Bài 118: Ứng xử có văn hóa với các di sản
>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch
Bài 117: Cấm du khách ăn mặc hở hang đến các di tích
Di sản “khóc ròng” vì khách du lịch
Tháp Hòa Phong là một trong những điểm tham quan nổi tiếng ở Hà Nội, nằm ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Đây là di tích cổ duy nhất còn sót lại của chùa Báo Ân. Tuy nhiên, tháp lại trở thành nơi giới trẻ "dốc bầu tâm sự" trong nhiều năm qua bằng cách viết lên các bức tường trong tháp. Những hành động vô ý thức này không chỉ trực tiếp phá hoại các di tích lâu đời mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh con người ở đất nước, quê hương của các du khách.
Nhiều khách tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ còn có hành vi lưu bút tích tại chuông Nhà Thái học trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám với mong muốn đỗ đạt, thành công bằng cách ghi trên chuông đồng “lấy may”. Tuy nhiên, những dòng chữ này lại gây phản cảm và ảnh hưởng đến bảo tồn.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Đầu tháng 4/2017, sau khi nhận được thông tin phản ánh, kiểm tra thực tế thấy hiện tượng bên trong chuông nhà Thái Học rất nhiều dòng chữ viết đè lên nhau của du khách, tôi đã yêu cầu anh em cán bộ xử lý, làm sạch các dòng chữ này. Phát hiện hành vi phá hoại, không để kéo dài, nên anh em tập trung lau sạch các hình vẽ từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm”.
Tại các Lễ hội hoa của Hà Nội, thung lũng hoa Hồ Tây, khách tham quan, chủ yếu là các bạn trẻ, đã vô tư ngắt hoa hoặc giẫm đạp lên hoa tạo dáng chụp ảnh khiến các cây cảnh, cành hoa tơi tả, không còn giá trị thưởng lãm. Các hành vi này không chỉ gây mất mĩ quan, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị của các di tích, các cảnh đẹp, gây lãng phí tài sản văn hóa quý giá. Với di sản được kiến tạo tự nhiên, hành vi phá hoại của con người gây hậu quả vô cùng nặng nề, vì khả năng hồi phục nguyên trạng cho di sản là rất khó, thậm chí không được.
Tăng cường bảo tồn di tích
Sau khi triển khai Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của UBND thành phố Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng có tấm biển niêm yết rõ các nội dung và cắt cử lực lượng bảo vệ thường xuyên nhắc du khách về hành vi vẽ bậy lên di tích. Đến nay chuông nhà Thái Học đã không còn hiện tượng đó. Tuy nhiên, đối với các di tích có không gian mở như di tích tháp Hòa Phong, tháp Bút ở Hồ Gươm, tượng đài Thánh Gióng… thì đặt biển, cử người nhắc nhở cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân cần được nâng cao.
Ngoài việc tăng cường công tác bảo tồn các di tích văn hóa, Hà Nội cũng đã triển khai nhiều hoạt động “tái sinh” lại các khu di tích. Mới đây, chủ trương khai thác 131 vòm cầu cạn dưới chân đường sắt kéo dài từ phố Phùng Hưng đến phố Gầm Cầu của UBND TP Hà Nội nhận được sự quan tâm của nhiều người dân.
Tái sinh không gian vòm cầu với các chức năng văn minh, hiện đại và tiêu biểu, tạo địa điểm và sản phẩm du lịch độc đáo cũng sẽ hoàn thiện và đồng bộ với trục kết nối lịch sử từ Hoàng thành, đài nước Hàng Đậu… Những không gian văn hóa này sẽ tạo nên hình ảnh Thủ đô quyến rũ, hấp dẫn du khách và góp phần phát huy giá trị di tích kiến trúc - cầu Long Biên trong toàn tuyến du lịch phố cổ - thành cổ.
Hàng chục năm qua, 131 vòm cầu này vốn im lìm trước cuộc sống nhộn nhịp của Thủ đô với những phiến đá đã phủ dầy rong rêu. Tuy ít người để ý, nhưng ở đoạn phố tại đây, các ki-ốt bán hàng lấn ra từ vòm cầu dày đặc san sát, chiếm nửa đường đi, người bán hàng thản nhiên vứt phế thải, rác rưởi tạo nên một cảnh quan lộn xộn, nhếch nhác. Hàng ngày chứng kiến cảnh một phần di tích đang bị xâm hại, người dân đã rất đồng tình với chủ trương “tái sinh” di tích của Thành phố.
Chị Phương Mai, một người dân sống tại phố Phùng Hưng (Hà Nội) cho biết: “Tôi cùng nhiều hộ dân sống tại khu vực rất háo hức mong chờ những “bức tường đá” này được đục thông và xây dựng các không gian văn hóa. Đây là việc làm vì cộng đồng, nâng cao chất lượng đô thị theo đúng nghĩa tái thiết khu đô thị trung tâm lịch sử, đồng thời kích thích phát triển, làm sống động cả khu vực đường biên phía Tây của khu phố cổ Hà Nội”.
Việc đục thông những vòm cầu để làm không gian văn hóa chỉ mới là ý tưởng của thành phố. Để đi đến việc triển khai còn phải có sự thống nhất của nhiều cấp ban ngành, sự đồng tình ủng hộ của người dân Thủ đô. Dù mới là ý tưởng ban đầu nhưng nó đã thể hiện quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc xây dựng, bảo tồn các di tích, tạo nên điểm nhấn của Thủ đô.
(còn nữa)