Xu hướng du lịch cắm trại nở rộ trong giới trẻ
Hành trình du lịch thú vị tới 63 tỉnh thành |
“Thèm” đi chơi sau thời gian dài “kìm nén”
Sau những ngày bận rộn công việc và học tập, cuối tuần luôn là kỳ nghỉ được các gia đình trông đợi để thư giãn, nghỉ ngơi. Thay vì chi phí tốn kém cho việc thuê dịch vụ ăn nghỉ và thời gian di chuyển đến các địa điểm du lịch, nhiều bạn trẻ đã tận dụng những ngày cuối tuần để tổ chức một chuyến dã ngoại, tận hưởng những khoảnh khắc đắm mình với thiên nhiên.
Camping - cắm trại giờ đã trở nên quen thuộc trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội. Chỉ cần tìm kiếm trên Facebook hai chữ “cắm trại”, có thể thấy hàng loạt nhóm đồng sở thích như "Rủ nhau cắm trại", "Hội cắm trại - Dã ngoại Hà Nội", "Nghiện cắm trại"... Tại đó, các thành viên giới thiệu cho nhau những địa điểm dã ngoại, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thiết bị cắm trại và lập nhóm rủ nhau “lên đường”.
Du lịch cắm trại đang thực sự bùng nổ (Ảnh tư liệu) |
Không cần chuẩn bị quá cầu kỳ, bất cứ ai cũng có thể lập tức “trốn” khỏi sự ồn ào, chật chội trong thành phố để hòa mình vào không gian thiên nhiên yên tĩnh. Thông thường, những chuyến cắm trại thường ít tốn kém bởi thức ăn, phương tiện di chuyển đã được chuẩn bị trước, không mất thêm các chi phí dịch vụ như phòng khách sạn, xe cộ…
Phạm Văn Quang (24 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết sau khoảng thời gian dài giãn cách xã hội tại Hà Nội, chàng trai trẻ cảm thấy tù túng vì vốn là dân ưa “xê dịch” nên đã quyết định tìm đến hình thức cắm trại dã ngoại. Ban đầu Quang lựa chọn những địa điểm trong thành phố Hà Nội, sau đó thì đi xa hơn.
"Mình và một vài người bạn thường đem theo một số dụng cụ cần thiết rồi chất lên xe, cứ cuối tuần nào rảnh là lên đường. Thấy nơi nào đẹp, được phép cắm trại thì dừng lại, sắp ghế, bàn, dựng lều trại rồi làm những món ăn đơn giản. Quan trọng là được cùng nhau thư giãn và chia sẻ những câu chuyện về công việc, về cuộc sống”, Quang nói.
Du lịch cắm trại không chỉ mang đến trải nghiệm gần với thiên nhiên sau những ngày làm việc vất vả mà còn giúp Thùy Trang rèn những kỹ năng sống |
Giống như Văn Quang, Nguyễn Thùy Trang (25 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết cảm thấy rất thoải mái khi tham gia những chuyến cắm trại vào mỗi cuối tuần. Cô gái trẻ cho rằng, đi du lịch cắm trại không chỉ mang đến trải nghiệm gần với thiên nhiên sau những ngày làm việc vất vả mà còn giúp mọi người rèn luyện những kỹ năng sống.
“Tham gia những chuyến cắm trại, mình học được nhiều thứ mà trước đây chưa bao giờ mình nghĩ tới. Mình đã học được cách làm việc nhóm để dựng lên một chỗ ngủ, biết cách châm một bếp lửa giữa núi rừng để nấu nướng và sưởi ấm, biết cách bắt một con cá dưới suối làm thức ăn, biết xử lý các tình huống trong điều kiện thiếu thốn…”, Thùy Trang vui vẻ nói.
An toàn, phù hợp với dịch bệnh
Thời gian gần đây, công viên Yên Sở, khu đô thị Ecopark, bãi đá sông Hồng hay chân cầu Vĩnh Tuy… đã trở thành những địa điểm “hot” cho phong trào cắm trại cuối tuần tại Hà Nội. Vào các ngày nghỉ, những địa điểm này luôn rộn rã sắc màu của lều cắm trại. Nhiều địa điểm của Hà Nội trước đây thường chỉ thu hút dân phượt, họa sĩ hay những người mê chụp ảnh, thì nay, ngày càng được nhiều người lựa chọn đến cắm trại
Cùng với sự nở rộ của “phong trào camping” là sự xuất hiện của các khu cắm trại chuyên nghiệp như Sơn Tinh Camp, Đường Tâm Phan, nhà bên rừng, khu du lịch sinh thái Bản Rõm, Camping Sport Đồng Mô, Bản Xôi Village... với các dịch vụ gồm cho thuê lều trại, bếp nướng, xe đạp cùng nhiều hoạt động ngoài trời như câu cá, chèo thuyền, đốt lửa trại.
Du lịch cắm trại là cách mà nhiều người trẻ lựa chọn để vừa thư giãn, tận hưởng thiên nhiên, vừa tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh tư liệu) |
Nghiêm Quang Linh (27 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thời điểm chưa có dịch, mỗi năm, Linh và bạn gái đều cố gắng đi du lịch trong nước hoặc nước ngoài ít nhất hai lần vào dịp nghỉ hè hoặc dịp Tết. Mỗi chuyến đi thường kéo dài khoảng bốn, năm ngày để có đủ thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và tìm hiểu về văn hóa từng vùng đất, điểm đến.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh xuất hiện, để vừa bảo đảm an toàn, vừa đáp ứng nhu cầu được khám phá, trải nghiệm của bản thân, Linh thường tranh thủ đưa bạn gái và một vài người bạn có chung sở thích đi dã ngoại bằng xe ô tô cá nhân vào những ngày nghỉ cuối tuần.
Ðiểm đến tại Hà Nội được gia đình anh lựa chọn là những nơi dễ di chuyển, sở hữu thiên nhiên tươi đẹp và có nhiều hoạt động trải nghiệm như: Camping Sport Ðồng Mô, núi Hàm Lợn, vườn quốc gia Ba Vì…
Việc cùng nhau dựng lều, cắm trại, làm tiệc nướng, đốt lửa trại… giúp Quang Linh và bạn bè tăng thấu hiểu, gắn kết hơn (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
“Mỗi chuyến đi như vậy chúng mình chỉ đi khoảng 4 - 5 người. Việc cùng nhau dựng lều, cắm trại, làm tiệc nướng, đốt lửa trại… giúp mình và bạn bè thêm thấu hiểu, gắn kết hơn.
Một điểm cộng nữa là chi phí cho mỗi chuyến du lịch cắm trại thường “mềm” hơn khá nhiều so với những chuyến đi trước đây của mình. Ngoài ra, đi du lịch như thế này cũng giúp mình tránh được những nơi đông người, đảm bảo an toàn khi dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp”, Quang Linh chia sẻ.
Du lịch cắm trại “lên ngôi” trong khi các hoạt động du lịch khác vẫn bị hạn chế, những người tham gia các chuyến đi này cũng tự có ý thức thực hiện nghiêm các quy định giãn cách, thông điệp 5K trong phòng, chống dịch. Đó là cách để vừa thư giãn, tận hưởng thiên nhiên, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.