Ý nghĩa đặc biệt của mâm ngũ quả Tết Trung thu
Những bài thuyết trình mâm cỗ Tết Trung thu ý nghĩa, dễ giành giải Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn "lên ngôi" ở thời đại 4.0 Người phụ nữ giữ lửa nghề làm đèn Trung thu |
Người Việt quan niệm, mâm cỗ Trung thu được sắp xếp theo quy luật cân bằng âm dương trong vũ trụ với đầy đủ ngũ quả ở trạng thái xanh, chín tự nhiên khác nhau. Mỗi vùng miền lại có một cách sắp xếp khác nhau nhưng đa phần sẽ có một vài điểm chung.
Bánh Trung thu
Bánh Trung thu là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của các gia đình. dịp Trung thu |
Giống như bánh chưng trong ngày Tết Nguyên Đán, bánh Trung thu là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của các gia đình. Bánh Trung thu có 2 loại chính là bánh nướng và bánh dẻo. Tương truyền, vào ngày rằm tháng Tám, người nông dân sẽ làm những chiếc bánh hình vuông và hình tròn, thay cho lời cảm tạ đất trời và thiên nhiên đã ban cho họ một vụ mùa thuận lợi và tốt tươi. Bánh Trung thu bao gồm vỏ bánh và nhân bánh, vỏ bánh được làm từ bột mì trộn cùng đường mía và nước thơm hoa nhài. Nhân bánh thường được làm từ đậu xanh, hạt sen, hạt dưa… xay nhuyễn, tượng trưng cho vị thơm dẻo, mặn ngọt của cuộc sống. Qua thời gian, chiếc vỏ bánh vẫn giữ nguyên nhưng nhân bánh được người Việt sáng tạo với rất nhiều công thức độc đáo khác nhau như: Trứng muối, bơ sữa, cà phê… và mới đây nhất là bánh Trung thu nhân ô mai. Vị ngọt truyền thống của bánh khi kết hợp hài hòa với các loại trái cây sấy dẻo như ô mai mơ, ô mai mận, ô mai quất... khiến chiếc bánh trở nên thơm ngon, dẻo.
Quả bưởi
Quả bưởi luôn có vị trị đặc biệt trong mâm cỗ Trung Thu |
Cũng giống như bánh Trung thu, có một thứ quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả, đó là quả bưởi. Người Việt cho rằng, quả bưởi có hình tròn thể hiện sự toàn vẹn, đủ đầy, sung túc, màu vỏ xanh tươi tượng trưng cho sự mát lành, còn mùi thơm đặc trưng cho sự thanh khiết. Bưởi còn là trái cây quen thuộc với làng quê Việt Nam và gắn bó với cuộc sống của người Việt từ xưa đến nay. Bên cạnh bưởi là những loại quả quen thuộc khác như hồng giòn, chuối, na, nhãn... tượng trưng cho vị ngọt ngào, no đủ của ngày Tết đón trăng.
Bánh kẹo truyền thống
Người Việt ưa chuộng những món ăn cổ truyền trong ngày lễ trọng đại như: bánh đậu xanh, cốm, chè lam, kẹo lạc… |
Tết Trung thu được ví như là Tết thiếu nhi thứ 2 của các con, vì vậy mâm cỗ không thể nào thiếu những loại bánh kẹo, ô mai cho con trẻ. Cuộc sống ngày càng hiện đại hơn nhưng không phải vì thế mà con người rời xa những thức quà truyền thống, ngược lại, người Việt có xu hướng ưa chuộng những món ăn cổ truyền trong ngày lễ trọng đại như: Bánh đậu xanh, cốm, chè lam, kẹo lạc… Những thức quà truyền thống này đều được làm từ các nguyên liệu quen thuộc, cốm làm từ lúa non, chè lam được nấu từ bột nếp, kẹo lạc làm từ lạc và mạch nha... Đây là những sản vật tinh hoa của đất trời, nhờ bàn tay con người chế biến để dâng lên tổ tiên trong ngày Tết Trung thu.
Mứt, ô mai
Ô mai vốn là một món ăn truyền thống trong ngày Tết Trung thu |
Nhiều người vẫn tưởng ô mai chỉ phù hợp trong dịp Tết Nguyên đán nhưng kì thực, đây vốn là một món ăn truyền thống trong ngày Tết Trung thu. Ô mai được làm từ quả tươi trên núi cao, khi được kết hợp với muối mặn biển Đông, vị cay nồng của gừng nơi đồng bằng... trở thành món ăn truyền thống hội tụ tinh hoa của đất trời. Ô mai xuất hiện trên mâm cỗ đêm rằm như một thứ gia vị chua cay mặn ngọt... không thể thiếu. Gần đến rằm tháng Tám, phố hàng Đường (Hà Nội) lại tấp nập dòng người ghé thăm để mua những hộp ô mai đi biếu tặng hoặc chuẩn bị cho mâm cỗ trông trăng.
Trung thu mỗi năm mỗi đổi thay nhưng giá trị cốt lõi của ngày Tết Đoàn viên vẫn luôn được người Việt trân trọng và gìn giữ. Mâm cỗ Trung thu chính là một trong những biểu tượng đẹp nhất của ngày rằm tháng Tám. Dù đi đâu xa, mỗi người Việt đều sẽ hướng về cội nguồn trong ngày lễ đặc biệt này, tặng nhau những món quà và quây quần bên nhau phá cỗ. Đó chính là truyền thống quý giá mà mỗi gia đình Việt Nam nên giữ gìn.