Xử phạt nhiều cá nhân giả mạo giấy tờ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược
Thông tin từ Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 1/7 đến 31/7, cơ quan này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế đối với 17 tổ chức, cá nhân. Trong đó, có 8 cá nhân bị xử phạt về hành vi giả mạo một trong các giấy tờ, hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược. Mỗi cá nhân bị phạt 7,5 triệu đồng.
Danh sách các cá nhân bị xử phạt về hành vi giả mạo một trong các giấy tờ, hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược |
Ngoài các cá nhân nói trên, Thanh tra Sở Y tế cũng đã xử phạt thêm nhiều cá nhân, tổ chức khác với số tiền lớn. Cụ thể, Công ty TNHH Dược phẩm Biển Loan (Số 28 đường Thống Nhất, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức) bị xử phạt 170 triệu đồng về hành vi vi phạm về bảo quản thuốc (vắc xin) không theo đúng điều kiện ghi trên nhãn; Mua, bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Bên cạnh phạt tiền, Công ty TNHH Dược phẩm Biển Loan còn bị đình chỉ hoạt động 7,5 tháng tại một địa điểm kinh doanh của công ty trên đường số 12, khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược 4,5 tháng đối với ông Lê Minh Hoàng.
Thông tin xử phạt liên quan đến Công ty TNHH Dược phẩm Biển Loan |
Tiếp đến là Công ty TNHH Dược phẩm Sao Mộc (Số 8 đường 6A, khu dân cư Đại Phúc, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) bị xử phạt 95 triệu đồng về hành vi: Sửa chữa, thay đổi về cấu trúc, bố trí kho bảo quản mà cơ sở bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc không báo cáo thay đổi kèm tài liệu kỹ thuật tương ứng với sự thay đổi theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra công ty này còn bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế cho cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc mua thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế của cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; Thông tin thuốc khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Thông tin xử phạt liên quan đến Công ty Dược phẩm Sao Mộc |
Bên cạnh việc bị phạt tiền, công ty này còn chịu hình thức phạt bổ sung buộc tiêu hủy toàn bộ số lượng tài liệu thông tin thuốc SMODIR-DT khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Cũng trong đợt này, Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Antapha (Số 51/18/134 đường Phạm Văn Chiêu, Phường 14, quận Gò Vấp) bị xử phạt 70 triệu đồng về hành vi: Tài liệu trong hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị thuộc loại A, B không bảo đảm tính hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Với hành vi này, công ty bị tịch thu phương tiện vi phạm hành chính là phiếu tiếp nhận, giấy chứng nhận, tài liệu, hồ sơ; Buộc nộp lại phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A, B.
Thông tin xử phạt liên quan đến Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Antapha |
Sở Y tế cũng đã xử phạt Công ty Cổ phần Pharmacy & Health (Số 5 Lương Định Của, Khu phố 3, phường An Khánh, TP Thủ Đức) số tiền 14 triệu đồng vì có hành vi: Không lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến lô thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật; Để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc.
Đáng chú ý, trong danh sách xử phạt lần này, một cá nhân có tên Ngô Thị Kim Hằng (chung cư Centrosa, Phường 12, Quận 10) đã bị Sở Y tế xử phạt với số tiền 43,5 triệu đồng với hàng loạt vi phạm.
Thông tin xử phạt bà Ngô Thị Kim Hằng |
Nguyên nhân là do người này đã có hành vi: Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất hoặc báo cáo theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về dược theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp tham gia bán lẻ thuốc không có bằng cấp chuyên môn theo quy định của pháp luật.
Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược; Không lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến lô thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật; Để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc; Không tuân thủ các quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; Bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.