Bài 2: Căng mình giữa những “làn sóng”...
Báo chí góp sức vì Hà Nội văn minh, hiện đại Người tốt, việc tốt thi đua xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại Hợp tác vì Thủ đô văn minh, hiện đại |
Những “không gian” phá vỡ không gian
Bữa cơm trưa vội vã trong một quán cà phê trên khu vực phố cổ. Ở chỗ vừa là nơi bán hàng vừa là không gian sinh hoạt của gia đình chủ quán, khách ngồi uống nước cứ uống, bàn bên cạnh cả nhà vẫn dọn bữa.
Các cháu nhỏ lần lượt đi học về, sau vài câu ríu rít chào hỏi người lớn thì tự động ai ngồi vào chỗ của mình. Bữa cơm diễn ra vui vẻ, mỗi người một vài câu chuyện kể về những điều diễn ra ở trường, gặp trên đường, người hàng xóm ở phố bên tối qua xảy ra chuyện gì…
Có khách mới vào thì một người đứng lên phục vụ rồi lại trở lại ăn nốt bữa cơm đang dở. Một cháu bé thông báo vợt cầu lông của mình bị hỏng, ăn xong sẽ phải đạp xe ra phố Trịnh Hoài Đức để căng lại dây…
Không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh như thế này trong cuộc sống đô thị hiện đại |
Những vị khách ngồi tại đây và cả du khách nước ngoài gọi đồ uống ở tầng 1 rồi lên thưởng thức tại tầng 2 cũng đều cảm nhận được một phần Hà Nội, một chút không khí gia đình đặc trưng của người Hà Nội trong phố cổ, nơi đất chật, người đông, không gian kinh doanh cũng là chốn sinh hoạt chung.
Sau khi bữa ăn kết thúc, cuộc “giao ban” gia đình chóng vánh nhường chỗ cho… sự im lặng. Bởi mỗi thành viên trong gia đình đều bận “dịch chuyển” sang một “không gian” khác. Đó là thế giới ảo.
Mỗi người đều chuyển dòng suy nghĩ của mình vào chiếc điện thoại. Những thiết bị không dây cùng làn sóng vô hình đã mở ra một không gian khác, nhiều khi là xa rời, cũng có khi là giao thoa, đen xen với không gian thực tại của người đang sử dụng. Bởi lẽ, vừa giải quyết công việc, giải trí, giao lưu trên mạng xã hội người ta vừa có thể rời mắt khỏi điện thoại đôi chút để “tiếp chiêu” với những người thực tại xung quanh rồi lại trở về với “thế giới ảo”.
Thế giới ảo đang lấn chiếm những không gian thật (Ảnh minh họa) |
Hình ảnh cả gia đình ngồi bên nhau nhưng mỗi người một điện thoại để giao tiếp với những người, những “không gian” khác trên mạng xã hội không còn là hiếm ở thời đại hầu như ai cũng có điện thoại thông minh như ngày nay. Ở Hà Nội, việc có điều kiện kinh tế, dân trí cao hơn một số địa phương khác thì điều này càng trở nên phổ biến.
Không hiếm cảnh sau bữa cơm tối, ông thì mải mê xem phim, bà thì lướt Facebook, bố chơi game, mẹ xem livestream săn hàng sale còn con thì cười rinh rích với TikTok. Mở rộng ra, những buổi hội họp gia đình, những ngày lễ tết, sau và ngay cả trong lúc ăn uống tưng bừng, chuyện trò rôm rả xong, cũng lại đến lúc mỗi người một thiết bị.
Người dùng máy tính bảng, người dùng laptop, người điện thoại. “Hóng” vài tin tức hot khắp đất nước, chỗ này tắc đường, chỗ kia quá tải, chỗ khác “thất thủ”, nơi nghỉ mát nào đông, điểm du lịch nào “những người là người”, rồi tranh thủ vào các hội nhóm kể và đọc tình hình đón lễ tết, nghỉ ngơi vui chơi của mình cho bạn bè, của bạn bè với mình…
Chị Hồng Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Nhờ sự nhanh nhạy của mạng xã hội, của internet mà những ngày nghỉ, ngày lễ mình về với gia đình vẫn có thể cập nhật được tình hình bạn bè, công việc, tin tức ở khắp mọi nơi. Điều này rất hữu ích, vừa biết được diễn biến các vùng mình không đến được, biết chỗ tắc, chỗ đông mà tránh, cảm nhận được không khí lễ tết khắp nơi. Như vậy, mình trở về bên gia đình mà không “bỏ lỡ” bất cứ cuộc vui nào”.
Đừng để bị “lẫn sóng”
Dù vậy, sự mải mê theo đuổi những “không gian” khác cũng khiến không gian thực tại bị xao lãng. “Chúng ta không thể cùng một lúc mà tập trung cho nhiều việc, nhiều người được. Rõ ràng, mạng xã hội phát triển giúp cuộc sống của chúng ta phong phú hơn nhưng ngược lại cũng lôi kéo chúng ta ra khỏi sự tương tác trực tiếp vốn có”, anh Hùng (Long Biên, Hà Nội) tâm sự.
Bởi anh là người cảm nhận sâu sắc nhất việc mạng xã hội tác động đến mối liên kết giữa gia đình như thế nào. Ban đầu, anh là người rất vui vì sự tiện lợi, kết nối gia đình khi lập nên các hội nhóm trong gia đình. Nào nhóm gia đình bên nội, nhóm gia đình bên ngoại, nhóm gia đình riêng.
