Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, dễ áp dụng, chi phí thấp
Để tìm hiểu pháp luật trở thành việc tự thân, thói quen hàng ngày... Thực hiện tinh thần cải cách tư pháp mạnh mẽ theo Nghị quyết 27 Đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) "thẩm thấu" tới từng người dân |
Dự Hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên; lãnh đạo các sở, ngành của TP.
Thông qua 16 dự án Luật, 5 Nghị quyết
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo công tác năm 2023. Theo đó, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.
Quang cảnh hội nghị |
Đáng chú ý, năm 2023, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án Luật, 5 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành gần 3.800 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 2.600 VBQPPL cấp huyện và hơn 1.700VBQPPL cấp xã…
Toàn ngành cấp hơn 1,1 triệu phiếu lý lịch tư pháp; tiếp nhận hơn 38 nghìn vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó, có hơn 25.500 vụ việc tham gia tố tụng. Toàn quốc tổ chức hơn 436 nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 32 triệu lượt người; gần 11 nghìn cuộc thi cho hơn 11 triệu lượt người. Đến nay, đã có 54/63 địa phương thực hiện số hóa sổ hộ tịch với hơn 43,7 triệu dữ liệu được số hóa; 58 dịch vụ công của Bộ đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Nghiên cứu giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị sâu sắc, nhất là các kiến nghị nhằm bảo đảm công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp ở các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp, hướng đến mục tiêu hoàn thành xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, dễ áp dụng, chi phí thấp.
Phát biểu tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong công tác phối hợp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học... về từng nội dung cụ thể. Dự thảo đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định; Ủy ban Pháp luật Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra. Trên cơ sở đó, đã khẳng định dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong kỳ họp thứ sáu.
Ngày 10/11/2023, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã báo cáo dự thảo Luật Thủ đô trước Quốc hội, 19 tổ đại biểu đã thảo luận tại tổ về dự thảo. UBND thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy.
Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hòa giải ở cơ sở, Hà Nội thực hiện theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả. Trong đó, thành phố đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các hình thức tuyên truyền pháp luật với nội dung phù hợp, tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại điểm cầu UBND TP Hà Nội |
Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, trong thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, của Thành ủy, HĐND thành phố Hà Nội; triển khai kịp thời, toàn diện các nhiệm vụ công tác Tư pháp trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, trọng tâm là thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Ngoài ra, thành phố tiếp tục triển khai kịp thời các nhiệm vụ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030"; xây dựng, nâng cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp, góp phần vào việc xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số…
Tăng cường tuyên truyền, đưa pháp luật vào cuộc sống
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành Tư pháp đạt được trong năm 2023 và kết quả công tác giữa nhiệm kỳ 2021-2026. Năm 2024, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, xây dựng thể chế đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra.
Đặc biệt, ngành cần quan tâm nâng cao chất lượng thi hành pháp luật; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho Nhân dân dưới nhiều hình thức, đưa pháp luật vào cuộc sống; thực hiện tốt quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác trong xây dựng pháp luật.
Ngành Tư pháp tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương, trong đó chú trọng hiệu quả hợp tác với các đối tác láng giềng; thực hiện tốt quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.