòn ITO và người nhà bệnh nhân về việc hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân Trương Thị Tuyết Nga vào ngày 22/6/2020, phía gia đình đã đưa ra yêu cầu hỗ trợ số tiền hơn 1,1 tỷ đồng; Đồng thời, yêu cầu bệnh viện tiếp tục hỗ trợ các chi phí điều trị các bệnh theo chẩn đoán ngày 8/6 và 9/6 của Bệnh viện Quân y 175. Tổng các khoản yêu cầu hỗ trợ, bồi thường hơn 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía bệnh viện không đồng ý.
Bệnh nhân Trương Thị Tuyết Nga trong lần tiếp xúc với phóng viên sau thời gian điều trị |
Do không tìm được tiếng nói chung, gia đình bệnh nhân đã làm đơn tố cáo và khởi kiện Bệnh viện Sài Gòn ITO ra Tòa án để giải quyết.
Ngày 27/5, Sở Y tế TP HCM đã có Công văn số 265/TTra về việc chuyển đơn của ông Nguyễn Trương Thiên Sơn (con bà Nga) đến Giám đốc Bệnh viện Sài Gòn ITO để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả cho Sở Y tế.
Tháng 6/2020, Sở Y tế nhận được báo cáo của Bệnh viện Sài Gòn ITO nhưng chưa giải quyết được vụ việc.
Tiếp đến, ngày 11/6 và 7/7, Sở Y tế TP HCM tiếp tục có Công văn gửi đến Thanh tra Bộ Y tế và Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) về việc chuyển đơn của ông Sơn; Đồng thời phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03) - Công an TP HCM điều tra, xử lý các cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Mới đây, Sở Y tế TP HCM đã chính thức có văn bản trả lời đơn của ông Sơn liên quan đến vụ việc. Theo văn bản, ngày 4/9, Sở Y tế tổ chức Hội đồng chuyên môn theo Quyết định số 5834/QĐ-SYT, kết quả cho thấy: Về chẩn đoán bệnh: Hội chứng Stevens - Johnson nghĩ nhiều do thuốc Allopurinol trong điều trị gout, có thoái hóa khớp, đái tháo đường tuýp II và tăng huyết áp.
Công văn trả lời đơn của Sở Y tế về vụ việc của bệnh nhân Trương Thị Tuyết Nga |
Đối với nghi vấn có hay không có sai sót chuyên môn trong quá trình tiếp nhận, chăm sóc, xử trí, chẩn đoán và điều trị. Theo Sở Y tế: “Quá trình tiếp nhận, chẩn đoán là phù hợp; Về điều trị chỉ định thuốc Allopurinol là đúng nhưng liều dùng chưa phù hợp”.
Đặc biệt, việc xác định nguyên nhân sai sót chuyên môn trong quá trình chăm sóc, xử lý và điều trị, Sở Y tế nhận định: “Bác sĩ chưa tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bệnh viện”.
Cũng theo Sở Y tế TP HCM, Hội chứng Stevens - Johnson nghĩ nhiều đến phản ứng có hại của thuốc do Allopurinol. Đây là phản ứng quá mẫn muộn, hiếm gặp, thường xảy ra trên những người bệnh có cơ địa di truyền. Hội chứng Stevens - Johnson xảy ra không phụ thuộc vào liều lượng thuốc Allopurinol.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.