Bài 2: Hệ thống camera giám sát giao thông, còn đó những bất cập...
Nơi thừa, chỗ thiếu
Theo ghi nhận của PV, ngã tư Kim Mã - Núi Trúc hiện có tới 12 camera giám sát. Có vị trí, các camera được lắp cùng chiều, cùng hướng đến một điểm nhìn.
Cách đó không xa, nút giao Nguyễn Thái Học - Cửa Nam được lắp 9 camera giám sát giao thông. Nút giao thông Điện Biên Phủ - Trần Phú cách nút giao Nguyễn Thái Học - Cửa Nam vài trăm mét, mỗi chiều cũng được lắp 2 camera đặt gần nhau trên cùng một cần vươn.
Điểm dày đặc “mắt thần” nhất tại nội thành Hà Nội phải kể đến nút giao Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch. Xung quanh nút giao này, có hơn 20 camera. Cá biệt có vị trí 6 camera cùng quay ống kính về một hướng.
Sáu camera trên cùng một cần vươn, cùng hướng về một hướng tại ngã ba Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch |
Trong khi đó rất nhiều tuyến trọng điểm như các đường hướng tâm, điểm "nóng" về giao thông tại bến xe, trường học, bệnh viện lại chưa được đầu tư lắp đặt. Điển hình như bến xe Mỹ Đình, cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy có lưu lượng giao thông lớn hay trước cổng Bệnh viện Bạch Mai rất đông xe taxi dừng đỗ bắt khách nhưng chưa có camera xử lý vi phạm. Rõ ràng có tồn tại sự chênh lệch về mật độ và số lượng camera tại các địa bàn… dẫn đến việc khai thác kém hiệu quả, nhiều nơi “có cũng như không”. Điều này dẫn đến việc lãng phí và nguy cơ tạo thêm gánh nặng cho thành phố trong việc bảo trì, sửa chữa hệ thống “mắt thần” nói trên.
Được biết, hệ thống camera này gồm nhiều chủng loại. Có loại chỉ có chức năng quan sát, loại thì có chức năng đếm lưu lượng xe và một số không lớn mới có chức năng ghi nhận và xử phạt vi phạm giao thông.
Trung tá Phạm Quang Minh, Phó Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cho biết: "Hiện nay, Hà Nội đang triển khai khoảng 200 camera xử lý vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc sử dụng hình ảnh camera nói chung đang có sự phân mảnh; Của đơn vị nào lắp đặt thì đơn vị đó sử dụng, chưa có sự chia sẻ".
Được biết, đối với những nút giao thông quan trọng, ngoài camera của cảnh sát giao thông ở trên còn có camera của các đơn vị khác như Công an quận, Cục Cảnh sát Bảo vệ phục vụ an ninh, dẫn đoàn Nhà nước, quốc tế... Ngoài ra, một số lượng camera không nhỏ tại Hà Nội do kênh VOV giao thông thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Bộ Giao thông vận tải), tại các nước, chỉ một cơ quan quản lý có thẩm quyền lắp camera giám sát giao thông, qua đó sẽ thống nhất trong cách vận hành, sử dụng. Trong khi đó, hiện nay nước ta có một số cơ quan cùng lắp camera giám sát giao thông để thực hiện những công việc khác nhau.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, chế tài xử phạt đã đầy đủ, mức phạt cao, mang tính răn đe nghiêm khắc nhưng vi phạm của xe khách liên tỉnh vẫn tiếp diễn không dứt thì rõ ràng chỉ còn vướng ở khâu xử lý.
Tiến sĩ Đặng Minh Tân, chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị phân tích, thu thập hình ảnh thì camera làm tốt nhưng có sử dụng hình ảnh đó để ra quyết định xử phạt hay không, phạt có đúng lỗi, đúng vi phạm hay không thì phải trông chờ ở lực lượng chức năng. Đó còn chưa kể đến việc, lực lượng nào được giao quản lý camera mới có dữ liệu hình ảnh và có chia sẻ cho các lực lượng khác hay không thì chưa biết được.