Thay vì “im ỉm” hoặc năm gặp nhau được vài lần như trước đây, từ ngày có các nhóm chat, anh chị em cứ ríu rít với nhau. Ăn món gì, đi chơi đâu, có gì vui đều khoe với nhau. Rồi những rắc rối khó khăn trong cuộc sống cũng được đưa lên để chia sẻ, hỗ trợ. Ngày lễ, Tết lịch gặp mặt tụ họp như thế nào mấy anh chị em đều “hẹn hò” nhau trên nhóm. Ai về đến nhà trước, mua sắm được gì rồi, không khí ở nhà ra sao sẽ được chụp ảnh, gửi lên nhóm tạo sự hào hứng, thúc giục người ở xa nhanh nhanh về để gặp gỡ tưng bừng…
Trong khi đó, với nhóm gia đình riêng của anh, chỉ cần một thành viên lên đó thông báo tối không ăn cơm ở nhà, sắp tới sẽ đi công tác… là những người còn lại sẽ tự biết, không cần phải hỏi hay thông báo cho nhiều người nữa. Đó là tiện ích từ mạng xã hội mang lại.
Bên cạnh đó, vẫn có những mặt trái mà theo anh Hùng là do tâm lý ỷ lại, tận dụng mạng xã hội mà nên. Đó là việc thậm chí ngồi cùng nhau mà chỉ nhắn tin lên nhóm. Điều đó hạn chế rất nhiều sự tương tác trực tiếp, lâu dần thành lười giao tiếp mà tình cảm cần phải được bồi đắp qua sự tương tác với những biểu cảm gửi gắm qua giọng nói, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, sự tương tác trực tiếp chứ không phải thông qua con chữ như thế kia.
Hãy giữ cho mình tình cảm gia đình qua những bữa ăn truyền thống (Ảnh minh họa) |
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm kỹ năng sống Văn hóa Việt, Hà Nội là một trong những đô thị lớn nhất cả nước, với nhịp sống gấp gáp hơn, vội vàng hơn, giá cả tiêu dùng đắt đỏ hơn đồng thời mối quan hệ của mọi người cũng thiếu thời gian, không gian để gắn kết hơn so với nông thôn.
Bên cạnh đó, môi trường đô thị hiện đại cũng có những mặt trái là nhiều nguy cơ đối với trẻ em. Cuộc sống gia đình ở Hà Nội cũng có nhiều đặc trưng khác với thành thị nhỏ hoặc nông thôn.
Chẳng hạn, trong guồng quay của công nghiệp hóa, lối sống của người Hà Nội phần nào bị ảnh hưởng, dẫn đến việc các thành viên trong gia đình thiếu sự gắn kết hơn so với những vùng nông thôn. Trong đời sống thị dân không phải không có tình trạng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”.
Người ở phố không phải chỗ nào cũng có sự giao lưu về văn hóa, giao lưu về đời sống giống như ở ngoại thành hay các vùng quê kiểng khác.
Trong nhịp sống quá đỗi gấp gáp và sự lên ngôi của công nghệ như hiện nay, các gia đình Hà Nội phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Chẳng hạn, công việc bận rộn, nhiều thế hệ không cùng suy nghĩ, cùng quan điểm, cùng lứa tuổi sẽ có những “độ vênh” nhất định, trong khi đó, các mối quan hệ mở bên ngoài xã hội sẽ khiến những thành viên trong gia đình không tìm được tiếng nói chung và dễ dẫn đến xa cách nhau.
Là nơi hội tụ văn hóa bốn phương, trong suốt tiến trình lịch sử của mình, Hà Nội luôn thu hút người dân ở các nơi đổ về, do đó nảy sinh nhiều vấn đề mà các gia đình Hà Nội phải đối mặt như trộm cắp, nguy cơ về tệ nạn xã hội.
Với phong cách, kiến trúc, không gian chật hẹp… sẽ khiến người Hà Nội có nhiều mối lo hơn về tâm lý, thiếu không gian riêng tư, thiếu không gian sống, về sự mất an toàn như hỏa hoạn, cháy nổ…
Tăng trao đổi, tương tác trực tiếp để hạn chế sự xâm lấn của "thế giới ảo" (Ảnh minh họa) |
Trong khi đó, dù là “miền đất hứa” cả nghìn năm nay nhưng không phải lúc nào người đến với Thủ đô và người sống trong lòng Hà Nội cũng được như mong muốn mà có thể phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, khó khăn về kinh tế do giá cả leo thang…
Với người trẻ về Hà Nội lập nghiệp, xây dựng gia đình, chưa thể an cư vì chưa mua nổi nhà, tâm lý ở trọ vẫn bấp bênh, cuộc sống chưa ổn định…
Tất cả những điều này tác động khá lớn đến việc bắt nhịp, hình thành nên các thói quen văn hóa, ý thức về văn hóa chứ chưa nói đến việc ý thức xây dựng con người văn hóa trong mỗi gia đình”.
Bên cạnh đó, cùng với những “làn sóng” của sự tham lam, ích kỉ, thiếu kiềm chế, không có tôn ti, trật tự… đã dẫn đến một số sự việc đau lòng do mâu thuẫn gia đình.
Bởi vậy, đứng trước rất nhiều nguy cơ như hiện nay, những không gian sinh hoạt truyền thống, những giá trị lâu bền và đặc trưng của gia đình Hà Nội ít nhiều bị đe dọa.
(Còn nữa)