Bổ sung quy định chuyển tiếp các quy hoạch cấp huyện
Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nêu ý kiến thảo luận tại tổ chiều 10/5 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
![]() |
Quang cảnh thảo luận tại tổ Hà Nội chiều 10/5 |
Cân nhắc trao quyền cho Chính phủ quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Thảo luận tại tổ Hà Nội, nhiều đại biểu quan tâm tới Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; bày tỏ đồng tình với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Quy hoạch và nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền trong công tác này giữa bối cảnh thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, lần sửa đổi này, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi là tháo gỡ các khó khăn cho các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho phát triển; tránh tình trạng sửa luật để khơi thông điểm nghẽn này nhưng lại làm nghẽn điểm khác.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố cơ sở dữ liệu trong quy hoạch, đại biểu đề nghị nghiên cứu rà soát một số quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội để sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch lần này.
Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch, để phân tích dự báo hiệu quả hơn; đồng thời đảm bảo sự kết nối, liên thông trong chia sẻ dữ liệu quy hoạch.
Về việc phân cấp phân quyền trong công tác quy hoạch, đại biểu tán thành quy định nhằm phát huy tính chủ động các địa phương.
Tại điều 34, Chính phủ đề xuất được trao quyền quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, vốn thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định này; trong trường hợp phân quyền cho Chính phủ, thì các quy hoạch này cần đưa vào trong quy hoạch tổng thể quốc gia.
"Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch cũng phải thể hiện rõ hơn vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; tính trách nhiệm của cơ quan môi trường trong công tác quy hoạch…"- đại biểu đề xuất thêm.
![]() |
Đại biểu Tạ Đình Thi thảo luận tổ |
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đồng tình quan điểm tăng cường phân cấp trong công tác quy hoạch.
Góp ý về tổ chức tư vấn lập quy hoạch, đại biểu phân tích: Theo luật cũ quy định “thuê” đơn vị tư vấn lập quy hoạch, quy định mới nêu rõ là “có thể thuê” - đồng thời có nghĩa là cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch. Tuy nhiên, theo đại biểu, tư vấn lập quy hoạch là việc chuyên ngành, đòi hỏi chuyên môn cao, nếu tự lập sẽ dễ theo ý chỉ người quản lý, mang tính nhiệm kỳ cao, không tạo được đột phá. Đại biểu đề nghị giữ lại quy định thuê tư vấn, trường hợp không thể thuê tư vấn thì sử dụng cơ quan chức năng lập quy hoạch.
Về kế hoạch thực hiện quy hoạch, đại biểu đồng tình với việc phân cấp cho cơ quan quản lý cấp dưới thực hiện. Tuy nhiên trong phân cấp cần chỉ rõ là phân cấp cơ quan dưới trong việc định hướng lĩnh vực ưu tiên đầu tư, không nên áp dụng đối với danh mục dự án được ưu tiên.
Phân quyền, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cho UBND cấp tỉnh
![]() |
Đại biểu Nguyễn Phi Thường thảo luận tổ |
Liên quan đến nội dung chính quyền 2 cấp sẽ đi vào hoạt động từ 1/7 tới, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội) nêu thực tế, thời gian qua một loạt quy hoạch cấp huyện đã lựa chọn tư vấn, triển khai thực hiện nhưng chưa được phê duyệt. Các địa phương đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, thẩm định qua các tầng nấc khác nhau trước khi đi đến bước cuối cùng.
“Vì thế, việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này cần bổ sung quy định chuyển tiếp để các quy hoạch cấp huyện tiếp tục được thực hiện khi thực hiện chính quyền 2 cấp, không còn cấp huyện nữa”, đại biểu Nguyễn Phi Thường kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ phê quyệt một số quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật sửa đổi lần này không đề cập đến các nội dung liên quan đến việc thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện đánh giá các quy hoạch này.
“Nếu chỉ ghi thực hiện theo các quy định liên quan của pháp luật thì quá trình triển khai rất khó. Vì thế, cơ quan soạn thảo cần bổ sung những nội dung có tính nguyên tắc, định hướng trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi”, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị.
Trong Kết luận số 126-KL/TƯ, Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương và các địa phương quyết, làm và chịu trách nhiệm. Để tăng tính chủ động, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung dự thảo Luật theo hướng phân quyền, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh từ Thủ tướng Chính phủ về UBND cấp tỉnh, sau khi có ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ phát biểu thảo luận tổ |
Ở chiều hướng khác, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, dự thảo Luật lần này chưa đặt ra được những vấn đề mang tính căn cơ, phần lớn đang điều chỉnh những vấn đề liên quan đến phân quyền lập, điều chỉnh quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục để đáp ứng yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện tinh gọn bộ máy...
Đại biểu nhấn mạnh làm quy hoạch để có tầm nhìn, có định hướng lâu dài nhưng với điều kiện quy hoạch phải có tầm nhìn, có tính khả thi, có đủ điều kiện, nguồn lực để bảo đảm thực hiện. Nếu quy hoạch đưa ra cho có thì có khi lại trở thành "vòng kim cô" cản trở lại hoạt động của xã hội, của địa phương, của quốc gia.
Luật Quy hoạch năm 2017 là một bước tiến lớn trong cải cách thể chế, song đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh các địa phương đang triển khai việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn. Bởi vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch là bước đi cấp thiết để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung 33 điều, khoản của Luật Quy hoạch với một số điểm mới đáng chú ý: Bổ sung các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch, mở rộng phạm vi điều chỉnh và tăng tính bao phủ của luật trong thực tiễn; Đơn giản hóa nội dung quy hoạch bằng việc chuyển danh mục dự án quan trọng từ trong quy hoạch sang kế hoạch thực hiện quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong phê duyệt, tổ chức thực hiện; Cho phép lập đồng thời các loại quy hoạch khác nhau, tránh tình trạng chờ đợi lẫn nhau như trước đây; Cắt giảm thủ tục hành chính khi điều chỉnh quy hoạch như bỏ quy định xin chủ trương điều chỉnh, áp dụng thủ tục rút gọn và không yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược trong một số trường hợp cụ thể. Đặc biệt, dự thảo Luật chú trọng tăng cường phân cấp thẩm quyền, giao cho các bộ, ngành và địa phương nhiều quyền chủ động hơn trong tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đây là bước đi nhằm nâng cao tính tự chủ, trách nhiệm và sự linh hoạt của các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch. |
Tin liên quan
Đọc thêm

Huy động trí tuệ, tâm huyết, tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng Thủ đô, đất nước

Trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Lê Thị Ngọc

Tạo dựng môi trường tác nghiệp hiện đại, lan tỏa thông tin chính xác

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mạnh thuế thuốc lá

Đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ kinh doanh golf

Lễ thượng cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô

Đoàn công tác Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai và Yên Bái

Cuộc cách mạng lớn trong hoạt động thanh tra
