Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay “bừa bãi”, bất chấp quy định về tín dụng
Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay “bừa bãi”, bất chấp quy định về tín dụng.
Bài liên quan
Hàng loạt sai phạm tại Agribank – Bài 7: Trù dập người tố cáo tại Chi nhánh Bắc Đắk Lắk
Cho vay bừa bãi
Theo tài liệu của phóng viên, trong một báo cáo vào tháng 8/2019 của Ban Kiểm tra nội bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chỉ ra rất nhiều vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đến thời điểm cuối năm 2018.
Theo đó, về công tác chỉ đạo điều hành, Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội (thời điểm đó là ông Đặng Tiến Dũng) đã có nhiều vi phạm trong việc chấp hành cơ chế nghiệp vụ đối với hoạt động cấp tín dụng tại chi nhánh.
Cụ thể, Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đã cấp tín dụng vượt 50% thẩm quyền phán quyết của Giám đốc chi nhánh không thông qua Hội đồng tín dụng để rà soát, đánh giá rủi ro; Chỉ đạo hoạt động của Ban Chỉ đạo xử lý nợ xấu chưa hiệu quả; Chậm khắc phục, chỉnh sửa đối với các tồn tại, sai sót về tín dụng đã được các đoàn kiểm tra phát hiện; Chưa có biện pháp xử lý các cán bộ gây ra nợ xấu.
Về hoạt động cấp tín dụng, theo báo cáo Ban Kiểm tra nội bộ Agribank, đoàn công tác, tổ rà soát của ngân hàng đã kiểm tra, rà soát 59 khách hàng, tổng dư nợ 2.331,89 tỷ đồng (chiếm 51% tổng dư nợ cấp tín dụng Agribank chi nhánh Nam Hà Nội). Toàn bộ hồ sơ được kiểm tra, rà soát có rất nhiều tồn tại, vi phạm trong việc chấp hành quy định, quy trình cấp tín dụng; Chất lượng tín dụng thấp khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao (34,8%/năm), kết quả thu hồi nợ xử lý rủi ro, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) thấp.
Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. |
Cụ thể, đoàn kiểm tra đã phát hiện hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế không đầy đủ theo quy định, chưa đảm bảo tính pháp lý, tiềm ẩn rủi ro cao cho Agribank khi xảy ra tranh chấp; Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay dự án BT trên 50 tỷ đồng không trình Tổng Giám đốc phê duyệt chủ trương và phê duyệt cho vay vượt thẩm quyền không trình Tổng Giám đốc.
Đồng thời, Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cũng chấm điểm xếp hạng khách hàng không đúng quy định khi chấm điểm tài chính, chi phí tài chính đối với khách hàng không chính xác.
Bên cạnh đó, Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đối với khách hàng có nợ xấu, nợ bán VAMC không đúng quy định; Thẩm định báo cáo tài chính không chính xác; Thẩm định năng lực tài chính, doanh thu, vốn tự có/vốn đối ứng, nhu cầu vốn, mức cho vay không chính xác, thiếu các hợp đồng kinh tế đầu ra, đầu vào...
Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cũng bị phát hiện giải ngân thiếu chứng từ làm căn cứ chứng minh mục đích sử dụng vốn của khách hàng; Giải ngân tiền mặt chưa phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, chi nhánh cũng xác định giá trị tài sản bảo đảm không có căn cứ, không kiểm tra, đánh giá giá trị tài sản bảo đảm theo quy định; Không kiểm tra tiến độ hình thành tài sản bảo đảm đối với tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai; Không quản lý chặt chẽ tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay; Chưa mua bảo hiểm đối với tài sản bảo đảm theo quy định hoặc tài sản bảo đảm có rủi ro; Cho vay vượt phạm vi bảo đảm của giá trị tài sản thế chấp; Trên IPCAS (hệ thống thanh toán và kế toán khách hàng) nhập cho vay không bảo đảm bằng tài sản không phù hợp với hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Về quản lý nợ vay và giám sát tiền vay, Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đã thiếu kiểm tra sử dụng tiền vay của khách hàng, biên bản kiểm tra sơ sài; Chưa quản lý nguồn thu khách hàng từ DA/PA chặt chẽ; Chưa tích cực trong việc đôn đốc thu hồi nợ; Chưa nỗ lực thu hồi nợ; Chưa có biện pháp chủ động xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ quá hạn.
Nợ xấu tăng cao, khó thu hồi
Theo tài liệu của phóng viên, đến thời điểm cuối năm 2018, do vi phạm quy trình cấp tín dụng nên Agribank chi nhánh Nam Hà Nội có nhiều khoản nợ quá hạn, khó thu hồi.
Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay “bừa bãi”, bất chấp quy định về tín dụng |
Cụ thể, tại nhóm Công ty Nam Việt (gồm Công ty Đại Hùng, Công ty Thái Dương và Công ty Nam Việt với tổng dư nợ 202,441 tỷ đồng), Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đã cấp tín dụng vượt 50% mức phán quyết của Giám đốc chi nhánh mà không thông qua Hội đồng tín dụng theo quy định; Cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm khi khách hàng liên tục có nợ quá hạn; Không kiểm soát được dòng tiền cho vay và cấp thừa vốn so với nhu cầu của khách hàng.
Theo báo cáo, nguồn thu của Công ty Thái Dương, Công ty Đại Hùng trong nhóm khách hàng phụ thuộc vào Công ty Nam Việt; Trong khi các hợp đồng thi công đầu ra của Công ty Nam Việt chủ yếu là các dự án có nguồn vốn thanh toán từ ngân sách, các dự án BOT có thời gian nghiệm thu thanh toán kéo dài. Cả 3 công ty có nhóm nợ 5 (nợ có khả năng mất vốn), khả năng trả nợ rất khó khăn.
Tại nhóm Công ty CP Thủy sản Khu vực I (gồm cả Công ty Cổ phần KEVIN VN, dư nợ 210,052 tỷ đồng), do thực trạng khoản vay của nhóm khách hàng là cho vay không có tài sản bảo đảm đối với dư nợ cho vay ngắn hạn; Cho vay trung dài hạn đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay là máy móc công trình cũ đã qua sử dụng, giá trị dự kiến thu hồi thấp khi phải tiến hành xử lý tài sản bảo đảm. Vì vậy, khả năng thanh toán, thu hồi nợ là rất khó khăn.
Tại nhóm Công ty APIKA (gồm Công ty CP APIKA, Công ty CP Dịch vụ và Vận tải MEKONG Hà Nội, Công ty CP TAMTON, Công ty CP BG TAXI, với tổng dư nợ là 130,709 tỷ đồng). Nhóm nay vay vốn để kinh doanh bán xe ô tô nhưng không có hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; Không có nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh xe ô tô về tài khoản; Giao dịch bán hàng có dấu hiệu không có thật; Tài sản bảo đảm là bất động sản ngoại thành Hà Nội khả năng thanh toán kém, xử lý mất nhiều thời gian và chi phí; Khoản cấp tín dụng cho Công ty CP BG TAXI đã quá hạn 16 tháng nhưng chi nhánh không đôn đốc, giám sát, quyết liệt trong việc xử lý tài sản thu hồi nợ. Khả năng thu hồi nợ với nhóm này cũng rất khó khăn.
Đối với khoản vay của nhóm Công ty Thái Anh (gồm Công ty CP TMDV Du lịch và Quảng cáo Thái Anh, Công ty CP Hiệp Hùng, Công ty CP Kinh doanh bất động sản Hanhud, Công ty CP TM và XNK Hoàng Sinh, Công ty Việt Anh, với tổng dư nợ 184,386 tỷ đồng). Với nhóm này thì doanh số tiền về tài khoản từ doanh thu bán hàng rất thấp so với doanh số cho vay, chi nhánh chưa quản lý được dòng tiền; Tồn tại các giao dịch chuyển tiền từ các khoản cho vay để trả nợ lẫn nhau giữa các công ty trong nhóm. Khả năng thu hồi nợ cũng rất khó khăn.
Ngoài ra, Agribank chi nhánh Nam Hà Nội còn vi phạm đối với khoản vay của nhóm Công ty T&T (gồm Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Phát triển dịch vụ thương mại T&T, Công ty CP Thương mại dầu khí Kim Sơn, với tổng dư nợ 139,75 tỷ đồng). Với nhóm này, chi nhánh không có biện pháp quản lý giám sát chặt chẽ vốn vay, không kiểm tra tình hình sử dụng vốn của khách hàng, không có biện pháp quản lý doanh thu dẫn đến không kiểm soát tình trạng khó khăn về tài chính của khách hàng. Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cũng khó có khả năng thu hồi nợ đối với nhóm công ty này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
>> Xung quanh tin đồn ông Phạm Huy Cận, Trưởng ban Agribank gom hơn 200 tỷ bỏ trốn
>> Cán bộ Agribank và Kho bạc nhà nước huyện Hoằng Hóa có "lừa" dân để lấy hơn 2 tỷ đồng hay không?