Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá lương thực toàn cầu có thể tăng cao
Gián đoạn thị trường gạo toàn cầu
Theo thống kê, Ấn Độ chiếm hơn 40% sản lượng xuất khẩu gạo thế giới. Vì vậy, bất kỳ sự cắt giảm xuất khẩu nào cũng có thể làm tăng giá lương thực trong bối cảnh thời tiết thất thường và cuộc xung đột Nga - Ukraina đang diễn ra làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc.
Theo Reuters, Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati) sau khi giá gạo bán lẻ tăng 3% trong một tháng ở nước này do mưa gió kéo dài, gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.
Mưa lớn ở phía Bắc Ấn Độ trong vài tuần qua đã làm hư hại cây trồng mới ở các bang, bao gồm Punjab và Haryana, khiến nhiều nông dân phải gieo cấy lại.
Ở các bang trồng lúa chủ lực khác, nông dân đã chuẩn bị vườn ươm nhưng không thể cấy mạ do không đủ lượng mưa cần thiết.
Một phụ nữ thu hoạch lúa chín trên cánh đồng ở làng Karunj ở bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ tháng 10 năm ngoái (Ảnh: Reuters) |
Bộ Lương thực Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố, viện dẫn mức tăng 11,5% giá gạo bán lẻ trong 12 tháng: “Nhằm đảm bảo có đủ gạo trắng non-basmati tại thị trường Ấn Độ và ngăn chặn đà tăng giá ở thị trường nội địa, Chính phủ Ấn Độ đã sửa đổi chính sách xuất khẩu”.
Loại gạo bị cấm xuất khẩu chiếm khoảng 10 triệu tấn trong tổng số 22 triệu tấn gạo xuất khẩu của Ấn Độ năm ngoái (cao hơn tổng khối lượng xuất khẩu của 4 nước xuất khẩu gạo đứng sau nước này là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ).
Theo ông B.V. Krishna Rao - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, lệnh cấm đột ngột này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người mua vì họ chưa thể tìm được nhà cung cấp thay thế.
“Ấn Độ sẽ gây gián đoạn thị trường gạo toàn cầu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với Ukraina đã làm trên thị trường lúa mì do xung đột với Nga”, ông B.V. Krishna Rao nói.
Gạo là thực phẩm thiết yếu đối với hơn 3 tỷ người trên thế giới và gần 90% sản lượng gạo toàn cầu được sản xuất tại Châu Á, nơi hiện tượng thời tiết El Nino thường khiến lượng mưa giảm. Giá gạo toàn cầu đang dao động quanh mức cao nhất trong 11 năm qua.
Ông Rao cho biết trong khi Thái Lan và Việt Nam không có đủ hàng tồn kho để bù đắp sự thiếu hụt, những người mua Châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định của Ấn Độ. Những khách hàng mua gạo hàng đầu khác của Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng bao gồm Benin, Senegal, Bờ Biển Ngà, Togo, Guinea, Bangladesh và Nepal.
Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 20/7/2023 nhưng các tàu đang trong quá trình bốc hàng vẫn được phép xuất khẩu.
Cơ hội cho Việt Nam
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo sẽ làm giá gạo thế giới tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo top 3 thế giới nên sẽ có lợi thế, đặc biệt về vấn đề giá bán.
Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam, nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan, tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ do lo ngại nguồn cung ngày càng tăng do El Nino.
Trên thị trường, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 515- 525 USD/tấn - mức cao nhất kể từ năm 2011. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ dao động gần mức cao nhất trong 5 năm ở mức 421- 428 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng (Ảnh: TTXVN) |
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có những tín hiệu vui khi tăng cả về sản lượng và giá trị. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm tiếp tục thuận lợi do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia Châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của thời tiết. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực thu mua gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Một thương nhân Châu Âu cho biết người mua có thể chuyển sang gạo Thái Lan và Việt Nam nhưng loại gạo 5% tấm của họ có thể bán với giá 600 USD/tấn.
Trung Quốc và Philippines, những nước thường mua gạo Việt Nam và Thái Lan, buộc phải trả giá cao hơn đáng kể, một đại lý Châu Âu khác nói thêm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 618.000 tấn, trị giá 340 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 14% về trị giá so với tháng trước.
Tuy nhiên tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn tăng mạnh 21% về lượng và tăng 32% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,2 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD. Đây cũng là kết quả xuất khẩu tốt nhất của ngành gạo trong 13 năm trở lại đây.
Phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo TTTĐ - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất ... |
Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo TTTĐ - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 về việc tăng cường thực hiện ... |