Yên tâm ổn định cuộc sống nhờ bảo hiểm thất nghiệp
Cứu cánh cho người lao động mất việc
Dù dịch COVID-19 đã đi qua nhưng tác động của nó là vô cùng nặng nề đối với nền kinh tế. Nhiều công ty vẫn đang gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất. Vì vậy, không ít lao động vẫn thường xuyên lâm vào cảnh mất việc làm. Anh Nguyễn Đình Tuân (ở quận Hà Đông, Hà Nội) là một trong những lao động như thế.
Người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp |
Trước khi mất việc làm, anh Tuân là công nhân một công ty sản xuất giấy trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội), có tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Mất việc cuối năm 2022 khiến cuộc sống của anh gặp vô vàn khó khăn. Kiếm việc mới cũng chẳng dễ dàng khi công ty nào cũng bị khan hiếm đơn hàng, cắt giảm lao động. Anh đã làm thủ tục xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Anh Tuân cho biết: “Sau khi hồ sơ hoàn thành, tôi được hưởng trợ cấp hơn 3 triệu đồng/tháng. Với tôi, đây là món tiền cứu cánh trong giai đoạn vô cùng khó khăn này, có tiền để trang trải một phần chi phí trong cuộc sống. Nhờ đó, tôi yên tâm đi tìm kiếm việc làm”.
Không chỉ có anh Tuân, rất nhiều lao động mất việc làm đã vơi bớt khó khăn khi bị mất việc làm nhờ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây tôi là công nhân công ty may. Thu nhập mỗi tháng của tôi được khoảng 9 triệu đồng. Sau đó, các đơn hàng xuất khẩu thưa thớt dần nên công ty cắt giảm nhân sự. Thu nhập của người lao động vô cùng bấp bênh. Vì vậy, tôi đã xin nghỉ việc”.
Trong thời gian chờ tìm việc làm mới, chị Lan đã nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền này đã giúp chị rất nhiều để trang trải chi phí trong cuộc sống, yên tâm đi tìm việc làm mới.
Công cụ hữu hiệu quản lý thị trường lao động
Được biết, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu hỗ trợ người lao động một phần thu nhập khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp người lao động sớm trở lại thị trường lao động. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng văn bản để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc phối hợp thực hiện tiếp nhận, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và chủ sử dụng lao động, nhất là trong việc rà soát, lập danh sách chi trả bảo hiểm thất nghiệp, tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi người lao động tìm được việc làm mới.
Nhiều lao động mất việc làm yên tâm ổn định cuộc sống nhờ có bảo hiểm thất nghiệp |
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong những trường hợp thất nghiệp, gặp khó khăn về việc làm. Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), việc cải cách, đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp chính là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản trị thị trường lao động thích ứng với thông lệ thế giới và đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.
Theo Cục trưởng Cục Việc làm, để bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ hữu hiệu quản trị thị trường lao động, việc trước mắt là sửa Luật Việc làm với 4 nhóm chính sách lớn nhằm đẩy mạnh hỗ trợ người lao động và thúc đẩy việc làm bền vững, trong đó có nhóm chính sách về hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp làm công cụ quản trị thị trường lao động.
Dự kiến, Luật sửa đổi bổ sung sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động…
Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ quốc gia về việc làm, thông tin, hiện nay, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho người lao động nhanh chóng tiếp cận chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động cũng được hướng dẫn, tư vấn qua nhiều hình thức như qua điện thoại, Facebook, Zalo…
Việc tiếp nhận và giải quyết hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp luôn được bảo đảm theo phương châm 3 đúng: Đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời gian.
Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cũng cho biết công tác hỗ trợ việc làm, giải quyết chính sách cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn thành phố luôn được đẩy mạnh, trở thành một giải pháp quan trọng thúc đẩy phục hồi thị trường lao động. Bên cạnh hưởng trợ cấp thất nghiệp, đơn vị này cũng hướng đến tư vấn cho người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp về các cơ hội việc làm để tận dụng được nguồn lao động có chất lượng.
Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Tuấn Tú nhấn mạnh, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm trong thời gian chờ tìm việc mới. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được đảm bảo quyền lợi như hỗ trợ đào tạo nghề tức là người lao động được đào tạo kiến thức, kỹ năng để có thể tìm việc làm mới; Hỗ trợ sớm có việc làm và ổn định việc làm; Được tư vấn việc làm miễn phí khi bị chấm dứt hợp đồng lao động… Ông Tú nhấn mạnh, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách ưu việt, người lao động nên tham gia để được hưởng nhiều quyền lợi. |