Xây dựng văn hóa giao thông cho người đi bộ: Khó... mà dễ!
Bài 1: Đi bộ cũng cần có “bằng văn hóa”
Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người đi bộ qua đường không đúng quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng, hình ảnh người đi bộ vượt dải phân cách, leo rào chắn, luồn lách qua dòng xe, thậm chí qua đường trên đường cao tốc... vẫn diễn ra khá thường xuyên, bất chấp các quy định về an toàn giao thông.
Nhanh một phút, chậm một đời
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều người đi bộ về thói quen qua đường không đúng nơi quy định.
Mới đây nhất, vào khoảng 21h30 ngày 8/10/2023, tại cầu vượt ngã tư 550 thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương xảy ra vụ tai nạn giữa nam thanh niên đi xe máy và người bảo vệ đi bộ. Vụ tai nạn khiến 1 người bị thương và 1 người tử vong ngay tại chỗ.
Hiện trường vụ tai nạn tại cầu vượt ngã tư 550 thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương |
Thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, anh T.M.K điều khiển xe máy biển số tỉnh Ninh Thuận chạy trên đường ĐT 743 hướng từ Bình Dương đi TP Hồ Chí Minh.
Khi đến chân cầu vượt ngã tư 550 thuộc phường Bình Hòa, thành phố Thuận An thì tông trúng ông B.T.B (56 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) đang đứng trước cọc tiêu phản quang gắn ở đầu dải phân cách. Cú tông mạnh làm ông B.T.B ngã xuống đường tử vong tại chỗ, anh T.M.K bị thương được đưa đi cấp cứu.
Theo người dân, cầu vượt 550 cấm người đi bộ và xe máy lưu thông hướng lên cầu. Tuy nhiên, khi tai nạn xảy ra, cả người đi xe máy và người bảo vệ đi bộ lại di chuyển hướng lên cầu, sau đó xảy ra tai nạn.
Tại Hà Nội, vụ việc một phụ nữ khoảng 70 tuổi đi tập thể dục về sang đường thì bị xe 16 chỗ bất ngờ đâm tử vong xảy ra vào sáng ngày 30/5 trên phố Hoàng Cầu, phường Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội) khiến nhiều người hoang mang.
Theo các nhân chứng, thời điểm trên, ô tô 16 chỗ mang BKS: 29LD-307.XX đang lưu thông trên phố Hoàng Cầu hướng từ Thái Hà đi La Thành. Khi xe ô tô di chuyển đến trước số nhà 169 Hoàng Cầu thì xảy ra va chạm với một người đi bộ sang đường. Quá bất ngờ, tài xế ô tô không kịp xử lý tình huống nên đâm trực diện làm nạn nhân tử vong tại chỗ.
Vụ việc một phụ nữ sang đường bị xe 16 chỗ bất ngờ đâm tử vong xảy ra vào sáng ngày 30/5 trên phố Hoàng Cầu, phường Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội) khiến nhiều người hoang mang |
Trước đó, vào sáng 9/5, tại đường Quang Trung, đoạn qua gần khu vực cổng Bệnh viện A Thái Nguyên, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, cụ bà V.T.N. (sinh năm 1948) đi bộ qua đường đã bị ô tô đầu kéo, kéo theo rơ-moóc do tài xế N.Q.H (sinh năm 1982) điều khiển, va chạm dẫn đến tử vong. Theo clip do camera an ninh ghi lại tại hiện trường, nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ việc là do khi xe đầu kéo đang di chuyển trong tình trạng ách tắc, cụ bà đã bất ngờ sang đường ngay trước đầu xe.
Những sự việc thương tâm trên chỉ là 3 trong nhiều sự cố tai nạn giao thông do người đi bộ sai quy định, thế nhưng rất nhiều người dân vẫn giữ thói quen sang đường “bằng kinh nghiệm”.
Báo động tình trạng gia tăng tai nạn do người đi bộ
Theo một thống kê của TP Hồ Chí Minh, trong khoảng hơn 2 tháng từ ngày 15/12/2022 đến 1/2/2023, thành phố ghi nhận 16 vụ TNGT liên quan đến người đi bộ, trong đó có 8 người chết và 12 người bị thương. Trong đó, vụ TNGT xảy ra hồi tháng 12/2022 tại đường Trần Văn Giàu, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) giữa xe bồn và người đi bộ khiến người này tử vong cũng liên quan đến việc nạn nhân đi bộ qua đường không đúng nơi quy định.
Một thống kê khác của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, trong những trường hợp không xảy ra va chạm hoặc tai nạn gây chết người, việc người điều khiển phương tiện giao thông bất ngờ gặp phải người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như phải phanh gấp, tránh gấp để tránh va chạm.
Hiện trường vụ tai nạn nữ tài xế đâm nhiều người đi bộ trong đêm ở Lê Văn Lương, Hà Nội vào năm 2022 |
Theo báo cáo từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong những tháng đầu năm 2023 số vụ tai nạn giao thông do người đi bộ sang đường sai quy định chiếm 2,11%. Tỉ lệ này có giảm so với cùng kì các năm 2022 (3,42%), năm 2021 (3%). Thế nhưng, điều đáng nói, tỉ lệ tai nạn giao thông do người đi bộ sang đường sai quy định gần bằng tỉ lệ tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, chất kích thích có cồn (2,16%).
Đại diện Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, việc gia tăng các vụ tai nạn giao thông do người đi bộ qua đường không đúng quy định cho thấy ngày càng có nhiều người đi bộ không chấp hành quy định Luật Giao thông đường bộ dành cho người đi bộ, đi không đúng hè phố, lề đường, qua đường tại những nơi không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt hay hầm dành cho người đi bộ.
Để bảo đảm điều kiện thuận lợi và an toàn cho người đi bộ, hiện nay ngành Giao thông vận tải đã lắp đặt các biển báo chỉ dẫn, đèn tín hiệu, sơn kẻ vạch hướng dẫn giao thông khá đầy đủ trên hầu hết các tuyến đường, các nút giao thông cho người đi bộ. Tại các thành phố, thị xã, quốc lộ có lưu lượng giao thông lớn đã xây dựng cầu vượt, hầm chui, sửa sang vỉa hè dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, hiện tượng người đi bộ vi phạm giao thông vẫn tiếp diễn. Biện minh cho hành vi của mình, nhiều người đi bộ thường đưa lý do “vì nhanh và tiện hơn”. Thế nhưng, chỉ vì mong muốn sang đường nhanh một vài phút ấy, nhiều người đã phải đánh đổi cả một đời. Liệu có đáng?
(Còn nữa)
Tuổi trẻ hành động vì an toàn giao thông Kiên quyết xử lý tình trạng rào chắn gây ùn tắc giao thông Đảm bảo an toàn giao thông Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV |