Bài 1: Ngành nông nghiệp Thủ đô thiệt hại nặng nề sau siêu bão
Giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững tại Diễn đàn tái cơ cấu nông nghiệp |
Tan hoang sau siêu bão
Sáng 8/9, khi cơn bãn số 3, tên quốc tế là Yagi, vẫn chưa tan hẳn, mưa và gió lớn còn đang vần vũ, ông Lưu Văn Phương (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã lật đật chạy ra vườn bưởi.
Trước mắt người nông dân này là cảnh tượng hoang tàn, xót xa. Hàng chục cây bưởi đỏ được kỳ vọng mang lại giá trị cao vào vụ Tết hiện thời bị gió quật xơ xác. Nhiều cây bưởi non bật gốc, gẫy ngang thân.
Cây bưởi đỏ Đông Cao xơ xác sau bão số 3 |
Ông Lưu Văn Phương cho biết, mấy năm gần đây, bưởi đỏ Đông Cao được săn đón vào dịp cuối năm, nên gia đình ông cũng như xã viên HTX bưởi đỏ Đông Cao đặt trọn kỳ vọng vào những vườn bưởi trĩu quả.
"Bây giờ bão làm ra thế này, chúng tôi tiếc vô cùng", ông Phương chán nản nói.
Tương tự như vậy, tại HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Hoàng Duy (xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), vườn của HTX có hơn 5.000 gốc chuối. Hiện, các gốc đang trong giai đoạn khoẻ, sinh trưởng tốt để gối vụ tiếp theo, nhưng sức gió mạnh của cơn bão số 3 đã tàn phá tất cả. Ngoài ra, hơn 3.000 cây mít, bưởi, na bị bật gốc, rụng quả, gãy dập,… Ước tính tổng thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.
Chị NguyễnThị Tươi, Giám đốc HTX Hoàng Duy cho biết: "Trước thông tin có bão về, HTX cùng các hộ dân liên kết cũng thực hiện một số biện pháp đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi. Nhưng trận bão số 3 này quá lớn, tàn phá tan hoang, chỉ sau một đêm, mọi thứ mất trắng, không biết bà con sẽ làm gì để sinh sống thời gian tới”.
Cây ăn quả gãy đổ tại HTX Hoàng Duy |
Theo thống kê, cơn bão số 3 xảy ra đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp của Hà Nội. Cụ thể, trên địa bàn Thủ đô có hơn 5.497,6ha lúa và rau màu ngập và gãy đổ, cùng với hàng hàng nghìn cây xanh bị bật gốc, hàng trăm chuồng trại chăn nuôi công nghiệp bị tốc mái.
Báo cáo của các địa phương cho thấy, tại huyện Thạch Thất 397ha lúa và 25,5ha rau màu bị ngập, Thanh Trì 527ha lúa và 96 công trình chăn nuôi công nghiệp bị tốc mái, Gia Lâm 790ha lúa và 190ha cây ăn quả và rau màu bị ngập, Mê Linh có 457ha rau màu bị ảnh hưởng dập nát, Phúc Thọ 184ha lúa và 54ha rau màu bị ngập. Thậm chí, các huyện Thường Tín (670ha lúa, hoa màu bị ngập), Ứng Hòa (2.000ha lúa, hoa màu bị ngập) còn bị thiệt hại nặng nề hơn nữa...
Nguy cơ ảnh hưởng mục tiêu sản xuất vụ mùa
Từ 7/9, với sức gió cấp 9-10, giật cấp 11-12, lượng mưa trung bình từ đầu cơn bão khoảng 180mm, một số điểm đạt 250mm, sau trận bão số 3, không chỉ cây trái tại HTX Bưởi đỏ Đông Cao, HTX Hoàng Duy bị tàn phá mà nhiều nhà cửa, hoa màu, cây cối... ở các cơ sở sản xuất nông nghiệp khác cũng bị bão càn quét gây hư hỏng nặng, nhiều nông dân đứng trước nguy cơ mất trắng.
Lúa đổ rạp tại huyện Phúc Thọ |
Tại hầu hết các địa phương, "tan hoang", "xơ xác", "đổ nát", "mất trắng",… là những từ thường trực trên miệng người nông dân mấy ngày qua. Khắp nơi đều là cảnh tượng ngập úng, gẫy đổ, xói mòn trên các thửa ruộng, bờ ao sau bão và tâm trạng xót xa, lo lắng của những người nông dân khi bất lực nhìn tài sản mình mất công trồng trọt, chăm sóc bị cuốn đi sau một ngày đêm mưa bão.
Thống kê sơ bộ tính đến 20h ngày 8/9 tại một số địa phương, sau khi càn quét qua địa bàn Hà Nội, bão Yagi đã khiến gần 17.400 cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ, làm chết 3 người, bị thương 11 người.
Ngoài ra, mưa bão còn khiến 274 hộ dân có nhà, công trình bị tốc mái; 4 nhà mái tôn bị sập; 19 công trình nhà ở hư hỏng và đổ gãy nhiều cột điện. Ở khu vực ngoại thành, mưa lớn làm 52 ha diện tích lúa, hơn 159ha rau màu bị ngập; hơn 13.700ha lúa và gần 490ha rau màu bị đổ; 10,3ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Đáng chú nói hơn nữa, sau khi cơn bão đi qua, nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp đã chịu thiệt hại nặng nề về hạ tầng, hoa màu và vật nuôi. Các cánh đồng bị ngập úng, nhà kính và chuồng trại bị hư hỏng, khiến sản xuất đình trệ.
Mực nước sông Tích vượt báo động 1 |
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, vụ mùa 2024, toàn thành phố gieo cấy đạt khoảng 71.000ha lúa, tập trung vào các giống lúa thuần chất lượng như: BT7, HD11, TBR225, Đài thơm 8...). Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì khoảng 35-37% tổng diện tích các giống lúa thuần năng suất như: Khang dân, Thiên ưu 8, TBR45, TBR 36, BC 15 (kháng đạo ôn); giống lúa lai (Nhị ưu 838, TH3-5, TH3-3)…
Trước tình hình mưa bão hiện nay, nguy cơ ngập úng đối với những diện tích lúa vụ mùa 2024 là hiện hữu, có nguy cơ khả năng ảnh hưởng đến mục tiêu năng suất 59,6 tạ/ha mà ngành nông nghiệp đặt ra.