Ẩn họa từ những bãi rác thải xây dựng
Bãi rác thải xây dựng trên phố Trung Phụng
Tiện đâu đổ đấy
Rác thải xây dựng đang trở thành nỗi nhức nhối với nhiều người dân xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) khi tại nhiều nơi trên địa bàn, các xe tải liên tục chở rác từ các công trình rồi đổ trộm ra những khu đất trống, dự án treo, thậm chí là ruộng của người dân.
Tại thôn Cầu Ngãi, xã An Khánh, cứ vào chiều và tối lại xuất hiện các xe tải lớn chở theo chất thải xây dựng đổ vào các thửa ruộng – vốn là đất người dân thuê để canh tác hoa màu, trồng đào và cả đất dự án treo. Không ai can thiệp, đến nay, lượng phế thải chất thành đống kéo dài cả trăm mét.
Khu vực phía dưới cầu vượt An Khánh (lối rẽ từ đường gom Đại lộ Thăng Long vào thôn Vân Lũng), nhiều năm nay cũng trong tình trạng tương tự. Đất, phế thải xây dựng làm cho tuyến đường giáp cầu vượt dài khoảng 150 mét trở nên bụi bẩn và bị thu hẹp lại.
Không chỉ có phế thải xây dựng, tủ gỗ, bàn ghế hỏng, cành cây khô… cũng được đổ ra khiến nơi đây trở thành bãi tập kết rác cho người dân khu vực.
Những chiếc xe tải chở theo rác thải xây dựng còn đổ cả vào những nơi người dân đang canh tác. Dọc theo khu vực đường tỉnh 420 rẽ vào trạm xăng dầu Dị Nậu (huyện Hoài Đức), các xe tải chở vật liệu xây dựng ngang nhiên đổ trộm hai bên đường. Theo những người dân địa phương, cứ nửa đêm về sáng, các xe “hổ vồ” chở theo rác thải xây dựng lại hoạt động tấp nập. Chỉ cần vắng bóng người, các xe này sẵn sàng đổ thải cả xuống ruộng canh tác, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Tại tuyến đê tả Đáy qua xã Cao Viên (Thanh Oai); phường Đồng Mai, Yên Nghĩa (Hà Đông); xã Đông La, An Thượng, Song Phương (Hoài Đức), một lượng lớn chất thải rắn xây dựng đổ tràn lan, có đoạn kéo dài tới gần 100 mét.
Trong đó, vi phạm xảy ra nhiều nhất là đoạn qua xã Song Phương với từng núi chất thải rắn xây dựng đổ tràn lên thân đê.
Tình trạng “tiện đâu đổ đấy” cũng diễn ra ở khu vực hai bên đường Đại lộ Thăng Long - một trong những tuyến đường đẹp, hiện đại nhất Thủ đô. Hay thậm chí tại tuyến phố Trung Phụng, ngay trung tâm khu vực quận Đống Đa, rác sinh hoạt và xây dựng đổ tràn lan ngay trên đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân xung quanh.
Bãi rác thải xây dựng trên Đại lộ Thăng Long |
Tình trạng này đã diễn ra từ lâu song không hiểu vì lý do gì không được các cấp chính quyền nơi đây quan tâm, xử lý. Mỗi ngày, các đống rác mọc lên trên con phố một cách ngẫu nhiên, bất chấp những hệ lụy với môi trường sống của người dân.
Văn bản một đằng, thực hành một nẻo
Trước tình trạng chất thải và phế liệu được đổ bừa bãi, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng với môi trường và cuộc sống của người dân, trước đó, ngày 24/4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 về Quản lý chất thải và phế liệu.
Trên cơ sở đó, ngày 16/5/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 8 quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng. Trong đó, quy định chất thải xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng.
Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật là vậy, còn trên thực tế, hầu hết các công trình xây dựng trên địa bàn đều thuê các đơn vị vận chuyển, thu gom, sau đó đổ thải trộm ra các khu vực ngoại thành. Do vậy, việc kiểm soát nguồn đổ thải vẫn là vấn đề nhức nhối.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 2.500-3.000 tấn, trong khi đó các bãi tập kết chung của thành phố đã lấp đầy. Ngoài ra, các chủ nguồn thải chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật trong quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên...
Thực tế cho thấy, mặc dù vi phạm diễn ra phổ biến nhưng khi được hỏi đa số các cơ quan hữu quan, chính quyền cơ sở đều cho rằng khó xử lý. Đại diện các địa phương cho rằng, muốn xử lý được thì cần phục kích bắt quả tang. Trong khi đó, việc quản lý, xử phạt đối với vấn nạn đổ trộm rác thải xây dựng thuộc rất nhiều ngành, bao gồm Thanh tra Giao thông vận tải, Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Môi trường, Thanh tra Xây dựng...
Bên cạnh đó, xử lý vấn nạn đổ trộm chất thải xây dựng không thể thực hiện ở việc bắt các xe đổ trộm rác thải, bởi đó chỉ là hình thức xử lý phần ngọn, còn phần gốc vấn đề là các công trình xây dựng có được kiểm tra kỹ lưỡng về điểm đổ thải hay không và nếu phát hiện công trình đó đổ thải sai quy định sẽ xử lý như thế nào.
Trước thực trạng phế thải xây dựng đổ tràn lan, ngày 16/5/2017, UBND thành phố Hà Nội đã có Chỉ thị 07/CT-UBND về “Tăng cường quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố”.
Để khắc phục tồn tại, từng bước quản lý hiệu quả chất thải rắn xây dựng, cuối tháng 3/2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về đổ trộm chất thải rắn xây dựng trên địa bàn. Mặc dù vậy, kết quả đem lại vẫn không mấy khả quan.
Việc những núi rác thải mọc lên ngày càng nhiều và những tác động của nó đối với môi trường, cuộc sống của người dân thì không cần bàn cãi, thế nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có thể xử lý dứt điểm hay không thì vẫn còn là dấu hỏi lớn. Thiết nghĩ, TP Hà Nội cần có giải pháp quyết liệt hơn xử lý vấn nạn này, chỉ có vậy mới góp phần bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Bài liên quan
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới
Cần thiết lập lại trật tự đô thị tại phố Trung Phụng
Hà Nội: Phát động phong trào chống rác thải nhựa trong ngành y tế
Cuộc sống nơi bãi rác lớn nhất Indonesia
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Vấn đề ô nhiễm môi trường là thách thức lớn của thành phố