Vụ nâng giá thiết bị y tế: Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm trả số tiền thu thừa cho người bệnh
Khởi tố, bắt giam nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh Hà Nội: Bắt đối tượng giả bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai lừa đảo, chiếm đoạt 100 triệu đồng |
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm về giải quyết vụ nâng giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai |
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 25/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam bị can Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc; Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc; Trịnh Thị Thuận, nguyên Kế toán trưởng; Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai. Cả 3 bị can đều bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo cơ quan CSĐT, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty CP Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ hành vi của 3 bị can nêu trên lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh. Vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Các bị can Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền. Trịnh Thị Thuận vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt giam |
Trước đó vào ngày 31/8/2020, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan. Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (SN 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS); Ngô Thị Thu Huyền (SN 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS); Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng (SN 1978, Thẩm định viên Công ty VFS). Các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo kết quả điều tra, một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỷ đồng (đã bao gồm VAT). Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.
Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017 - 2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.
Phạm Đức Tuấn và Ngô Thị Thu Huyền bị khởi tố, bắt giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Việc xã hội hóa trong hoạt động y tế, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để tăng khả năng cung cấp dịch vụ đối với các bệnh viện công là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên lợi dụng những quy định của pháp luật về giá thiết bị y tế, về quản lý đối với hoạt động liên doanh liên kết còn có những điểm hở khiến các đối tượng nảy lòng tham, cấu kết với nhau để trục lợi, ăn chặn người bệnh.
“Nghề y là nghề cứu người, đòi hỏi phải có đạo đức và lòng nhân ái; Phải coi trọng tính mệnh con người và biết yêu thương, chia sẻ đối với những người trong cơn hoạn nạn. Tuy nhiên, một số đối tượng lại bất chấp điều đó, vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân mà đạp lên quyền lợi chính đáng của bệnh nhân, ăn chặn tiền xương máu, sự khốn khó kiệt cùng của người bệnh.
Khi phải dùng các loại thiết bị y tế này thường là người mang bệnh nặng, thậm chí có thể đang phải đối mặt với cái chết. Một lần sử dụng máy hết hơn 20 triệu đồng là số tiền rất lớn đối với người lao động bình dân... Các đối tượng hoàn toàn có thể và phải nhận thức được điều đó. Tuy nhiên vì lợi ích cá nhân mà họ sẵn sàng chà đạp lên tất cả.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện lớn, được xây dựng bằng uy tín, mồ hôi nước mắt và cả máu của biết bao nhiêu thế hệ cán bộ, y, bác sĩ. Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn để cấu kết với những đối tượng thất đức nhằm trục lợi trên lưng người bệnh. Đây là tội ác không thể dung tha, các đối tượng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015”, luật sư Đặng Văn Cường bức xúc nói.
Cũng theo luật sư Cường, để buộc tội các đối tượng trong vụ án với tội danh trên thì cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu chứng cứ chứng minh các đối tượng đã vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cá nhân. Với thông tin con số thiệt hại hàng chục tỷ đồng thì các đối tượng này có thể sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù…
“Đã đến lúc cần phải thanh kiểm tra đồng loạt hoạt động mua sắm tài sản công, thiết bị y tế; Các hợp đồng liên doanh liên kết của các bệnh viện công để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm tương tự theo quy định pháp luật. Ngành y dược là ngành đặc thù, có vai trò đặc biệt trong việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nghề được cả xã hội tôn vinh, quý mến. Nhiều cán bộ, y, bác sĩ cả đời hy sinh vì sức khỏe của người bệnh nên không thể để một vài cá nhân xấu làm ảnh hưởng đến uy tín của nghề này”, luật sư Cường kiến nghị.
Bệnh viện Bạch Mai phải có trách nhiệm hoàn lại số tiền đã thu thừa của các bệnh nhân |
Trả lời câu hỏi của PV về số tiền đã thu thừa của bệnh nhân sẽ được giải quyết thế nào? Luật sư Cường cho biết, cơ quan điều tra xác định số tiền thực tế chi trả cho mỗi ca phẫu thuật chỉ có 4 triệu đồng thì Bệnh viện Bạch Mai phải có trách nhiệm hoàn lại số tiền đã thu thừa của các bệnh nhân đồng thời buộc các bị cáo phải trả số tiền này cho Bệnh viện.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền thu quá mức chi phí quy định có thể xác định là số tiền mà bị cáo trong tội lừa đảo đã chiếm đoạt của bệnh nhân. Do bệnh viện là đơn vị trực tiếp thu tiền của bệnh nhân nên bệnh viện sẽ liên đới chịu trách nhiệm bồi hoàn cho nạn nhân đồng thời yêu cầu các bị cáo phải trả lại tiền cho bệnh viện.
Các bệnh nhân đã từng sử dụng thiết bị y tế liên quan đến vụ án, cần khẩn trương liên hệ với cơ quan điều tra, cung cấp các thông tin và yêu cầu buộc Bệnh viện Bạch Mai phải trả lại số tiền đã thu thừa.
Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng. |