An toàn thực phẩm mùa thi: Nhà trường, phụ huynh cùng sát sao
Tiềm ẩn nhiều rủi ro khi “o đờ” đồ ăn trên mạng cho con Tập huấn kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người Trẻ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 không nên ăn những loại thực phẩm nào ? |
Không tẩm bổ quá đà
Áp dụng các kinh nghiệm dân gian một cách rập khuôn và máy móc, nhiều bậc phụ huynh có quan điểm “ăn óc bổ óc” nên thường sử dụng óc heo như một thực phẩm giúp bồi bổ trí não con em mình trong giai đoạn mùa thi. Bằng nhiều cách chế biến khác nhau, nhiều gia đình cho con em ăn nhiều, liên tục trong thời gian dài. Điều này hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học.
Gia đình và nhà trường cần khuyến cáo học sinh tránh xa thực phẩm đường phố để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa thi |
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, trong óc heo chứa phần lớn là chất béo, đặc biệt là hàm lượng lớn cholesterol, không tốt cho cơ thể. Sử dụng óc lợn thường xuyên, cơ thể không thể tiêu hóa, chuyển hóa hết các thành phần dinh dưỡng có trong óc lợn, dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng của cơ thể. Từ đó, cơ thể sẽ có biểu hiện tiêu cực như khó ăn, nôn ói… để phản ứng lại việc tiêu thụ loại thực phẩm này. Việc lạm dụng óc heo như một món ăn bổ não là cách chăm sóc tiêu cực với sức khỏe của các em.
Bên cạnh việc “ăn óc bổ óc”, một số phụ huynh lại có xu hướng tìm kiếm các loại thuốc bổ, thực phẩm để tăng cường trí nhớ, khả năng tập trung, khả năng học tập để cho con em mình sử dụng; Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ không tốt cho sức khỏe và kết quả học tập của các sĩ tử.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, chưa có bất cứ bằng chứng khoa học cũng như công trình nghiên cứu nào chứng minh việc sử dụng một loại thuốc hay một loại thực phẩm chức năng nào giúp các em thông minh hơn hay giúp các em có một kết quả thi tốt hơn. Do đó, chúng ta không nên quá tin vào các thông tin quảng cáo để rồi lạm dụng.
Ngoài ra các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý, một số loại thuốc được quảng cáo có hiệu quả tăng cường trí nhớ thường là các thuốc kích thích thần kinh trung ương; Sử dụng các thuốc này gây tác động và đưa não vào trạng thái luôn hoạt động, không được nghỉ ngơi. Khi lạm dụng và sử dụng lâu dài sẽ làm não mệt mỏi, không được nghỉ ngơi hợp lý, suy kiệt... từ đó ảnh hưởng đến khả năng tập trung, tỉnh táo, ảnh hưởng đến kết quả học tập, thi cử của các em.
Nói không với thực phẩm đường phố
Để hạn chế rủi ro do ngộ độc thực phẩm, theo cô Nguyễn Thị Hiền - giáo viên THCS ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, trong những ngày trước và trong kì thi, các lực lượng chức năng cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, buôn bán hàng ăn, nước giải khát ở quanh khu vực các cổng trường thi.
“Đây là nơi có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc, mất an toàn thực phẩm cho các thí sinh, đặc biệt là trong những ngày hè oi nóng”, cô Hiền chia sẻ.
Bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và được chuẩn bị tại nhà là tốt nhất với sĩ tử |
Bên cạnh việc trang bị kiến thức, giúp học sinh tự tin hơn khi bước vào kì thi chuyển cấp, trong những ngày này, các giáo viên của trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng không ngừng nhắc nhở học sinh của mình việc ăn uống giữ gìn, ngủ đủ giấc để phòng, tránh các mối nguy hại đối với sức khỏe trước kì thi.
Thầy Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường liên tục quán triệt, nhắc nhở học sinh không sử dụng thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm có biểu hiện ôi thiu, biến chất.
Để công tác này có hiệu quả, nhà trường phối hợp tuyên truyền đến phụ huynh hạn chế cho con ăn hàng, tham gia các bữa liên hoan trong giai đoạn nước rút. Nếu có, nên chọn ăn uống ở những cơ sở có uy tín, hợp vệ sinh nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Phụ huynh cần thận trọng trong việc chọn lựa các thực phẩm sạch, không ăn các loại thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe: Ăn thịt tái, hải sản tươi sống hay chưa chín, các món có trứng nấu chưa chín, các món gỏi, rau sống chưa được rửa kỹ, chọn thức ăn tươi, sạch chứa nhiều vitamin và muối khoáng và chất đạm...
Lời khuyên dành cho sĩ tử
Dù bận rộn công việc nhưng trước kỳ thi vào lớp 10 của con trai, chị Trần Minh Phương (ở quận Hà Đông, Hà Nội) ngày nào cũng tranh thủ tự tay chuẩn bị đồ ăn cho con trước khi đi làm.
Theo kinh nghiệm của chị Phương, để đảm bảo dinh dưỡng, con phải ăn đủ 3 bữa ăn chính là ăn sáng, ăn trưa và ăn tối; Đồng thời cần chú trọng đến việc bổ sung 2 bữa ăn phụ trong quá trình học tập căng thẳng. Trong đó, bữa sáng là vô cùng quan trọng. Chế độ dinh dưỡng cho con cũng đa dạng hơn bao gồm các loại thực phẩm cung cấp đầy đủ các nhóm chất cần thiết như đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Mỗi ngày, con nên ăn khoảng 20 loại thực phẩm khác nhau, phân bố trong tất cả các bữa ăn (3 bữa chính, 2 bữa phụ) trong một ngày.
Ngoài 4 nhóm thực phẩm trên, theo chị Phương, các sĩ tử nên bổ sung đủ 2 lít nước mỗi ngày, bởi 80% bộ não là nước. Có thể sử dụng thêm những loại rau củ, hoa quả nhiều nước như: Dưa chuột, dưa hấu... để bổ sung lượng nước cho cơ thể, không nên để khát mới uống nước.
Nhằm tăng cường chỉ đạo công tác thi, tuyển sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 7/6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng ký ban hành văn bản số 1754/UBND-KGVX gửi các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội giao Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh, tổ chức các kỳ thi trên địa bàn thành phố; Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng trong các khâu của kỳ thi; Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị tổ chức kỳ thi. Thành phố cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các đơn vị phải thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho các sĩ tử trước và trong mùa thi.