Bài 2: Thủ lĩnh ươm “hạt giống đỏ” nơi trời Âu
Bài 1: Khát vọng nâng tầm vị thế quốc gia TTTĐ - Trong 6 triệu người Việt sinh sống tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, có hơn 600.000 doanh nhân, trí thức có ... |
Trong số đó, phải kể đến đội ngũ đảng viên ở ngoài nước, lực lượng nòng cốt trực tiếp thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Họ chính là những cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam, tạo ra những “hạt giống đỏ”, góp phần xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, phồn vinh.
“Bà đỡ mát tay” của đoàn viên, thanh niên Việt ở xứ bạch dương
Trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Nga, có lẽ, không ai không biết đến anh Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại LB Nga, Bí thư Chi bộ Đại học Giao thông Đường sắt Moskva (MIIT), Cố vấn Ban cán sự Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Liên bang Nga, giảng viên tại MIIT.
Anh Thuận nổi tiếng là một thủ lĩnh Đoàn nhiệt tình, năng nổ, là “linh hồn” trong các hoạt động hội đoàn và là “bà đỡ mát tay” của những đảng viên trẻ trong các trường đại học tại Nga.
Chất giọng Nam Bộ trầm ấm, anh Thuận nhiệt tình kể cho phóng viên về hành trình 34 năm tuổi Đảng của mình. Năm 1984, đỗ thủ khoa đầu vào của Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, anh được Nhà nước cử sang Liên Xô du học, chuyên ngành Động lực học tại Đại học Giao thông Đường sắt Moskva và trở thành một phần của cộng đồng người Việt tại Nga đầu những năm 1990.
Nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động của người Việt tại Nga, suốt từ năm 1999 tới nay, anh luôn là tấm gương trong các phong trào đoàn và thanh niên, đồng thời là người trực tiếp tham gia hỗ trợ các hoạt động lớn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Nga.
Bí thư Chi bộ Đại học Đường sắt Moskva Trần Phú Thuận |
Là Bí thư Chi bộ Đại học Đường sắt Moskva, trực thuộc Đảng bộ tại Liên bang Nga, Đảng Bộ Ngoại giao, suốt 25 năm qua, anh Thuận đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen và giải thương, danh hiệu của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân vận, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Đảng bộ Bộ Ngoại giao cũng như Trung ương Đoàn vì thành tích trong tập hợp, đoàn kết học sinh, sinh viên Việt Nam tại Nga, thúc đẩy phong trào Đoàn tại Liên bang Nga phát triển mạnh mẽ.
Mới đây nhất, anh Thuận vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng Kỉ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” vì những đóng góp to lớn đó.
Sáng tạo, linh hoạt trong phát triển đảng viên
Bí thư Chi bộ MIIT Trần Phú Thuận cho biết, Chi bộ trường Đại học Giao thông Đường sắt Moskva hiện có hơn 50 đảng viên. Mỗi năm, Chi bộ bồi dưỡng và kết nạp trung bình 10 - 15 đảng viên mới trên tổng số 20 - 25 quần chúng ưu tú học lớp cảm tình đảng.
“Đặc thù đối với cơ sở Đảng ngoài nước là có những người kết nạp ở nước ngoài, được một thời gian là quay trở về nước làm việc. MIIT có các cơ sở Đoàn trực thuộc, gồm 15 trường đại học khác nhau như: Học viện Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, trường Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov, Đại học Nhân văn Quốc gia Nga, Đại học nghiên cứu hạt nhân MEPhI và các trường khối nghệ thuật…
Với gần 1.000 sinh viên của 15 trường đại học có vị trí địa lý khác nhau, điều khó khăn đầu tiên là bố trí thời gian sinh hoạt Đảng cho phù hợp”, anh Thuận nhấn mạnh.
Bởi vậy, Chi ủy Chi bộ MIIT phải “cân não” tính toán làm sao để các đồng chí đảng viên di chuyển một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời, nội dung sinh hoạt phải phù hợp với tất cả các đối tượng sinh viên thuộc khối ngành khác nhau.
Anh Trần Phú Thuận trao quyết định kết nạp Đảng cho bạn trẻ Quỳnh Như |
“Chúng tôi coi việc sinh hoạt Đảng là những buổi ngoại khóa vô cùng quan trọng, phải thực tế và hữu ích đối với sinh viên chứ không chỉ là những văn bản tuyên truyền chỉ mang tính lý luận.
