Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững
Để chính sách được thực thi hiệu quả, bảo vệ quyền lợi của người lao động việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt những chế độ, chính sách có tầm ảnh hưởng quan trọng trong quan hệ lao động như tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động, hợp đồng lao động… là hết sức cần thiết.
Chia sẻ tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động” diễn ra ngày 17/5, ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay, quan hệ lao động cùng lúc được điều khiển, chi phối bởi nhiều chính sách pháp luật như Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội… Để người lao động (NLĐ) và người sự dụng lao động hiểu rõ, thực thi đầy đủ thì việc tuyên truyền chính sách pháp luật cho họ là hết sức cần thiết.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng phát biểu tại buổi đối thoại |
“Một trong 3 chức năng chính của tổ chức Công đoàn là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cũng như mọi mặt cho đoàn viên, CNVCLĐ. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, có rất nhiều kênh, nhiều hình thức phổ biến pháp luật nhưng việc được gặp, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia có kinh nghiệm chính là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để cán bộ Công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ cập nhật, hiểu rõ về chính sách pháp luật”, ông Lê Đình Hùng nhấn mạnh.
Tại buổi đối thoại, nhiều công nhân, người lao động đã nêu ra những vướng mắc về chính sách lao động. Chị Đỗ Thị Thuý Liên (Công ty TNHH Esoft Việt Nam) hỏi: "Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ được áp dụng cho NLĐ từ khi nào? Để nhận được hỗ trợ thì NLĐ phải kê khai theo hàng tháng hay theo từng thời gian cụ thể?".
Chị Đỗ Thị Thuý Liên - Công ty TNHH Esoft Việt Nam đặt câu hỏi |
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Tạ Văn Dưỡng, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội chia sẻ, mới đây có Quyết định 08, trong đó hỗ trợ NLĐ đang thuê nhà, đang làm việc và hỗ trợ NLĐ quay lại thị trường lao động từ ngày 1/4 trở đi. Như vậy, với trường hợp ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) trước ngày 1/4 và đang thuê nhà từ tháng 2 đến tháng 6 thì sẽ được hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng, còn đối tượng ký HĐLĐ từ 1/4 trở đi và thuê nhà ở thì Nhà nước sẽ hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, có điều kiện đi kèm là NLĐ phải đang tham gia bảo hiểm. Thời hạn nộp hồ sơ đến hết 15/8. Theo kế hoạch của thành phố, chúng ta phải có xác nhận của chủ nhà trọ và đơn vị bảo hiểm sau đó nộp ra UBND quận, huyện để xem xét giải quyết.
Chị Dương Thuỳ Trang (Công ty cổ phần Delta Việt Nam) băn khoăn: "Theo các chuyên gia, NLĐ làm thế nào để biết đoanh nghiệp có đóng BHXH, BHYT hay bảo hiểm thất nghiệp cho họ hay không?".
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trả lời: Chúng ta có 3 cách để tra cứu xem NLĐ có được hưởng BHXH, BHYT hay bảo hiểm thất nghiệp hay không. Thứ nhất là lên Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam, trên đó đã có hướng dẫn cụ thể cách đăng nhập và cách tra cứu. Thứ hai, khi chúng ta đã cài đặt VssID, chúng ta mởi app VssID ra, sẽ nhìn thấy quá trình mà đơn vị đóng. Thứ 3, chúng ta có thể sử dụng cú pháp gửi BH QT + mã số BHXH và gửi tới đầu số 8079 để tra cứu. Hoặc vào Cổng thông tin BHXH các tỉnh để xem danh sách các đơn vị nợ BHXH, ví dụ tại Cổng thông tin BHXH Hà Nội có cập nhật danh sách đơn vị nợ BHXH, nợ bao nhiêu tháng.
Buổi đối thoại, giao lưu không chỉ đưa đến cho NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) những kiến thức pháp luật thiết thực mà còn là hoạt động vô cùng ý nghĩa trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022.