Kiên quyết xử lý tình trạng rào chắn gây ùn tắc giao thông
Quây lòng đường thi công gây ùn tắc
Ghi nhận của phóng viên tại ngã tư Tố Hữu - Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đoạn đường này đang được tiến hành thi công, đào bới, khói bụi mù mịt. Bên trên khu vực thi công được đậy những tấm tôn lớn. Một phần công trường được dựng rào giữa ngã tư. Giờ cao điểm, ùn tắc xảy ra cả 4 hướng do đường bị thu hẹp diện tích lưu thông. Hàng vạn phương tiện chen chân, nhích từng chút qua dự án vào giờ cao điểm. Tình trạng này kéo dài đã lâu, không chỉ gây nguy hiểm cho người đi đường mà còn khiến người dân sống quanh khu vực này bức xúc.
Chị Nguyễn Mai Phương sống tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, khu vực ngã tư Tố Hữu - Lương Thế Vinh tiến hành đào đường, đặt ống nước rồi san lấp lại bằng đá khiến mặt đường luôn trong tình trạng khói bụi mù mịt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Rào chắn trên đường Nguyễn Trãi |
Đáng nói, đơn vị thi công tại ngã tư nhưng không có bất kỳ biển thông báo nào trên tuyến đường xung quanh dự án. Xung đột giao thông, va chạm giữa các phương tiện thường xuyên diễn ra. Đơn vị thi công bất chấp việc đảm bảo an toàn của người dân, khiến đường xá luôn trong tình trạng ùn tắc.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại đường Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông, Hà Nội). Theo đó, đoạn đường này bị hàng loạt rào chắn án ngữ. Chị Vũ Phương Liên (phường Mộ Lao, Hà Đông) bức xúc chia sẻ: “Xe đông, đường nhỏ lại bị quây quá nửa nên càng thêm ùn tắc. Dự án đã dừng thi công từ lâu nhưng vẫn không dỡ bỏ rào chắn để người dân đi lại thuận tiện”.
Trên đường Vũ Trọng Khánh có đến 9 vị trí bị nhà thầu quây lại như vậy. Các lô cốt này nằm trong gói thầu số 4 của dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Dự án này bắt đầu triển khai thi công vào cuối năm 2021 và đã thực hiện một số công việc liên quan nhưng trong thời gian dài gần như “án binh bất động”, bất chấp ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông của khu vực.
Nằm trong dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, nhiều tuyến đường khác như Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh cũng đang bị quây tại một số vị trí, không chỉ khiến giao thông ùn tắc mà đời sống người dân cũng ảnh hưởng lớn.
Cần chấn chỉnh tình trạng rào đường vô tội vạ
Trước tình trạng trên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu các nhà thầu thi công phải lắp đặt hệ thống biển báo công trường, biển báo chỉ dẫn... để hướng dẫn phân luồng từ xa và tại chỗ cho các phương tiện lưu thông; Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công theo từng giai đoạn, sớm thu hẹp rào chắn trả lại lòng đường phục vụ người dân đi lại, tránh gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế còn không ít nhà thầu vì các lý do chủ quan, khách quan khác nhau vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.
“Mặc dù phía ngoài rào chắn nào cũng có tấm biển xin lỗi vì sự bất tiện nhưng giá như thay vì xin lỗi, hãy làm đúng tiến độ thì tốt hơn”, chị Lê Thị Hà thường xuyên phải đi qua tuyến đường Âu Cơ (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ.
Tình trạng rào chắn đường kéo dài gây ảnh hưởng an toàn giao thông đời sống dân sinh và mất mĩ quan đô thị |
Ðể chấn chỉnh tình trạng rào, đào đường vô tội vạ này, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 24/2023/QÐ-UBND, quy định về công tác quản lý thi công và hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP Hà Nội.
Quy định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến công tác thi công và hoàn trả kết cấu đường bộ trên các tuyến đường đang khai thác thuộc hệ thống đường bộ do TP quản lý.
Các tổ chức, cá nhân thi công xây dựng công trình trên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận. Việc xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các đơn vị phải có phương án tổ chức giao thông phù hợp biện pháp tổ chức thi công được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận và được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi khởi công công trình.
Lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu, đối với dự án xây dựng công trình thiết yếu, kết cấu hoàn trả phải bảo đảm điều kiện chất lượng bằng hoặc tốt hơn kết cấu đường bộ ban đầu. Đối với dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kết cấu đường bộ được tính toán thiết kế theo các quy định hiện hành.
Ðối với công trình thiết yếu, phần hoàn trả phải thực hiện khảo sát hiện trạng kết cấu hạ tầng đường bộ và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.