Được biết, hệ thống camera trên đường Kim Đồng hiện nay chỉ lực lượng Cảnh sát giao thông trích xuất được dữ liệu còn Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát trật tự địa phương thì vẫn phải tuần tra, kiểm tra trên thực tế và vi phạm vẫn còn tái diễn.
Như vậy, rõ ràng việc từng đơn vị riêng rẽ triển khai, chỉ mang tính đơn lẻ và không có tiêu chuẩn chung, không kết nối được với nhau sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư.
Lực lượng chức năng gửi thông báo lỗi để xử phạt “nguội” vi phạm giao thông nhưng... không có người nhận |
Hiệu quả xử phạt chưa như mong đợi
Tủ hồ sơ lưu trữ những trường hợp vi phạm được thông báo để xử phạt nguội tại Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông gần như lúc nào cũng chật kín. Tuy nhiên, trong số này cũng có một lượng lớn thông báo gửi đi bị hoàn trả do không có người nhận. Hiện chỉ có khoảng 60% trường hợp bị phạt “nguội” đến nộp tiền phạt.
Về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ thủ đô, Trung tá Phạm Quang Minh cho biết: “Trong thông báo gửi cho người vi phạm chúng tôi ghi rõ yêu cầu trong thời gian 7 ngày sau khi nhận, người vi phạm phải đến cơ quan công an giải quyết. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều trường hợp không đến nộp phạt vì những lý do như người đưa thư cho người nhà nhưng người nhà lại quên nhắc chủ phương tiện hoặc đưa đến nhưng chủ phương tiện lại mang xe về quê rồi hay không phải xe chính chủ… Bên cạnh đó, nguyên nhân khác là do vướng mắc trong việc xác định người vi phạm thực sự để xử phạt.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý giao thông cần phải thực hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, công tác quản lý phương tiện còn nhiều bất cập và ý thức của người tham gia giao thông chưa cao là một trong những trở ngại, có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác xử lí phạt "nguội".
"Đối với Việt Nam việc phạt "nguội" còn nhiều khó khăn. Phạt "nguội" như vậy phải gửi thông báo về cho chủ phương tiện nhưng đáng tiếc là xe của chúng ta chưa được sang tên chính chủ 100% nên việc xử phạt còn bất cập. Thứ hai, ý thức chấp hành pháp luật của người Việt Nam chưa cao. Nhận được phiếu xử phạt nhưng xe không chính chủ, họ không lên để xử phạt thì chế tài xử phạt như thế nào. Trong quy định của chúng ta cũng chưa ghi rõ nên người dân cũng “nhờn” việc đó", ông Liên phân tích.
Bên cạnh đó, thiếu hụt những quy định xử phạt cũng khiến cho việc phạt “nguội” kém hiệu quả. Là chủ của 7 xe ô tô cho thuê tự lái, anh Phạm Văn Hòa (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cho biết, phương tiện của anh thường xuyên bị phạt “nguội” do khách thuê xe vi phạm. “Tuy nhiên, tôi từ chối đóng phạt bởi lý do dù là chủ sở hữu nhưng bản thân không lái xe để xảy ra vi phạm”, anh Hòa nói.
Về thực tế “dở khóc, dở cười” này, Trung tá Phạm Quang Minh cho biết, nhiều người thuê, mượn, mua bán nhưng chưa sang tên, đổi chủ phương tiện vi phạm. Khi camera giao thông phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt “nguội” và gửi đến chủ sở hữu phương tiện nhưng do chủ phương tiện không phải là người trực tiếp điều khiển phương tiện ở thời điểm vi phạm nên rất khó cưỡng chế.
Rõ ràng, từ nhiều bất cập trong việc triển khai, xử lý vi phạm khiến cho hiệu quả cuối cùng của việc triển khai hệ thống camera giao thông không đạt được kết quả như mong đợi. Các cơ quan liên quan cần có những giải pháp khắc phục nhanh chóng trong thời gian tới.
(Còn nữa)