Xuất bản cuốn sách "Phương pháp đọc liên kết - Dẫn lối ước mơ và nghề nghiệp cho trẻ"
Cuốn sách mang đến cách tiếp cận mới với môn Ngữ văn cho học sinh |
Thói quen đọc sách có thực sự giúp thay đổi cuộc đời bạn? Bao lâu nay ta vẫn thường nói về lợi ích to lớn của việc đọc, nhưng đọc sách liệu có thực sự mang lại thay đổi tích cực cho mỗi người? Nếu nó mang lại lợi ích như thế thì chúng ta nên hình thành thói quen đọc như thế nào?
Đây chắc chắn là nỗi băn khoăn, trăn trở của rất nhiều người, bởi bất cứ ai trong chúng ta đều biết một sự thật rằng để tạo dựng thói quen đọc sách, cần bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ và hành động này phải được lặp đi lặp lại với tần suất cố định.
Cuốn sách "Phương pháp đọc liên kết - Dẫn lối ước mơ và nghề nghiệp cho trẻ" được viết bởi tác giả Ryu Sun-deok |
Từ đó, nhiều phương pháp đọc sách đã ra đời, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận và yêu thích việc đọc hơn. Cuốn sách "Phương pháp đọc liên kết - Dẫn lối ước mơ và nghề nghiệp cho trẻ" được viết bởi tác giả Ryu Sun-deok - hiện là Giám đốc Thư viện Daechi ở Gangnam-gu (Seoul, Hàn Quốc) và là người luôn trăn trở với câu hỏi “làm thế nào để kích thích niềm ham đọc sách ở Hàn Quốc?”.
Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu Thư viện Daechi vào năm 2011, bà đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận về phương pháp đọc sách, cũng như các chương trình văn hóa đọc cho các nhóm tuổi khác nhau, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đây cũng chính là cơ duyên ra đời cuốn sách "Phương pháp đọc liên kết - Dẫn lối ước mơ và nghề nghiệp cho trẻ".
Trong cuốn sách này, tác giả Ryu Sun-deok chỉ dẫn tới bạn cách để trẻ đọc sách với trạng thái thoải mái và vui vẻ; đồng thời nêu lên những thói quen giúp “hô biến” để việc đọc trở nên hiệu quả hơn, từ đó trẻ sẽ ghi nhớ thông tin nhanh và lâu hơn.
Đặc biệt, tác giả còn “bày cách” để trẻ có thể tiếp xúc với cuốn sách đầu tiên, rồi từ đó yêu thích những cuốn sách khác và hình thành thói quen đọc sách một cách thật tự nhiên.
Theo tác giả, “phương pháp đọc liên kết” chính là tìm đến một cuốn sách khác có cùng chủ đề (có thể là chủ đề lớn hoặc nhỏ) với cuốn sách bạn vừa đọc. Hay nói cách khác, khi bạn đọc liên tục vài cuốn sách, sự quan tâm và lòng hiếu kì về một chủ đề nào đó sẽ dần hình thành.
Trong cuốn sách này, tác giả còn đề cập đến kì tích Đại học Chicago trở thành top 3 đại học tốt nhất ở Mỹ và có số người đoạt giải Nobel chỉ sau Đại học Harvard và Đại học Yale nhờ việc cho học sinh đọc nhiều sách.
Theo đó, các em sinh viên trong trường phải đọc hàng trăm cuốn sách bắt buộc về khoa học, lịch sử, triết học, nhân văn mới được tốt nghiệp. Tác giả cũng liệt kê 144 cuốn sách mà Đại học Chicago yêu cầu sinh viên phải đọc. Đây cũng chính là danh sách quý cho bạn đọc tham khảo.
Giám đốc Thư viện Daechi cũng cho rằng đọc sách là cách tốt nhất để thanh thiếu niên tìm ra con đường và phát triển ước mơ của mình. Những cuốn sách giống như kho báu, trong đó chứa hàng nghìn hàng vạn ý tưởng cho tương lai. Đọc từng cuốn sách một sẽ giúp tích lũy kiến thức và trí tuệ, đào sâu suy nghĩ và phát triển khả năng sáng tạo. Đọc sách tạo nên những thiên tài, xây dựng sự giàu có và đạt được những đổi mới làm thay đổi thế giới.
“Đọc liên kết là một phương pháp đọc hữu ích với các bậc cha mẹ đang lo lắng trước tình trạng con mình dần rời xa sách hay đang trăn trở về việc làm thế nào để con gắn bó thân thiết, gần gũi với sách hơn”, tác giả viết.
Có vô số người đã thay đổi cuộc sống hoặc thành công nhờ thói quen đọc sách. Abraham Lincoln và Roosevelt, hai trong số những vị tổng thống được kính trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và Churchill, Thủ tướng được kính trọng nhất của nước Anh, đều nói: “Tôi đã đọc rất nhiều”.
Hay như Andrew Carnegie, người được mệnh danh là vị “vua thép” người Mỹ với khối tài sản kếch xù và Warren Buffett, nhà đầu tư nổi tiếng thế giới, cũng nổi tiếng nhờ đọc sách. Bill Gates và Steve Jobs cũng là hai vị tỷ phú say mê đọc sách và có những ý tưởng sáng tạo để thay đổi thế giới từ sách.
“Đọc liên kết” là phương pháp đọc để trẻ tự đi tìm ước mơ, tuy nhiên điều này vẫn cần có sự giúp đỡ của cha mẹ. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh rằng cha mẹ đọc nhiều sách thì con trẻ chắc chắn cũng sẽ có thói quen đọc nhờ tấm gương từ cha mẹ. Nếu cha mẹ tạo cho trẻ một môi trường luôn có sách bên cạnh, thường xuyên cho con thấy hình ảnh bản thân mình đọc sách, trẻ sẽ tự nhiên trở nên gần gũi với sách hơn.