1,5 triệu người ở Nhật Bản chọn lối sống tách biệt với xã hội
Nét văn hóa đọc đứng của người Nhật Bản Giải nhặt rác thế giới sắp diễn ra tại Nhật Bản Nhật Bản dự báo thiếu lao động trầm trọng |
Ước tính có khoảng 1,46 triệu người trong độ tuổi lao động ở Nhật Bản đang sống tách biệt với xã hội (Ảnh: Reuters) |
Theo một cuộc khảo sát mới đây của Văn phòng Nội Nhật Bản, ước tính có khoảng 1,46 triệu người trong độ tuổi lao động ở Nhật Bản đang chọn lối sống hikikomori, tức hoàn toàn cắt đứt với xã hội.
Con số này chiếm khoảng 2% tổng dân số từ 15 đến 64 tuổi của cả nước Nhật. Trong đó, khoảng 20% trở thành người ẩn dật với xã hội do đại dịch COVID-19. Một quan chức Văn phòng Nội Nhật Bản khuyến cáo rằng bất kỳ ai cũng có thể trở thành một người sống ẩn dật trong xã hội.
Hikikomori là hiện tượng những người tự giam mình trong phòng, từ chối tham gia vào đời sống xã hội và các hoạt động gia đình trong khoảng thời gian dài từ 6 tháng trở lên, chỉ liên hệ duy nhất với người thân trong gia đình. Những người mắc hội chứng này chỉ ở lỳ trong phòng và lên mạng suốt ngày, họ chìm ngập trong thế giới ảo và hoàn toàn cách ly với cộng đồng.
Các khảo sát trước đó tập trung vào những người trẻ tuổi chọn không đi học và sống ẩn dật ở nhà. Về sau, các nhà chức trách phát hiện ra rằng vấn đề này còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa, với cả những người đã trưởng thành, khiến đối tượng nghiên cứu phải mở rộng ra cả nhóm lớn tuổi hơn.
Văn phòng nội các đã khảo sát 30.000 người trong độ tuổi từ 10 đến 69 trên khắp Nhật Bản vào tháng 11 năm ngoái. Khảo sát cho thấy 2,05% người từ 15 - 39 tuổi chỉ ra ngoài vì sở thích của họ, rời khỏi phòng nhưng ở trong nhà hoặc hiếm khi rời khỏi phòng trong ít nhất 6 tháng. Tỷ lệ này ở mức 2,02% đối với những người trong độ tuổi từ 40 - 64.
Trong đó, 21,5% hikikomori trong độ tuổi từ 15 - 39 đã bị cô lập về mặt xã hội từ 6 tháng đến dưới một năm và 21,9% số người trong độ tuổi từ 40 - 64 đã tự nhốt mình trong nhà từ hai đến ba năm.
Lối sống hikikomori trở thành câu chuyện đáng báo động ở Nhật Bản khi người theo lối sống này đa phần là thanh, thiếu niên (Ảnh: AFP) |
Khi được hỏi tại sao nhiều người chọn lối sống hikikomori, 20,8% người sống ẩn dật trong độ tuổi từ 15 đến 39 cho biết họ gặp khó khăn trong các mối quan hệ cá nhân còn 18,1% cho biết nguyên nhân là do đại dịch COVID-19.
Đối với nhóm tuổi 40 - 64 tuổi, 44,5% hikikomori cho biết nguyên nhân chính để để rút lui khỏi xã hội là họ đã nghỉ việc, không còn đi làm nữa; Còn 20,6% là do đại dịch.
Nghiên cứu chỉ ra rằng mọi người có thể trở nên cô lập về mặt xã hội khi họ cảm thấy khó ra ngoài giữa đại dịch và chọn tham gia các lớp học trực tuyến cũng như làm việc tại nhà.
Mặc dù Nhật Bản không phỏng tỏa đất nước trong thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát nhưng để ngăn chặn sự lây lan của virus, người dân được yêu cầu tránh ra ngoài không cần thiết trong thời gian dài; Đồng thời, nhiều công ty và trường đại học khuyến khích làm việc từ xa và học từ xa.
Trên những con phố thường đông đúc người qua lại, lượng người qua lại đã giảm đáng kể sau khi các nhà hàng, quán bar và các khu vực giải trí ban đêm khác được yêu cầu ngừng phục vụ rượu và đóng cửa sớm, nếu không sẽ bị phạt.
Sự gia tăng số lượng người chọn lối sống ẩn dật đã khiến một số chính quyền địa phương tại Nhật Bản phải hành động. Edogawa, một quận ở Tokyo dự kiến sẽ tổ chức các sự kiện xã hội sử dụng công nghệ metaverse (vũ trụ ảo) vào tháng 6 để tạo cơ hội cho các hikikomori gặp gỡ mọi người thông qua hình đại diện ảo.
Theo một cuộc khảo sát năm 2021, quận này là nơi sinh sống của hơn 9.000 người tự nhận mình là hikikomori, bao gồm cả những học sinh đã nghỉ học.
“Chúng tôi không nghĩ rằng mọi thứ sẽ được giải quyết thông qua các cuộc gặp ảo như thế này. Có thể phương pháp đó sẽ hữu ích cho một số người. Chúng tôi đang nhắm đến những người không thể rời khỏi phòng của họ và không tương tác với người khác. Chúng tôi muốn giúp họ tiến thêm một bước”, ông Takeshi Saito, người đứng đầu quận Edogawa, cho biết.
Ngày nay, hikikomori không chỉ giới hạn ở Nhật Bản. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự tồn tại của hikikomori ở Hàn Quốc, Mỹ, Maroc, Oman, Italy , Ấn Độ, Phần Lan và Pháp…
Sự thay đổi văn hóa do công nghệ mang lại (đặc biệt là internet) cũng có thể tạo ra hố sâu ngăn cách giữa con cái và cha mẹ, giữa bản thân và xã hội và làm gia tăng sự cô lập xã hội ở nhiều nơi trên thế giới.