“Xóm chạy thận” những ngày cuối năm
Xác xơ xóm chạy thận những ngày cuối năm
Số phận đã đưa họ đến với nhau, chứng kiến nhiều lớp người đến rồi lại đi già có, trẻ có. Đến đây chúng tôi chứng kiến một khu xóm chật chội, tồi tàn, ẩm thấp của những bệnh nhân chạy thận nằm bên lệ đường Lệ Ninh (TP Vinh, Nghệ An). Những chiếc gường cũ xiêu vẹo nối tiếp nhau, một vài vật dụng dụng cá nhân, vài chiếc bếp nhỏ và một chiếc tivi cũ kỹ. Mỗi phòng trọ chỉ khoảng 10m2 dành cho 6 người ở với tiền thuê khoảng 1,5 triệu đồng bao gồm cả điện nước.
Khu nhà trọ, nơi những bệnh nhân chạy thận trú ngụ |
Bệnh viện TP Vinh cơ sở 2, tiền than là Bệnh viện Giao thông có gần 170 bệnh nhân chạy thận và người nhà vẫn đang thắc thỏm, chạy đua từng ngày với thần chết. Cùng chung một nỗi đau nhưng mỗi người là một số phận, một chuyện đời riêng. Hầu hết các bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, một tháng chạy 13 lần thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn.
Ông Lê Văn Hưởng (ở Diễn Hải, Diễn Châu) năm nay 68 tuổi bị suy thận, quá trình chạy thận từ 3 năm nay. Ông đã nếm trải quá nhiều mùi vị của người phải sống chung với máy chạy thận. Không buồn, không vui, lặng lẽ đơn độc nhưng ông không cho phép mình đầu hàng bởi bên cạnh ông có một người vợ là bà Ngô Thị Khả (67 Tuổi) bện cạnh chăm sóc, động viên ông. Dù sức khỏe yếu nhưng bà Khả từ ngày theo chồng lên đây vẫn cố gắng đi nhặt ve chai bán lấy tiền chi tiêu hằng ngày.
Ông Lương Văn Chánh ở huyện Tương Dương (Nghệ An) hay cười khi nói chuyện với mọi người, nhưng nụ cười chẳng giấu được đôi mắt đỏ hoe, đôi tay run run khi ai đó hỏi về bệnh tật |
Những ngày chạy thận nơi đây - ở nơi không phải là nhà, thời gian cứ thế trôi đi mà sự sống thì teo tóp. Nỗi nhớ nhà cùng với sự măc cảm nếu không có những người cùng chung cảnh ngộ sớm tối kề bên nhau, san sẻ buồn vui và nỗi đau bệnh tật thì khó có thể vươt qua được. Ông bà có 6 người con, nhưng không may một đứa bị chất độc da cam. Con cái hoàn cảnh cũng khó khăn người đi làm thuê, làm mướn cả nên cũng không giúp gì được nhiều.
“Tôi và chồng tôi sống bằng số tiền vay mượn, anh em cho được đồng nào thì hay đồng ấy, lương thương thưởng thì không có. Vợ chồng tôi chịu khổ sống qua ngày khi nào trời lấy đi thì hẵng hay’’, bà Khả chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Tiến Lập (52 tuổi, ở Quỳnh Lưu) chạy thận ở đây đã 10 năm, chia sẻ: “Tôi là người chạy thận lâu nhất ở đây, con cái ở nhà có vợ lo, những năm trước còn nhẹ tôi còn chạy về nhà được, cách đây 6 năm bệnh ngày càng nặng hơn nên tôi ở hẳn nơi đây. Chẳng biết sống chết ra sao, hôm nay ngồi đây với nhau, sáng ra không còn nhìn thấy nhau nữa là chuyện bình thường”.
Ở xóm này, người ta nhìn cánh tay mà đoán "tuổi bệnh", u cục to chằng chịt, đen sì đích thị bệnh nhân lâu năm nhất |
Việc chạy chữa phải liên tục, tốn kém nên những người bị bệnh ở đây ai cũng tự mình lo. Thức dậy mở mắt thấy mình còn sống là may mắn lắm rồi. Bởi có khi người mới trò chuyện với mình hôm qua, nay không còn nữa. Họ phó mặc mình cho số phận, cho bác sĩ, gia đình, bà con.
Tết không nhà, không người thân
Ở một góc khác, cô vợ trẻ Kha Thị Thắm (ở Tam Đình, Tương Dương, Nghệ An) lặng lẽ dìu người chồng Lương Văn Chánh (44 tuổi) vừa chạy thận ra. Cánh tay của chồng chị Kha phồng rộp, nặng trĩu vết kim tiêm. Nét mặt của anh như muốn buông xuôi tất cả nếu như không có người vợ ở bên níu giữ. Người bệnh đã khổ, người chăm lại khổ gấp mấy lần.
Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chị Thăm cứ sáng ra đã đi đóng gạch, 12 giờ trưa lại về chạy cơm cho chồng. Chị dù đã cố gắng làm lụng đủ mọi việc để có thêm điều kiện chữa bệnh cho chồng nhưng khó khăn vẫn cứ chồng chất. Đôi vai gầy khô của người phụ nữ nghèo dường như đã kiệt sức nhưng chưa bao giờ thấy chị kêu than dù chỉ một lời.
“Giờ tôi chỉ mong sao có tiền mà chạy chữa cho chồng, cứ nghĩ tới chồng bệnh tình thế này làm vợ ai mà không đau lòng được. Tôi chỉ mong sao chồng con khỏe mạnh là hạnh phúc lắm rồi”, chị Thăm cho biết.
Căn phòng tuềnh toàng, chật chội của những bệnh nhân chạy thận |
Mong muốn tưởng chừng như đơn giản của chị nhưng sao thấy xa vời quá. Con thì còn nhỏ chưa giúp được gì cho bố mẹ và chồng thì đang bị bệnh tật dày vò, bao nhiêu khó khăn cứ chồng chất thêm từng ngày.
Trao dổi với PV, ông Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Vinh cho biết: “Những người chạy thận ở đây được lọc máu 2-3 lần/tuần, mỗi lần chạy thận mất khoảng 4 giờ đồng hồ, chi phí 450.000 đồng/lần chạy chưa kể thuốc, dịch truyền máu. Tuy nhiên, người bệnh gặp nhiều biến chứng và phải đối mặt với 2 nguy cơ thiếu máu và tăng giảm huyết áp đột ngột. Nếu được chăm sóc tốt và có tinh thần thoải mái thì bệnh nhân có thể kéo dài sự sống từ 10 - 15 năm”.
Ở xóm chạy thận, mỗi người một hoàn cảnh, một phận đời kém may mắn, rất cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội để người bệnh có them niềm tin, sức mạnh chiến đấu với bệnh tật. Những người ở đây họ đều mong ước sức khoẻ tốt hơn để đón giao thừa chung với gia đình. Mong ước đó đã rất nhiều năm nay nhưng chưa thành hiện thực, điều họ sợ nhất bây giờ là không biết sẽ được đón tết cùng gia đình mình lần nào nữa không khi thi thoảng ở xóm chạy thận vẫn ngày có người ra đi.