5 yêu cầu khi tham gia phiên tòa online
Thông tư trên đưa ra các yêu cầu khi tham gia phiên tòa online như sau: Tuân thủ quy định nội quy phòng xử án; Luôn để thiết bị điện tử ở trạng thái mở camera và bật âm thanh micro; Khi được yêu cầu thì mới phát biểu; Không được tạo các tạp âm khác trong khi thiết bị điện tử đang để chế độ mở tiếng, gây ảnh hưởng đến phiên tòa.
Bên cạnh đó, thông tư còn yêu cầu người tham gia phiên tòa phải mặc trang phục nghiêm chỉnh; Không đứng dậy hay rời đi trong thời gian xét xử khi chưa được chủ tọa phiên tòa cho phép; Không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh, phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng.
Đương sự, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị hại tham gia phiên tòa trực tuyến phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân (như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý) để đối chiếu.
Trường hợp đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì người được ủy quyền còn phải xuất trình văn bản ủy quyền.
Thông tư được ban hành ngày 15/12/2021 và có hiệu lực từ 1/2/2022.
Ảnh minh hoạ (nguồn VNE) |
Trước đó, tháng 11/2021, Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,79%) và thông qua Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến từ năm 2022.
Theo đó, Toà án Nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xét xử của tòa án. Vì vậy, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được xem là thích ứng với tình hình mới và phù hợp thực tiễn.