Vụ cháu bé 9 tháng tử vong tại cơ sở giữ trẻ ở Kon Tum: Luật sư nói gì?
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô liên quan đến vụ cháu bé 9 tháng tuổi tử vong tại cơ sở giữ trẻ ở Kon Tum |
Có dấu hiệu tội “vô ý làm chết người”
Theo luật sư Diệp Năng Bình, sau khi xem xét toàn bộ nội dung được đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô thì vụ việc này cần được cơ quan điều tra xác minh, làm rõ.
Luật sư Bình cho rằng, khi cơ quan chức năng dựng lại hiện trường thì lời khai của các bên có sự mâu thuẫn và camera bị hỏng, nên chưa thể xác định diễn biến vụ việc xảy ra như thế nào? Liệu người trông giữ trẻ có thực hiện đúng các quy định về quy tắc nghề nghiệp đối với hoạt động trông giữ trẻ hay không?
Mặc dù vậy, khi hậu quả chết người đã xảy ra thì cơ sở trông giữ trẻ có thể phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại (nếu có), do không đảm bảo an toàn tính mạng của trẻ theo quy định về nhiệm vụ của người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em (được quy định tại Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT năm 2021 về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục).
Gia đình cháu T.H.K đã có đơn gửi cơ quan chức năng "Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự" (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Theo nội dung báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng tải, nơi trông giữ trẻ là cơ sở tư thục (hộ gia đình) và đã được UBND thị trấn Đăk Hà cấp giấy phép hoạt động và có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, người trông giữ trẻ về nguyên tắc là đạt tiêu chuẩn và nắm được các quy định, quy tắc nghề nghiệp đối với hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), thì vụ việc này có thể áp dụng theo Khoản 1, Điều 129 quy định về tội "vô ý làm chết người” do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Người phạm tội có thể chịu mức phạt cao nhất là 5 năm tù giam. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Luật sư Diệp Năng Bình phân tích, vụ việc này vì chưa được xác định rõ nên có thể chia thành hai trường hợp. Trường hợp 1: Người trông giữ trẻ đã tuân thủ đầy đủ quy tắc nghề nghiệp, hậu quả chết người xảy ra là ngoài ý muốn. Trong thời gian cho cháu ăn đến lúc bắt đầu đi ngủ là từ 11h đến 12h30, cháu bé không thấy có dấu hiệu của việc ngạt thở. Vì thế, người trông giữ trẻ đã cho cháu bé đi ngủ. Trong khi ngủ thì cháu bé mới xuất hiện triệu chứng và người trông giữ trẻ cũng đã tiến hành sơ cứu tạm thời và đưa đến bệnh viện cấp cứu. Hơn nữa, khi vụ việc xảy ra thì các cháu bé khác cũng không có biểu hiện, triệu chứng gì tương tự. Trường hợp này có thể phạm vào tội “vô ý làm chết người” theo Điều 128 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo quy định này, người nào vô “ý làm chết người” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Còn phạm tội làm chết hai người trở lên thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm. Trường hợp 2: Người trông giữ trẻ vi phạm quy tắc nghề nghiệp, gây ra hậu quả chết người. Trường hợp này có thể phạm vào tội “vô ý làm chết người” do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo Điều 129 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Nếu người phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 5 đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. |
Cơ sở giữ trẻ của bà Loan |
Cần sớm khởi tố vụ án để điều tra
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, khởi tố vụ án hình sự là sự khởi động tiến trình tố tụng hình sự, cung cấp toàn bộ “đầu vào” cho các công đoạn giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Việc thực hiện khởi tố vụ án hình sự dựa theo thẩm quyền, căn cứ, trình tự và thủ tục do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.
Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, các căn cứ gồm có: Không có sự việc phạm tội; Hành vi không cấu thành tội phạm; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội phạm đã được đại xá, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác, tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Cũng theo Luật sư Diệp Năng Bình, việc chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với cá nhân liên quan rất có thể dẫn tới tình trạng bỏ lọt tội phạm, khó thu thập, đối chiếu, xác minh tài liệu, chứng cứ.
Từ đó, điều này gây khó khăn trong công tác điều tra cũng như làm chậm sự can thiệp của Nhà nước trong việc xử lý tội phạm,; Làm suy giảm hiệu quả bảo vệ nạn nhân và gia tăng nguy cơ thiệt hại cho các quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Trước đó, báo Tuổi trẻ Thủ đô thông tin, sáng 10/8, chị Nguyễn Thị H (vợ anh Trần Quốc C) chở cháu K tới cơ sở giữ trẻ của bà Đinh Phương Loan (sinh năm 1982, tại tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) gửi. Đến khoảng 11h chủ cơ sở cho cháu K ăn trưa và đến 12h30 thì cho cháu K và một cháu nữa đi ngủ. Ngủ được khoảng 1 tiếng thì thấy cháu K nấc, chủ cơ sở tiến hành sơ cứu, móc miệng và kêu chồng hỗ trợ đưa cháu K vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đăk Hà để cấp cứu. Tuy nhiên, cháu K đã mất trước khi vào viện.
Ngày 29/8/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đăk Hà đã có Thông báo kết luận giám định số 404/TB-CSĐT. Theo đó, căn cứ vào Bản kết luận giám định tử thi số 71/KLGĐĐT-TTPY ngày 24/8/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh Kon Tum, cháu T.H.K “chết chưa rõ nguyên nhân” xảy ra ngày 10/8/2023 tại tổ dân phố 1, Thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Kết luận giám định cho thấy, không phát hiện thương tích trên cơ thể cháu K. Tuy nhiên, trong khí quản cháu bé có dị vật màu vàng nhạt lẫn dịch màu trắng; Bên cạnh đó, trong dạ dày có thức ăn màu vàng nhạt. Nguyên nhân tử vong của cháu T.H.K được xác định là “ngạt do dị vật đường hô hấp”. |