6 nhiệm vụ quan trọng cho ngành chứng khoán
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi vừa chủ trì Hội nghị công tác chỉ đạo điều hành 5 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong thời gian đầu năm, nhưng sau đó biến động theo xu hướng giảm cả về điểm số, giá cổ phiếu, thanh khoản…
Cùng chung với xu thế biến động của thị trường chứng khoán thế giới và trước tác động tâm lý của một số yếu tố trong nước đã khiến chỉ số VN-Index có thời điểm giảm mạnh về mức dưới 1.200 điểm từ đỉnh hơn 1.500 điểm xác lập trong tháng 1/2022.
Tuy nhiên, nhờ nhiều giải pháp tích cực, kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước, tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện và trên thực tế, thị trường chứng khoán đã có nhịp hồi phục khá tích cực vào 2 tuần cuối của tháng 5/2022.
Trước những biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết liệt triển khai các giải pháp để đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, ổn định trở lại.
Trong đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã giao Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) yêu cầu tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sản từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: SSC) |
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khóa Nhà nước cũng yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán, điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trong ngày đáo hạn, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật chặn giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ không công bố thông tin trước khi giao dịch...
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, mặc dù đã có nhịp phục hồi tích cực trong những tuần gần đây và về trung dài hạn vẫn được hỗ trợ từ các yếu tố nền tảng vĩ mô, cũng như yếu tố nội tại của thị trường, nhưng bối cảnh chung trên toàn cầu đang gặp nhiều thách thức và biến động khó lường.
Do vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi yêu cầu cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, tăng cường công tác dự báo để chủ động hơn các giải pháp để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã yêu cầu các đơn vị cần tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ quan trọng trong thời gian từ nay tới cuối năm 2022 và thời gian tới.
Thứ nhất, khẩn trương rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để kịp thời đề xuất Bộ Tài chính trình các cấp sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của thị trường chứng khoán.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đảm bảo các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật, từ đó phát huy tích cực vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên thị trường chứng khoán.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác giám sát thị trường chứng khoán, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường.
Đối với giám sát công ty đại chúng, tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, báo cáo tài chính kiểm toán, cũng như chấn chỉnh, tăng cường chất lượng công tác kiểm toán của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Cùng với đó là rà soát, giám sát, kiểm tra và có biện pháp thúc đẩy, xử lý sai phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Thứ tư, đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn hiện hệ thống công nghệ thông tin (KRX) để đưa vào vận hành, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Trong đó, VNX nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát, xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi một số tiêu chí của chỉ số VN30.
Thứ năm, về nâng hạng thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để trao đổi, làm việc với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.
Thứ sáu, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trên thị trường chứng khoán. Khi phát hiện các dấu hiệu sai phạm có yếu tố hình sự cần chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trên thị trường.