49 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP năm 2021
Huyện Thường Tín thực hiện kiểm điểm đúng quy trình, thực chất, hiệu quả Huyện Thường Tín chúc mừng các chức sắc tôn giáo nhân ngày Noel |
Mới đây, huyện Thường Tín (Hà Nội) tổ chức Hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Trong năm 2021, huyện có 49 sản phẩm của 9 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất làng nghề tham gia đánh giá phân hạng OCOP. Con số này vào năm 2020 là 82 sản phẩm của 4 chủ thể.
Chủ thể OCOP trình bày các sản phẩm trước Hội đồng, đánh giá phân hạng |
Theo đó, thực hiện Quyết định số 490 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2018-2020, UBND huyện Thường Tín triển khai đến các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã và các hộ kinh doanh đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Ông Bùi Công Thản, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết: “Tiếp tục kết quả đạt được năm 2019 và năm 2020, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện Thường Tín đã chỉ đạo phòng Kinh tế, UBND các xã rà soát, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng.
Huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị khảo sát các cơ sở có sản phẩm đăng ký, hướng dẫn chủ thể lập hồ sơ sản phẩm đăng ký chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), để lựa chọn đánh giá, phân hạng năm 2021.
49 sản phẩm của 9 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất làng nghề tham gia đánh giá phân hạng OCOP, thuộc 2 nhóm ngành: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm thô, sơ chế; Nhóm Thủ công mỹ nghệ, trang trí".
Sản phẩm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 của huyện Thường Tín |
Nhận xét về việc lựa chọn đánh giá sản phẩm OCOP huyện Thường Tín, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết: "Mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng Nông thôn mới là nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của người dân.
Chương trình OCOP là sân chơi giúp cho các chủ thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp yếu thế trong xã hội khẳng định vị trí, vai trò của địa phương, giúp người dân biết, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thường Tín được đánh giá là một trong huyện có nhiều làng nghề nhất thành phố Hà Nội bao gồm 126 làng có nghề và có 49 làng nghề trên địa bàn huyện được công nhận. Huyện luôn nỗ lực trong việc xây dựng Nông thôn mới và vượt chỉ tiêu về số lượng sản phẩm OCOP”.
Trong Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thường Tín đặt mục tiêu có từ 150 sản phẩm tiềm năng được đánh giá, phân hạng. Mỗi xã có ít nhất từ 2 sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP đạt 3 sao trở lên, tập trung ở nhóm thực phẩm, sản phẩm làng nghề… là những sản phẩm thế mạnh ở địa phương, đã có thương hiệu và đang tích cực xây dựng thương hiệu.
Được biết, đến hết năm 2020, huyện Thường Tín đã có 104 sản phẩm được UBND thành phố phân hạng, cấp sao OCOP từ 3 đến 4 sao.