Bài 2: Đội cơ động xử lý sự cố tai nạn hỗ trợ các giao lộ vào giờ cao điểm
Bài 1: Tăng cường tuyên truyền để giảm thiểu thiệt hại TTTĐ - Là thành phố trẻ, năng động, Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Điều này khiến mật độ người ... |
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật
Thượng tá Nguyễn Anh Kiệt - Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông - Công an Bình Dương chia sẻ: Thực hiện chủ đề năm ATGT 2022: "Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân, yêu cầu cán bộ, Đảng viên, công chức, người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước nêu gương, tự giác chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và phòng, chống dịch COVID-19.
Cảnh sát giao thông Bình Dương kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật |
Đồng thời phân công, bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện theo các kế hoạch do Bộ Công an ban hành, tập trung với các lỗi là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông như: Điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; Chở hàng hoá quả tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện đường bộ, chạy quá tốc độ quy định… Qua đó nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về bảo đảm TTATGT gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Kết quả, trong 7 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tổ chức 6.027 ca tuần tra, kiểm soát với 37.506 lượt CBCS tham gia, phát hiện và lập biên bản 40.942 trường hợp vi phạm. Trong đó: Lập biên bản hành vi vi phạm về tốc độ: 2.356 trường hợp; Dừng, đỗ xe, để xe trái quy định: 4.300 trường hợp; Vi phạm về nồng độ cồn: 6.303 trường hợp; Sử dụng chất ma túy khi điều khiển xe: 31 trường hợp; Không đội mũ bảo hiểm: 9.690 trường hợp; Chở hàng hóa quá trọng tải của xe: 741 trường hợp…
Người vi phạm thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 38.925 trường hợp với tổng số tiền 94.466.161.000 đồng.
Nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt
Theo tìm hiểu của phóng viên, Bình Dương có nhiều mô hình hay để kiểm soát các hành vi vi phạm giao thông như mô hình hiệp sĩ đường phố, đội cơ động.
Thượng tá Nguyễn Anh Kiệt cho hay: Thực hiện Quyết định số 1461/QĐ-UBND ngày 31/5/2021 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Đề án thành lập Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định chế độ hỗ trợ đối với lực lượng cơ động xử lý sự cố giao thông và lực lượng 113 bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đến nay, Công an 9 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức Lễ ra mắt Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông với 128 thành viên đi vào hoạt động, hỗ trợ lực lượng CSGT điều tiết giao thông tại các giao lộ vào giờ cao điểm, phòng ngừa ùn tắc giao thông (UTGT).
Công an huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc thành lập Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Thông báo tuyển thành viên tham gia.
Lực lượng cơ động như là cánh tay nối dài, hỗ trợ cho lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT, xử lý các sự cố trên đường.
Hiện nay, Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông tại các địa phương hoạt động hiệu quả, góp phần giúp lực lượng CSGT giảm tải áp lực công tác điều tiết giao thông tại các giao lộ trọng điểm vào các giờ cao điểm đồng thời góp phần tích cực trong công tác bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông; Giúp đỡ tích cực người dân trong xử lý các tình huống, sự cố giao thông xảy ra.
(Còn nữa)