Xem xét kỹ lưỡng các quy định để bảo đảm quyền lợi người dân
Bổ sung quy định chuyển tiếp các quy hoạch cấp huyện Cân nhắc quy định UBND cấp xã ban hành quyết định phân cấp Quy định rõ trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm |
Cân nhắc tính toán lộ trình tăng tiền phạt
Thủ tục xử phạt không lập biên bản thường được áp dụng với các vụ việc vi phạm đơn giản, rõ ràng, không có tình tiết phức tạp. Trường hợp không thể nộp tiền phạt ngay tại chỗ (không mang theo tiền hoặc không đủ số tiền phải nộp…), người vi phạm có thể nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào số tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.
Bằng hình thức xử phạt trên, vụ việc vi phạm hành chính được giải quyết nhanh chóng, trật tự quản lý được khôi phục ngay, đồng thời không gây khó khăn, phiền hà cho người bị xử phạt.
Liên quan tới hình thức xử phạt này, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đang được Quốc hội cho ý kiến, đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức) để góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt.
![]() |
Các ĐBQH Đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ |
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều lĩnh vực đã tăng, nhằm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo tính răn đe. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng mức tiền xử phạt được áp dụng hình thức xử phạt không lập biên bản là hoàn toàn hợp lý.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính bao gồm sửa đổi một số quy định xử phạt theo hình thức tăng nặng đối với một số vi phạm hành chính, kỳ vọng sẽ có hiệu quả rất cao trong việc nâng cao ý thức chấp hành của người dân; hiệu quả hơn rất nhiều so với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục.
Thực tế cho thấy, sau khi Nghị định 100 và Nghị định 168 của Chính phủ đi vào cuộc sống, ý thức chấp hành các quy định trong điều khiển phương tiện tham gia giao thông của người dân đã thay đổi rõ rệt...
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đạt được, đại biểu cho rằng chúng ta cũng cần tính toán, cân đối với mức thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện nay để có mức xử phạt phù hợp. Nếu áp dụng đồng loạt mức xử phạt mang tính răn đe mạnh sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho những đối tượng có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp. Do đó, theo đại biểu phải cân nhắc, tính toán để có lộ trình áp dụng theo chiều hướng tăng dần theo thời gian và đảm bảo yếu tố phù hợp với thu nhập bình quân của người dân.
![]() |
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà |
Theo ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội), tăng mức phạt phải phụ thuộc vào mức thu nhập, sức mua, lạm phát, yêu cầu đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm. Hành vi nào phải đấu tranh phòng chống cao thì mức phạt tiền phải cao hơn, còn hiện nay tăng mức phạt chưa chú trọng căn cứ vào lý do này. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần quan tâm mức phạt tiền là yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm.
Lập biên bản cũng là một hình thức giáo dục
Bên cạnh câu chuyện tăng mức phạt, nhiều ĐBQH băn khoăn với việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản.
ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho rằng cần hết sức thận trọng. Theo ông, có hai trường hợp xử lý hành chính không lập biên bản là cảnh cáo và phạt tiền. Về nguyên tắc, khi xử lý vi phạm thì phải lập biên bản để chứng minh hành vi vi phạm bởi nếu không có biên bản thì dễ dẫn đến sự tùy tiện của cơ quan xử lý.
Hơn nữa, trong trường hợp có khiếu nại của người bị xử lý thì sẽ thiếu căn cứ để xem xét. “Khi xử phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, người bị xử lý không đồng ý và khiếu nại mà cơ quan xử lý không có chứng cứ thì sao?”, đại biểu đặt vấn đề.
Theo đại biểu, với nhiều người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, mức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản với cá nhân lên tới 1 triệu đồng là rất lớn. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ và đề nghị nên yêu cầu tất cả các trường hợp xử lý vi phạm dù lớn hay nhỏ đều cần phải có biên bản.
Qua đó, tạo thuận lợi cho người có quyền xử lý và đáp ứng yêu cầu của người bị xử lý. Khi có khiếu nại, cơ quan cấp trên sẽ căn cứ vào biên bản, chứng cứ, tài liệu để thực hiện.
![]() |
ĐBQH Nguyễn Hữu Chính |
Các ĐBQH cũng cho rằng, cần làm rõ việc lập biên bản vi phạm hành chính có khó khăn hay không, nếu không thì vẫn cứ lập biên bản, bởi đây cũng là hình thức giáo dục. Nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi, nếu xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, liệu số tiền xử phạt có về Ngân sách hay không? Một số ý kiến kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính là không dùng tiền mặt để cho khách quan, minh bạch hơn
ĐBQH Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ trong việc xác định các hành vi vi phạm hành chính và lập biên bản vi phạm hành chính.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện vấn đề xử phạt vi phạm giao thông đã có app phần mềm để tra cứu xe vi phạm bị phạt nguội về an toàn giao thông, vì vậy, việc đóng phạt cũng nên đưa lên app để người dân, doanh nghiệp có thể đóng tiền phạt vừa nhanh gọn, vừa đỡ mất thời gian, chi phí đi lại cho người dân, vừa đỡ tốn công cán bộ phải ra quyết định xử phạt, giấy tờ, ký tá.
Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, cần áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào xử lý, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính nhằm giảm bớt lãng phí thời gian, vật chất, đi lại của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tế của đời sống xã hội, tránh tình trạng “một tiền gà, ba tiền thóc”.
![]() |
Luật Xử lý vi phạm hành chính đã góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự an toàn xã hội |
Sau 12 năm triển khai thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đồng thời đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý Nhà nước, hệ thống quy định của Luật đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Dự thảo Luật lần này đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung tại 63/143 điều, bãi bỏ 16 điều và bổ sung 2 điều hoàn toàn mới. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, dự luật lần này không chỉ nhằm khắc phục các vướng mắc hiện hành mà còn hướng đến mục tiêu lâu dài là tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo tính khả thi, ổn định, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Việc sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính là đòi hỏi cấp thiết nhằm phù hợp với chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về tinh gọn tổ chức bộ máy và thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ với các đạo luật quan trọng khác cũng có hiệu lực từ 1/7/2025 như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự... |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nghệ An: Bắt giữ các đối tượng buôn bán pháo nổ xuyên quốc gia, thu giữ khoảng 1,5 tấn pháo

Khởi tố hình sự đối tượng sản xuất 60 tấn giá đỗ “ngậm” chất kích thích

Khởi tố, bắt tạm giam hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Bình Gia (Lạng Sơn): Bắt giữ đối tượng truy nã sau gần 9 tháng lẩn trốn

Quảng Ninh: Khởi tố 2 đối tượng sử dụng ma túy tại chung cư

Quảng Ninh liên tục thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc

Thanh Hóa: Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng cấm liên tỉnh quy mô cực lớn

Khởi tố và điều tra mở rộng vụ "chạy" chứng chỉ hành nghề y

Chiếm đoạt 637.000 USD, đại gia "Khoa gỗ" ở Đà Nẵng bị bắt
