Vững vàng trước “biển trời” thông tin
“Cầu nối” thông tin với đồng bào dân tộc thiểu số Nỗ lực làm sạch, “phủ xanh” thông tin trên không gian mạng |
Để có được những thông tin kịp thời và hữu ích, bao thế hệ nhà báo đã chấp nhận hy sinh, thiệt thòi khi tác nghiệp đưa tin. Họ chấp nhận những khó khăn, thách thức không chỉ vì đam mê nghề nghiệp mà còn vì trách nhiệm, vì cái nghiệp mà nghề báo đã trao cho họ.
99 năm đi qua, đối mặt với bao khó khăn, thách thức, những thế hệ nhà báo trẻ vẫn đang tiếp nối truyền thống của những thế hệ trước, giữ vững tinh thần nghề nghiệp để hoàn thành tiếp những giá trị mà thế hệ trước trao lại.
Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, báo Tuổi trẻ Thủ đô, lược ghi cảm xúc của những nhà báo tương lai ngay khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bạn Hồ Cao Mỹ Diệp (sinh viên năm 3, khoa Báo chí Truyền thông, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Báo chí là một nghề khó
Cơ duyên đến với khoa Báo chí cũng là một quyết định bất ngờ với em. Khi còn là học sinh phổ thông, em học tốt các môn tự nhiên. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ cô giáo dạy Văn, với tính cách hiền hòa, kiến thức rộng, yêu thương học sinh… nên khi chọn trường đại học em quyết định theo học các môn xã hội và chọn theo ngành báo chí.
Sau 3 năm được đào tạo và những đợt kiến tập tại các cơ quan báo chí, em cảm thấy rất hứng thú. Với em, nghề báo là một nghề khó, vì luôn có yêu cầu khắt khe, buộc người làm nghề không ngừng tự đào tạo, học những cái mới; phải trau dồi kiến thức liên tục để nắm bắt kịp những xu hướng mới trong xã hội. Theo em, nhà báo phải có kiến thức rộng, nhanh nhạy, phải trải nghiệm nhiều để có những bài viết chất lượng tốt.
Trước một vấn đề, hiện tượng xã hội, có rất nhiều góc nhìn khác nhau, để có được một đề tài hay, các anh chị nhà báo luôn phải tỉnh táo để chọn cho mình góc nhìn đúng và đặc sắc nhất thể hiện qua bài viết. Những kỹ năng đó không phải nghề nào cũng cho người làm nghề cơ hội để thực hiện. Chính những thách thức đó càng làm cho em háo hức học hỏi, trải nghiệm nhiều hơn.
Khi chọn nghề báo, em cũng vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ gia đình, bạn bè vì xung quanh không có ai theo học ngành này. Rồi mọi chuyện cũng ổn, em không có hối hận khi chọn khoa báo chí và chuẩn bị dấn thân vào nghề này.
Trong thời gian học đại học, em cũng tham gia nhiều hoạt động như an sinh xã hội hỗ trợ người nghèo, bảo vệ môi trường, các hoạt động tình nguyện. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ chọn lĩnh vực xã hội để dấn thân, học hỏi và trải nghiệm, nâng cao năng lực bản thân, phụng sự bạn đọc.
Bạn Nguyễn Mỹ An (sinh viên năm 3, khoa Báo chí Truyền thông, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Mong muốn trở thành nhà báo sau khi ra trường
Cảm nhận đầu tiên khi theo học khoa Báo chí là em có được niềm tin ở bản thân mình. Trước đây, khi còn là học sinh cấp 3, em là người nhút nhát, sống khép kín, rất ngại giao tiếp. Từ khi theo học chuyên ngành báo chí, được thầy cô truyền đạt kiến thức, những kỹ năng sống, em thấy mình trở nên tự tin, mạnh dạn hơn. Điều thể hiện rõ nhất là em không còn ngại khi tiếp xúc với người lạ và biết cách hòa nhập với cộng đồng xung quanh.
Từ những điều đã được học và trải nghiệm tại các cơ quan báo chí, em thấy nghề báo cho mình rất nhiều thứ. Trước hết, đó là được đi nhiều, tiếp xúc học hỏi nhiều lĩnh vực mới, trang bị cho mình kiến thức nền rộng; thêm nữa, mình học hỏi được nhiều kỹ năng như giao tiếp, kỹ năng sống và làm việc trong một tập thể có tính kỷ luật cao. Bên cạnh đó, môi trường làm việc luôn tạo áp lực buộc người làm báo phải hoàn thành công việc trong những điều kiện khó khăn nhất, cường độ cao nhất. Những yếu tố này khiến người làm báo luôn phải có nghị lực, ý chí phấn đấu. Sự chây ì sẽ không có chỗ trong nghề báo. Em thích được trải nghiệm trong môi trường công việc như thế để có thể rèn luyện, hoàn thiện bản thân.
Một điều mà em thích ở nghề báo là có cơ hội đi đến nhiều nơi, biết những phong tục, tập quán vùng miền khác nhau trong cả nước. Những cơ hội này sẽ giúp em học hỏi nhiều điều, tăng sự hiểu biết kiến thức xã hội.
Nhà báo Nguyễn Tấn Phong (Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh).
Nhà báo cần nắm vững những kỹ năng làm báo hiện đại
Hiện nay, môi trường tác nghiệp báo chí bị tác động sâu sắc bởi sự phát triển như vũ bão của cộng nghệ số, internet. Điều đó đang tạo ra các thách thức và xu hướng làm báo mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự vận động của báo chí nên đòi hỏi người làm báo cần nắm vững kỹ năng làm báo hiện đại.
Không chỉ dừng lại ở việc cạnh tranh về tốc độ đưa tin, chất lượng tin tức, sự bùng nổ của truyền thông xã hội còn khiến ranh giới giữa truyền thông xã hội và báo chí truyền thống đôi khi bị xóa nhòa. Điều này khiến công chúng độc giả có phần thờ ơ với báo chí chính thống.
Sự ra đời của truyền thông số, tòa soạn hội tụ đòi hỏi nhà báo cần phải bổ sung kịp thời những phẩm chất, kỹ năng để có thể đứng vững và phát triển trong môi trường truyền thông hiện đại ngày nay. Khi xem công chúng là đối tác trong quá trình tác nghiệp, nhà báo cần kết nối nhịp cầu và huy động sự tham gia của họ trong quá trình tác nghiệp; đồng thời phát huy khả năng tổng hợp, chắt lọc thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đúng định hướng và xây dựng cho mình “tư duy đa phương tiện”.
Hội Nhà báo đang cùng các cơ quan báo, đài theo sát những diễn biến của thời cuộc, của hoạt động báo chí hiện nay; kịp thời nắm bắt tâm tư của phóng viên, biên tập viên; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng; củng cố nhận thức chính trị, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo. Đồng thời, tổ chức hội kiên trì thúc đẩy việc tiếp tục thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, đảm bảo hoạt động báo chí trong sáng và đúng quy định.
Mặt khác, các cơ quan báo chí cần có sự đầu tư thỏa đáng cho những đề tài hay để có những tác phẩm chất lượng cao tham gia Giải báo chí quốc gia, Giải báo chí TP Hồ Chí Minh và các giải báo chí khác của Bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Những giải thưởng ấy cũng nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng…