Bài 1: “Đại công trường” khai thác cát lậu phá nát hồ Biển Lạc
Tình trạng khai thác cát trái phép giữa lòng hồ Biển Lạc (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) ung dung tồn tại thời gian dài... |
Điểm nóng khai thác cát lậu
Xã Gia An là một trong những địa điểm “nóng” của tỉnh Bình Thuận về tình trạng khai thác cát lậu. Trước diễn biến phức tạp của nạn khai thác cát trái phép, UBND xã Gia An đã ban hành nhiều quyết định, thành lập nhiều tổ kiểm tra liên ngành liên tục tuần tra, kiểm soát nhưng tình hình không thay đổi được bao nhiêu.
Sau rất nhiều lần truy quét của chính quyền xã, huyện, tỉnh… dường như “cát tặc” bây giờ đã “nhờn” và tỏ ra không e ngại chính quyền. Thậm chí, một số doanh nghiệp được lập ra nằm ven hồ Biển Lạc với mục sản xuất gạch nhưng đó chỉ là “vỏ bọc” trá hình. Công việc chính của những doanh nghiệp chính này là khai thác cát lậu.
Những chiếc xe tải trọng lớn ngày đêm ra vào bãi tập kết chở cát đi tiêu thụ |
Những chiếc xe chở cát ngày đêm ra vào bãi cát; Những sà lan “quái vật” nằm giữa lòng hồ nổ máy gầm rú điên loạn; Những doanh nghiệp “đội lốt” vẫn ngày ngày tận thu cát… là những gì mà phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô được chứng kiến.
Đầu tháng 11/2021, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục nhận được thông tin bức xúc của người dân tại xã Gia An về tình trạng khai thác cát trái phép đang diễn ra rầm rộ, ngang nhiên trên hồ Biển Lạc, cách UBND xã Gia An chưa đầy một ki-lô-mét.
Theo phản ánh người dân, từ tháng 4/2021 trở lại đây, lợi dụng các cấp chính quyền tập trung hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, “cát tặc” càng lộng hành táo tợn hơn.
Một số doanh nghiệp được lập ra nhà máy sản xuất gạch nằm ven hồ Biển Lạc làm "vỏ bọc” cho mục đích khai thác cát trái phép |
Sau nhiều ngày theo dõi tại những khu vực cấm khai thác cát trên lòng hồ Biển Lạc, phóng viên dễ dàng ghi hình ảnh cảnh khai thác cát giữa ban ngày nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng lực lượng chức năng xuất hiện kiểm tra, dẹp bỏ. Tại các bãi tập kết, cảnh bơm cát và xe ben chở cát ra vào liên tục. Những chuyến xe chở cát nối đuôi nhau chạy về hướng giáp ranh huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Điểm mặt những lò gạch núp bóng khai thác cát lậu
Anh H sinh sống tại xã Gia An “bức xúc” cho biết: “Lợi dụng nước lòng hồ Biển Lạc dâng lên, các doanh nghiệp “đội lốt” sản xuất gạch đưa tàu công suất lớn ra giữa lòng hồ bơm cát rồi đưa về phía sau lò gạch tập kết. Sau đó, họ múc lên xe vận chuyển đi tiêu thụ theo hướng huyện Đức Linh ra huyện Xuân Lộc (Đồng Nai)”. Người này nói thêm, mỗi ngày ông chứng kiến hàng trăm xe nối đuôi nhau vận chuyển cát lậu mà không thấy bóng dáng lực lượng chức năng giám sát, xử lý.
Hoạt động khai thác cát lậu núp bóng lò gạch diễn ra công khai |
Danh sách ông H cung cấp gồm các doanh nghiệp núp bóng lò gạch để khai thác cát lậu gồm các doanh nghiệp của ông: Phan Minh Nhựt, Cao Thanh Sang, Đoàn Bá Quân, Ngô Thanh Khôi, Đoàn Thành Tiến và Phạm Xuân Kiều.
Riêng ông Cao Thanh Sang, Ngô Thanh Khôi và Đoàn Thành Tiến không có lò gạch nhưng vẫn ngang nhiên khai thác cát lậu… Do dịch bệnh kéo dài, khó vận chuyển nên các doanh nghiệp núp bóng lò gạch vẫn đang tập kết hàng trăm nghìn mét khối cát chờ vận chuyển ra khỏi địa bàn tiêu thụ. Theo lời ông H, cát lậu tập kết sau lưng các lò gạch cách đường tỉnh lộ 720 huyện Tánh Linh chưa đầy 300m.
Để làm rõ vai trò trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền tỉnh Bình Thuận, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã cung cấp các tài liệu về tình hình khai thác cát lậu tại đây. Sau đó, bà Phan Thị Xuân Thu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Thuận đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND huyện Tánh Linh và Đức Linh.
Máy xúc cát hoạt động không ngừng nghỉ ngay bên lòng hồ Biển Lạc |
Trả lời câu hỏi của phóng viên, bà Thu khẳng định: Từ đầu năm 2020 đến nay, khu vực lòng hồ Biển Lạc thuộc xã Gia An, huyện Tánh Linh, không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Mọi hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay trên lòng hồ Biển Lạc (nếu có) là trái phép.
Bà Thu cho biết thêm, tại Điều 15 Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 17/1/2019 của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quy định quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh nêu rõ: Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời”.
Điều 16 của quyết định này cũng quy định: “Trường hợp để xảy ra tình trạng thăm dò, khai thác khoáng sản không có giấy phép hoặc văn bản cho phép của cấp có thẩm quyền, đem khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp tặng, cho hoặc bán cho tổ chức, các nhân khác mà UBND cấp xã không phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo kịp thời cho UBND huyện thì UBND cấp huyện sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm của UBND cấp xã nơi đó...”.
Hàng loạt xà lan và máy móc công suất lớn nằm ven bờ hồ Biển Lạc phục vụ khai thác cát trái phép ngày đêm |
Sáng 13/11, phóng viên tiếp tục trở lại lòng hồ Biển Lạc và tiếp tục phát hiện rất nhiều tàu công suất lớn vẫn ngang nhiên khai thác cát, bất chấp trước đó lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã về làm việc và kiểm tra.
Phóng viên liên lạc với ông Lê Mạnh Cường, Quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện Đức Linh và Tánh Linh và được cho biết: “Hiện nay, tôi đã nhận thông báo khẩn của Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh; Sáng thứ hai (ngày 15/11) thành lập đoàn kiểm tra, lập biên bản các bãi cát tập kết và xử lý theo quy định. Nếu các chủ tàu khai thác cát lậu không đưa tàu ra khỏi hồ Biển Lạc, chúng tôi sẽ lập biên bản tịch thu phương tiện khai thác. Việc khai thác là trách nhiệm của phòng TN&MT huyện, nếu các anh ở lại thì tập trung tại xã Gia An phối hợp đi kiểm tra...”.
Hoạt động khai thác cát lậu vẫn tiếp diễn diễn ra bình thường khi cơ quan chúc năng vào cuộc kiểm tra (Ảnh chụp trưa 16/11/2021) |
(Còn tiếp...)