Kỳ 1: Nhập viện cấp cứu vì dùng rượu ngâm “chữa bách bệnh”
Rượu ngâm thảo dược không phải “thuốc bổ chữa bách bệnh”
Theo Đông y, rượu thuốc giúp tăng cường sức khỏe, bổ khí huyết, bổ thận, chữa đau lưng, gai cột sống, thấp khớp, nhức mỏi. Nhiều bài thuốc ngâm rượu có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả. Từ đó, bình rượu thuốc cũng xuất hiện trong “tủ thuốc” của nhiều gia đình, vừa là thuốc uống bồi bổ cơ thể vừa được dùng để xoa bóp, đánh gió…
Tuy nhiên, việc sử dụng rượu thuốc rất tuỳ tiện theo tâm lý “có gì ngâm nấy” hoặc ngâm các loại thảo dược sâm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát… hay ngâm các bài thuốc đông y, ngâm động vật như bìm bịp, tay gấu, rắn, ếch, lộc nhung, tắc kè…
Các loại rượu ngâm rễ cây, thảo dược có thể gây ngộ độc |
Nhiều người cho rằng, rượu và các loại thảo dược, động vật đều là loại thực phẩm từ thiên nhiên, lành tính nên sử dụng bất kì loại cây, rễ, lá hay động vật nào đó có tác dụng chữa bệnh và bổ dưỡng mang ngâm với rượu rồi uống là có thể điều trị được bệnh.
Trong khi đó, việc ngâm rượu thuốc với tỉ lệ ra sao, vệ sinh các loại thực vật, động vật thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm là điều mà ít người có thể nắm được nếu không tham khảo ý kiến của các bác sĩ.
Đa phần người ngâm rượu thuốc đều làm theo kiểu “nghe dân gian truyền lại”, rỉ tai nhau, hoặc tự tìm hiểu trên internet. Một số người sau khi ngâm còn đem chôn rượu thuốc xuống đất từ 3-6 tháng vì tin rằng làm như vậy, rượu sẽ có vị đậm đà, hương thơm và tốt hơn.
Nhiều gia đình ngâm rượu đông vật còn nguyên con, nguyên lông, điều này rất nguy hiểm. Với các loại động vật ăn thịt sống như rắn, ếch, gấu…thì trong lông và bụng con vật này đều chứa nhiều ký sinh trùng. Dùng chúng để ngâm rượu nguyên lông nguyên cánh chẳng khác gì tự rước ký sinh trùng vào cơ thể.
Thực tế cũng không phải thảo dược, động vật nào cũng dùng để ngâm rượu được. Bên cạnh đó việc lựa chọn các cơ sở uy tín để có thể mua được thảo dược, các vị thuốc đông y ngâm rượu chất lượng, nguồn gốc rõ ràng là điều rất quan trọng để ngâm được bình rượu thuốc tốt.
Hiện tại, mạng xã hội cũng xuất hiện rất nhiều các cơ sở được quảng cáo bán thuốc đông y, các vị thuốc ngâm rượu chữa bệnh mọc lên như nấm để chào bán các loại thảo dược ngâm rượu trôi nổi không rõ xuất xứ trên thị trường.
Những bài thuốc ngâm rượu được lưu truyền rộng rãi song chưa có tài liệu nào nghiên cứu hay chứng minh về vị thuốc và tính hiệu quả. Một số vùng núi cao người dân còn lấy rễ cây lá ngón, dây mã tiền vốn là những loại cây cực độc gây chết người, để ngâm rượu uống.
Thuốc đông y dùng để ngâm rượu có rất nhiều nguồn gốc: động vật, thực vật, khoáng vị..., một bài thuốc có thể chứa rất nhiều vị thuốc khác nhau, nếu không biết rõ về các vị thuốc, kết hợp sai vị, sai liều lượng, cũng hoàn toàn có thể bị ngộ độc.
Một số loại rượu ngâm động vật được “truyền tai” có tác dụng bổ thận, tráng dương. Thị trường cũng chào bán tràn lan các loại rượu ngâm cây thuốc có tác dụng hỗ trợ sinh lý nam giới nhưng có thể chứa thêm hóa chất trong đó mà người dùng khó kiểm chứng được.
Lợi bất cấp hại
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hương, Chủ nhiệm Khoa Lão khoa, Viện Y học cổ truyền Quân đội cho biết: Rượu tác dụng “dẫn” một số thuốc nên người ta thường ngâm thực phẩm, thảo dược trong rượu 2-3 tuần, sau đó lọc lấy “rượu thuốc″ (rượu sâm quy, rượu ngũ gia bì, rượu phong thấp, rượu rắn,...) hoặc để xoa bóp chữa bệnh.
Rượu thuốc không phải là rượu thông thường nên việc ngâm và dùng rượu thuốc tại nhà nếu không có kiến thức về y học cổ truyền hoặc sự hướng dẫn từ thầy thuốc có chuyên môn sẽ rất dễ mắc phải những sai lầm gây hại cho sức khỏe hay thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng của chính người dùng.
Rượu ngâm động vật không có tác dụng “chữa bách bệnh” |
Rượu thuốc là dược phẩm, đã là dược phẩm thì không thể pha chế bừa bãi, dùng tùy tiện mà phải có sự tìm hiểu đầy đủ, sử dụng đúng cách và kết hợp dược liệu một cách khoa học”.
Đầu tiên là nguồn rượu dùng để ngâm dược liệu phải đảm bảo. Không hiếm vụ ngộ độc rượu do nguồn rượu sản xuất thủ công nên chưa loại bỏ các chất độc hại aldehyt, furfurol, methanol... sinh ra trong quá trình lên men và chưng cất. Các chất này gây độc thần kinh, dễ gây tử vong. Do vậy, chỉ nên uống loại rượu đã kiểm định chất lượng.
“Mỗi loại dược liệu có thể sẽ phù hợp với rượu ở nồng độ cồn khác nhau để phát huy tác dụng tốt nhất. Điển hình như các loại rượu thuốc ngâm rết hay mã tiền chỉ được dùng xoa bóp ngoài da để trị đau nhức xương khớp, phong tê thấp...; tuyệt đối không được uống vì có độc tính cao.
Thêm vào đó, bất cứ dược liệu nào cũng có những tác dụng phụ, chẳng hạn có dược liệu có tác dụng hoạt huyết mạnh thì lại có tác dụng phụ là máu khó đông, thế nên loại rượu thuốc này tốt với người này nhưng không tốt với người khác và cũng chỉ để điều trị một số bệnh nhất định”, Bác sĩ Nguyễn Thanh Hương khuyến cáo.
(Còn nữa)