Chẳng hạn, chúng tôi tổ chức cho đảng viên các trường thuộc khối ngành tài chính, vật lý, hạt nhân… đi xem triển lãm tranh, tham quan bảo tàng liên quan đến ngành học, thậm chí, thăm những công trình nghệ thuật như cung điện, bảo tàng nổi bật thuộc khối nghệ thuật, hoặc xem, cổ vũ sinh viên Việt thuộc các trường khối nghệ thuật biểu diễn.
Đối với sinh viên khối nghệ thuật cũng ngược lại, các em được tham quan tàu ngầm, hạt nhân nguyên tử, những công trình công nghiệp danh giá, vĩ đại nhất nước Nga. Để hội nhập được văn hóa Nga, trước tiên, các em phải hiểu về nước Nga. Những buổi sinh hoạt như vậy để lại cho các em rất nhiều ấn tượng và say mê, hứng khởi”, vị thủ lĩnh với 25 năm làm Bí thư Chi bộ hào hứng kể.
Năm 1961, số lượng cán bộ, đảng viên của Việt Nam đi công tác, học tập mới ở 21 quốc gia. Đến nay, con số đó đã tăng lên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau khi Đảng bộ Ngoài nước hợp nhất với Đảng bộ Bộ Ngoại giao theo Quyết định số 209-QĐ/TW ngày 26/11/2019 của Bộ Chính trị, hiện Đảng ủy Bộ Ngoại giao là cấp ủy phụ trách trực tiếp các Đảng bộ, chi bộ cơ sở ở ngoài nước. Hiện nay, gần 11.000 đảng viên đang làm việc, học tập, sinh sống ở nước ngoài, được bố trí sinh hoạt tại 69 tổ chức Đảng cơ sở, gồm 30 Đảng bộ và 39 chi bộ, cùng hơn 500 tổ chức Đảng trực thuộc. Thời gian qua, Trung ương Đảng tiếp tục quan tâm tháo gỡ những vấn đề đặt ra trong triển khai công tác đảng ở ngoài nước. Ngày 27/12/2022, Ban Bí thư đã ban hành hướng dẫn về thí điểm sinh hoạt Đảng trực tuyến ở Đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt Đảng theo tổ Đảng ở chi bộ đông đảng viên. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Đảng, tháng 4/2023, Đảng ủy Bộ Ngoại giao đã ban hành hướng dẫn thí điểm sinh hoạt Đảng trực tuyến ở Đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt Đảng theo tổ Đảng ở chi bộ đông đảng viên, qua đó tạo thuận lợi cho các tổ chức đảng ngoài nước trong triển khai nhiệm vụ. |
Không chỉ sáng tạo trong duy trì sinh hoạt Đảng, anh Thuận cùng 2 chi ủy viên còn luôn gương mẫu và kỷ luật trong phát triển đảng viên mới. “Các em phải thật sự là quần chúng tiêu biểu, xuất sắc trong cả lối sống, sinh hoạt, nhân ái, biết sống vì người khác.
Ví như, có em sinh viên gốc là người dân tộc thiểu số, đối tượng con em gia đình chính sách, Chi bộ sẽ ưu tiên xem xét, theo sát và bồi dưỡng trước. Và việc bình xét được thực hiện công khai, dân chủ, mọi người đều phải “tâm phục, khẩu phục”, Bí thư chi bộ MITT Trần Phú Thuận chia sẻ thêm.
Thúc đẩy phong trào Đoàn, sinh viên phát triển
Bạn Quỳnh Như, một trong 4 đảng viên trẻ thuộc Chi bộ MIIT tự hào kể cho tôi nghe về niềm hạnh phúc khi được kết nạp Đảng. Với khát khao được đứng trong hàng ngũ của Đảng, thành tích học tập xuất sắc chuyên ngành Luật Kinh tế quốc tế và sự tích cực tham gia phong trào Đoàn tại Nga, Quỳnh Như đã được Chi bộ MIIT bồi dưỡng, kết nạp hồi đầu tháng 4/2024.
“Cất lên lời thề và hát quốc ca trong ngày lễ kết nạp Đảng, trong giây phút ấy, cảm xúc trong em thật tự hào và vinh dự. Một người anh khóa trên (một trong 5 người nước ngoài trên toàn thế giới đỗ diện học bổng toàn phần Nhạc viện Chaikosky) từng tâm sự với em rằng, đứng đọc lời thề ở lễ kết nạp Đảng viên còn vinh dự gấp nhiều lần lúc nhận tin trúng tuyển.
