Vụ con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên: Nhiều tình tiết tăng nặng
Liên quan vụ việc 3 con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ tại xã Trung Hoà, (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), ngày 4/11, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người để tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội của những người liên quan.
Theo cơ quan công an, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản (chia quyền thừa kế đất), khoảng 9h30’ ngày 30/10, 3 con gái của bà Vũ Thị Đều (SN: 1961, ở thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) gồm: Đỗ Thị Định, Đỗ Thị Điểm và Đỗ Thị Đưa mang theo 1 can xăng loại 10 lít đến nhà bà Vũ Thị Đều.
Tại đây, Điểm đã đổ xăng xuống nền nhà (phòng khách) nhà bà Đều rồi châm lửa đốt. Hậu quả khiến bà Đều, chị Điểm, chị Định, chị Đưa bị thương phải đi cấp cứu tại Bệnh viện. Tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50 triệu đồng. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
Hiện trường nơi xảy ra vụ phóng hoả đốt nhà mẹ đẻ ở Yên Mỹ, Hưng Yên |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm: Nếu chỉ vì tranh chấp tài sản (chia quyền thừa kế đất) mà nhẫn tâm phóng hoả đốt nhà mẹ đẻ và có thể gây ra cái chết cho nhiều người thì đó là hành vi mất nhân tính, coi thường pháp luật và vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
Theo luật sư Cường, một người bình thường sẽ nhận thức được xăng là chất cháy nguy hiểm, đổ xăng vào nhà rồi châm lửa thì hoàn toàn có thể dẫn đến cháy nhà, chết người, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của những người có mặt ở hiện trường. Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người (mặc dù nạn nhân không chết do chạy thoát hoặc được cấp cứu kịp thời).
Nếu không đủ căn cứ xử lý hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự thì cơ quan điều tra vẫn sẽ xử lý người đổ xăng đốt nhà về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 và tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự.
“Dù xử lý về tội danh nào thì người thực hiện hành vi phạm tội trong tình huống này cũng sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như hành vi có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn và phạm tội với 2 người trở lên; Phạm tội với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc (như cha, mẹ...) nên mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc. Nếu là tội giết người thì hình phạt cao nhất sẽ là tù chung thân hoặc tử hình”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Một nạn nhân bị bỏng nặng được người dân đưa đi cấp cứu |
Theo Tiến sỹ luật học, với những vấn đề tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế nếu các bên không hòa giải được thì có thể đưa vụ việc đến tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Kết quả giải quyết của tòa án sẽ là kết quả cuối cùng mà các bên phải chấp hành, đây là cách ứng xử văn minh nhất.
Điều đáng buồn là trong đời sống hiện nay vẫn còn nhiều người coi nặng giá trị vật chất mà xem nhẹ giá trị đạo đức, văn hóa, luân thường, đạo lý, coi rẻ nhân cách của bản thân mình. Họ sẵn sàng hành xử theo kiểu côn đồ, manh động, bất chấp pháp luật, đến khi hối hận thì đã quá muộn.
Việc xử lý nghiêm minh những vụ án như thế này cũng là bài học cảnh tỉnh cho những đứa con bất hiếu, coi nặng giá trị vật chất và coi nhẹ tình nghĩa gia đình. Hành vi cũng cho thấy những bế tắc trong việc giải quyết tranh chấp của các bên liên quan cũng như trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai.
“Đối với những vụ việc tranh chấp nghiêm trọng, sự thiếu hiểu biết hoặc coi thường pháp luật, có khả năng dẫn đến án mạng thì chính quyền địa phương cũng cần phải có những biện pháp ngăn chặn, can thiệp kịp thời; Hướng dẫn các đương sự nếu không tự hóa giải được thì mang sự việc đến tòa án để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án mạng có một phần nguyên nhân hòa giải ở địa phương chậm trễ, thiếu trách nhiệm, không có những hướng dẫn cụ thể để đưa vụ việc đến tòa án. Có những vụ việc thì tòa án chậm thụ lý, lâu giải quyết, dẫn đến mâu thuẫn bức xúc phải kéo dài dẫn đến đỉnh điểm án mạng xảy ra.
Bởi vậy, ngoài việc xử lý đối tượng phạm tội thì cũng cần phải đánh giá nguyên nhân sự việc, làm rõ các yếu tố khiến sự việc nghiêm trọng xảy ra, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, của chính quyền địa phương, của các cơ quan giải quyết tranh chấp dân sự. Khi những mâu thuẫn tranh chấp được hóa giải kịp thời, có hiệu quả, thủ tục giải quyết tranh chấp nhanh chóng, công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý thì sẽ giảm bớt được những vụ án đau lòng như trên”, Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.