Áp lực việc làm của sinh viên tốt nghiệp
Tìm động lực mới đi đôi với việc làm mới động lực cũ Tập trung giải quyết việc làm cho các đối tượng lao động đặc thù |
Hoang mang không biết bắt đầu từ đâu
Bạn trẻ Lê Huyền Thương (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) vừa tốt nghiệp đại học, chuyên ngành kế toán. Khi học cấp 3, cô gái chưa xác định được ước mơ, sở thích của bản thân nên nghe theo định hướng của gia đình học ngành kế toán. Vào học chuyên ngành cô mới nhận ra ngành này không phù hợp với bản thân.
Mặc dù vậy, Huyền Thương vẫn cố gắng học hành chăm chỉ để thi qua môn và tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, đến thời điểm tốt nghiệp, cô gái rất lo lắng, hoang mang không biết sẽ làm nghề gì? Có thất nghiệp không?
Nỗi lo của Huyền Thương cũng là nỗi lo của rất nhiều bạn sinh viên trước ngưỡng cửa cuộc đời. Hiện tại, cô gái trẻ vẫn chưa có định hướng công việc dù đã tốt nghiệp đại học, cô đang làm công việc bán thời gian tại một cửa hàng tiện lợi.
Các bạn thanh niên, sinh viên tìm cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm thanh niên Thủ đô |
Huyền Thương bày tỏ: “Mình rất hoang mang không biết phải bắt đầu từ đâu để có một công việc ổn định, thu nhập tốt. Hiện tại mình làm việc tạm thời và tiếp tục học thêm một số khoá học để nâng cao kỹ năng, sau đó sẽ đi tìm công việc phù hợp tại Hà Nội”.
Cô gái trẻ Lê Hương Lan (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi. Lan rất tự hào về thành tích của mình nhưng cũng không khỏi lo lắng về việc tìm kiếm công việc phù hợp.
Lan đã tích cực tham gia các buổi hội thảo, sự kiện kết nối nghề nghiệp. Qua đó cô gặp được một số nhà tuyển dụng và được mời đến để phỏng vấn. Tuy nhiên, thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế do chương trình học tập chủ yếu tập trung vào lý thuyết nên Lan không mấy tự tin về kết quả phỏng vấn vừa qua. Nay, cô gái trẻ vẫn đang đợi phản hồi từ nhà tuyển dụng.
Không ngừng học hỏi và không bao giờ từ bỏ ước mơ
Bạn Nguyễn Hoàng Minh (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, vừa tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh từ một trường đại học danh tiếng. Trong suốt thời gian học, cậu luôn đạt thành tích cao và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Hoàng Minh tin rằng với tấm bằng loại giỏi và kinh nghiệm từ các hoạt động xã hội, việc tìm kiếm một công việc tốt sẽ không quá khó khăn.
Tìm việc làm, chọn hướng đi trong tương lai trở trở thành áp lực của không ít bạn trẻ |
Tuy nhiên, thực tế lại không như Minh mong đợi. Sau khi tốt nghiệp, chàng trai GenZ đã nộp đơn vào nhiều công ty nhưng đều nhận được phản hồi từ chối. Các nhà tuyển dụng thường yêu cầu kinh nghiệm làm việc thực tế, điều mà Minh còn thiếu. Dù đã tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nhưng những kỹ năng này vẫn chưa đủ để thuyết phục các nhà tuyển dụng.
Minh bày tỏ: “Mình cảm thấy áp lực và lo lắng; tự hỏi liệu bản thân đã chọn đúng ngành học hay chưa và liệu có phải đã bỏ lỡ điều gì quan trọng trong quá trình học tập. Những ngày tháng thất nghiệp kéo dài khiến mình mất dần tự tin và cảm thấy bế tắc”.
Song, chàng trai trẻ không bỏ cuộc. Minh quyết định tham gia các khóa học ngắn hạn để nâng cao kỹ năng mềm và tìm kiếm cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp nhỏ. Minh cũng tích cực tham gia các buổi hội thảo, gặp gỡ và kết nối với những người trong ngành để mở rộng mạng lưới quan hệ.
Sau một thời gian nỗ lực không ngừng, cậu đã nhận được lời mời làm việc từ một công ty khởi nghiệp. Dù mức lương không cao như mong muốn nhưng Minh thấy đây là cơ hội quý giá để tích lũy kinh nghiệm và phát triển bản thân. Chàng thanh niên làm việc chăm chỉ, học hỏi từ đồng nghiệp và dần dần khẳng định được năng lực của mình.
“Cuối cùng mình đã được nhận vào làm tại một công ty phù hợp với chuyên ngành. Mình rất vui mừng và cảm thấy những nỗ lực đã được đền đáp. Bởi thế, mình nhận ra rằng, tìm kiếm việc làm tốt sau khi tốt nghiệp không hề dễ dàng nhưng nếu kiên trì và không ngừng học hỏi, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của mình”, Hoàng Minh chia sẻ.
Theo anh Đỗ Văn Mạnh (Quản lý chuỗi cửa hàng công nghệ, tại quận Đống Đa, Hà Nội) - một người đã từng trải qua khoảng thời gian hoang mang trước ngưỡng cửa cuộc đời, đi tìm công việc phù hợp, khởi nghiệp, lập nghiệp: Muốn sớm tìm được công việc ổn định, khởi nghiệp thành công, ngay từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, các bạn trẻ nên đi làm thêm, xác định rõ mục tiêu của bản thân đối với công việc đó là gì và cố gắng làm những việc liên quan đến ngành học, để có thể bổ trợ, nâng cao kinh nghiệm cho nghề nghiệp tương lai. Theo anh Mạnh, sinh viên mới ra trường cần chuẩn bị và xây dựng hồ sơ, CV từ sớm; tận dụng các cơ hội thực tập; tham gia các sự kiện, ngày hội việc làm; tận dụng các mối quan hệ xung quanh; chủ động liên hệ với nhà tuyển dụng; tận dụng mạng xã hội và các website tìm việc uy tín… để tìm kiếm công việc cho bản thân. Sau khi có thời gian va chạm ngoài thực tế công việc, chúng ta cũng có thể tự khởi nghiệp làm chủ trong tương lai. |