Ấm áp tình người trong thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm
Lực lượng cứu hộ từ hàng chục quốc gia vẫn đang làm việc ngày đêm trong các đống đổ nát và giải cứu được những trường hợp sống sót, được mô tả là phép màu, bởi khoảng thời gian vàng 72 giờ sau thảm họa đã trôi qua từ lâu.
Mới đây nhất, tại thành phố Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, một phụ nữ 42 tuổi tên Melike Imamoglu đã được giải cứu từ đống đổ nát ngày 15/2 sau khoảng 222 tiếng bị chôn vùi, nối tiếp danh sách những người sống sót kỳ diệu.
Bé gái 7 tuổi người Syria lấy tay che chắn cho em mình suốt 36 giờ khi cả hai bị kẹt dưới đống đổ nát (Ảnh: Mohamad Safa) |
Trước đó, một em bé 2 tháng tuổi được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát sau 128 giờ trong tiếng vỗ tay và reo hò của người dân thành phố Antakya, tỉnh Hatay.
Ngoài ra, một bé gái 2 tuổi, một phụ nữ mang thai 6 tháng và một cụ bà 70 tuổi, cũng may mắn sống sót sau 5 ngày mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Trước đó, hình ảnh bé gái 7 tuổi người Syria đã lấy tay che chắn cho em mình suốt 36 giờ khi cả hai bị kẹt dưới đống đổ nát vì trận động đất đã khiến nhiều người không khỏi xúc động.
“Xin hãy cứu con ra khỏi đây. Con sẽ làm bất cứ điều gì cho chú”, bé Mariam, 7 tuổi, nói với những người cứu hộ khi được phát hiện dưới đống đổ nát của ngôi nhà ở Besnaya-Bseineh, Haram, Syria.
Một em bé được giải cứu khỏi tòa nhà bị sập ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/2 (Ảnh: AFP) |
Vừa cầu xin giúp đỡ, cô bé vừa nhẹ nhàng vuốt tóc em mình khi cả hai nằm chồng lên nhau trên chiếc giường đã bị những mảnh vỡ đè lên một phần.
Cô bé có thể cử động cánh tay của mình đủ để che mặt em trai tránh khỏi bụi từ những mảnh vỡ khi cả hai mắc kẹt trong bê tông trong suốt nhiều giờ đồng hồ.
Một số trẻ em khác cũng sống sót thần kỳ khi được lực lượng cứu hộ tìm thấy dưới đống đổ nát. Tại miền Bắc Syria, một bé gái sơ sinh đã được cứu khỏi đống gạch đá, khi dây rốn vẫn nối với người mẹ đã qua đời trong trận động đất. Em bé là thành viên duy nhất trong gia đình còn sống sót, sau khi ngôi nhà ở tỉnh Aleppo đổ sập.
Tình người ấm áp
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 9.000 nhân viên nước ngoài đang tham gia vào các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ của đất nước, trong khi 100 quốc gia đã đề nghị giúp đỡ cho đến nay.
Theo hãng tin Aljazeera, nhiều người dân sống sót tại Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, đã tổ chức đội phản ứng láng giềng để giúp đỡ lẫn nhau. Sau khi động đất xảy ra, nhiều chủ nhà hàng và quán bar đã mở cửa hàng phân phát trà nóng, bánh mì cùng nơi an toàn để bảo vệ các nạn nhân khỏi giá lạnh.
Ông Mehmet Tasdelen, chủ một nhà hàng ở khu Gazimuhtar thuộc thành phố Gaziantep, trong nhiều ngày sau động đất đã mở cửa cho tất cả mọi người cần nơi ấm áp và thực phẩm. Tại một cửa hàng cà phê khác ở Gazimuhtar, người chủ đã tặng chăn và bữa ăn miễn phí trong cả ngày dành cho những người có nhu cầu.
Những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiến hành công tác cứu hộ |
Cộng đồng quốc tế cũng thể hiện tinh thần đoàn kết bằng cách viện trợ tài chính, hàng hóa nhằm giúp hai quốc gia này khắc phục hậu quả động đất.
Đã có gần 30 quốc gia cử đội cứu hộ bao gồm lính cứu hỏa, bác sĩ, kỹ sư cấu trúc công trình, các chuyên gia về tìm kiếm và giải cứu người trong trận động đất và cả chó nghiệp vụ. Nhiều nước cũng thông báo gửi hàng cứu trợ là các khoản hỗ trợ tài chính, trang thiết bị y tế, thực phẩm và quần áo ấm cho nạn nhân động đất.
Đoàn công tác Việt Nam gồm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội và công an cùng nhiều vật tư và thiết bị cũng đã được cử sang Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Tại đây, đoàn Việt Nam đã phối hợp với lực lượng quốc tế giải cứu được nhiều nạn nhân ngay từ những ngày đầu triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Chứng kiến hoạt động trợ giúp nhân đạo của các thành viên đoàn Việt Nam, một gia gia đình bản địa đã đến gặp Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Trưởng Đoàn cứu nạn, cứu hộ quốc tế của Bộ Công an Việt Nam để nói lời cảm ơn.
Thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria diễn ra bất ngờ với độ lớn mạnh khiến người dân địa phương bàng hoàng và không kịp phản ứng. Khoảng 4 giờ ngày 6/2, trận động đất đầu tiên có độ lớn 7,8 độ richter xảy ra ở tỉnh Gaziantep, vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các dư chấn xảy ra sau đó vài tiếng đồng hồ, trong đó có dư chấn mạnh tới 7,5 độ richter. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, trận động đất mà Thổ Nhĩ Kỳ và Syria phải hứng chịu là một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong thời đại hiện nay. Số người thiệt mạng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá 41 nghìn. Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân mắc kẹt. Với những người may mắn sống sót, họ cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi nhà cửa đổ nát, mất hết tài sản và đối mặt với một tương lai bất định. |