Yên Bái: Kinh tế quý III/2022 phục hồi mạnh mẽ sau hai năm đại dịch COVID-19
Năm 2022 là năm "bản lề" của tỉnh Yên Bái
2022 là năm có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc triển khai, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do đó, tại Kỳ họp thứ 4 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 gồm 32 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,5%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người 50 triệu đồng; 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái |
Để đạt được những mục tiêu trên, ngay từ những tháng đầu năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, địa triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái trong những tháng đầu năm 2022 đã có nhiều khởi sắc, đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Ngoài ra, sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, tỉnh Yên Bái cũng thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; các hiệp định thương mại tự do. Quan hệ hợp tác hữu nghị, các hoạt động hợp tác quốc tế trên địa bàn tỉnh được tăng cường và mở rộng…
Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND tỉnh, Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ và Kịch bản phát triển KT-XH năm 2022.
Trong đó khẩn trương rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt thấp để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kịch bản tăng trưởng quý II theo Quyết định số 158, ngày 28/1/2022 của UBND tỉnh.
Những con số tăng trưởng ấn tượng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, 9 tháng đầu năm 2022, tình hình diễn biến dịch COVID-19 tương đối phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2022 tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả tích cực, trong đó, có nhiều chỉ tiêu tăng khá so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, ngành Công nghiệp duy trì ổn định và tăng khá, các dự án sản xuất công nghiệp, dự án thủy điện, dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp được đẩy nhanh tiến độ.
Ảnh minh hoạ |
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,3%; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 11.351 tỷ đồng, bằng 72,3% kế hoạch, các ngành tăng trưởng điển hình như tinh bột sắn tăng 42,4%; gỗ dán tăng 41,2%; ván ép từ gỗ tăng 35,6%; điện sản xuất tăng 51,4%; điện thương phẩm tăng 2,21%...
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách, đề án hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp; dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; chương trình OCOP. Tập trung nâng cao chất lượng giá trị hiệu quả sản xuất đối với cây trồng, vật nuôi chủ lực đặc sản.
Lĩnh vực thương mại dịch vụ cơ bản ổn định và có mức tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 17.566 tỷ đồng, bằng 74,8% kế hoạch, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoạt động du lịch tiếp tục có khởi sắc, lượng khách du lịch tiếp tục tăng, kết hợp linh hoạt xu hướng “du lịch 4.0” nhằm phát huy vai trò kết nối giá trị của công nghệ kỹ thuật số “du lịch 4.0" và du lịch trở về với thiên nhiên mang tới cho du khách các sản phẩm đón đầu xu hướng du lịch sau dịch COVID-19.
Đến nay, toàn tỉnh dự ước đón 1.306.225 lượt khách, bằng 118,8% kế hoạch, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt 14.452 lượt khách, bằng 5,7% kế hoạch. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 886,8 tỷ đồng, bằng 104,9% kế hoạch.
Hoạt động xuất khẩu trên địa bàn ổn định và tăng so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 222,2 triệu USD, bằng 79,3% kế hoạch, tăng 38,0% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm nông lâm nghiệp, chế biến khoáng sản, may mặc,...
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước đạt 3.526 tỷ đồng, bằng 76,7% dự toán, tăng 46,3% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân luôn duy trì thực hiện và bảo đảm tốt khả năng chi trả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế và nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.
Tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân ước thực hiện đến hết ngày 30/9/2022 đạt 38.950 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ.
Các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án chuyển tiếp; rà soát tiến độ thực hiện các dự án, chủ động đề xuất cắt giảm vốn ở các dự án có tiến độ triển khai chậm để điều chỉnh, bổ sung cho các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt.
Giá trị giải ngân vốn ngân sách Nhà nước đến hết tháng 9/2022 ước đạt 2.350 tỷ đồng bằng 50% kế hoạch (không bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia).
Công tác khám, chữa bệnh chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Toàn tỉnh đã có 726.339 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Trong 9 tháng đã khám, chữa bệnh cho 1.117.845 lượt người; Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin ước đạt 69,6%. Đến ngày 17/9/2022, toàn tỉnh ghi nhận tổng số 157.204 ca mắc COVID-19.