Đến lượt mình, em mới thấu hiểu được cảm giác “xúc động đến gai người” ấy. Được lựa chọn và giúp đỡ, bồi dưỡng, em tự nhủ phải luôn sống sao cho xứng đáng một đảng viên”, Quỳnh Như nói.
Chia sẻ thêm về điều này, anh Thuận cho hay, công tác bồi dưỡng, tạo nguồn, kết nạp đảng viên được Chi bộ thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, tiêu chuẩn. Việc kết nạp đảng viên mới phải trải qua một quá trình lựa chọn quần chúng tiêu biểu xuất sắc rất khắt khe, có tiêu chí, barie cụ thể.
Đó là những cá nhân gương mẫu chấp hành các quy định, quy chế, kỷ luật làm việc, học tập, lao động; chống các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật của nước sở tại và giữ quan hệ tốt với Nhân dân nước sở tại và bạn bè quốc tế; là những lưu học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc, tích cực tham gia các phong trào đoàn, hội, cộng đồng…
“Đặc biệt, điểm khác biệt là, ở lễ kết nạp, các đảng viên mới sẽ được Chi bộ MIIT tặng thêm một cuốn Điều lệ Đảng”, anh nói.
Khi được hỏi về bí quyết truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, anh Thuận bảo, Liên bang Nga là nước có truyền thống lâu đời trong đào tạo cán bộ, sinh viên cho Việt Nam. Trong số đó, nhiều người đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ vệ Tổ quốc trước kia, cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay, mà tiêu biểu nhất chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thế hệ trẻ ngày nay có nhạc sĩ Bùi Công Duy (nay là Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam); nhạc trưởng Trần Nhật Minh; nhạc sĩ Dương Tùng Lâm, nhạc sĩ Đỗ Phương Mai - Trưởng khoa Thanh nhạc Trường Nghệ thuật Quân đội; Giám đốc Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh Lê Hà My… Họ đều là những “hạt giống đỏ” được ươm mầm tại Nga và trở về góp phần vào xây dựng đất nước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ sinh viên Việt tại Nga năm 2018 |
“Tôi luôn nói với các em rằng, mỗi đảng viên phải là một tấm gương sáng. Đảng không phải đâu xa, mà chính là các anh, các chị, những người đi trước sống gần các em hoặc là những người từng trưởng thành thế hệ trước và về nước công tác. Các em hãy nhìn và học tập cách họ rèn luyện, sống và cống hiến cho đất nước”, anh Thuận bày tỏ.
Cũng từ công tác phát triển Đảng hiệu quả của Chi bộ trường Đại học Đường sắt Moskva, các phong trào đoàn, sinh viên ở Nga được tổ chức sôi nổi như giao lưu, giao hữu bóng đá, cầu lông… giữa các trường đại học, thu hút hàng ngàn sinh viên tham dự.
Các buổi tọa đàm về biển đảo, chiếu phim đề tài lịch sử cách mạng, hoặc phong trào “Vì Trường sa thân yêu”… đều mang đến nhiều kiến thức bổ ích và thu hút các lưu học sinh, sinh viên, thanh niên của 15 trường đại học tham gia hưởng ứng. Chỉ tính riêng trong 2 năm, giai đoạn 2022 - 2024, sinh viên tại Nga đã tổ chức hơn 400 sự kiện khác nhau.
Ông Đặng Minh Khôi, Bí thư Đảng ủy, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích trong vận động thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga |
Cùng với việc Chi bộ MIIT luôn lắng nghe tâm tư, tình cảm của các sinh viên, cộng với xuất phát từ nhu cầu phát triển mạnh phong trào, Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga đã được thành lập hồi tháng đầu tháng 12/2023.
Sau đó, Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga lần thứ I được tổ chức vào tháng 3/2024. Anh Lê Huỳnh Đức, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Học viện Hành chính Công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Nga (RANEPA) đã được bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga khóa I, nhiệm kỳ 2024 - 2026.
Sự kiện chính trị đặc biệt này mang ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong phong trào sinh viên Việt Nam trên toàn Liên bang Nga.
Các hoạt động của sinh viên Việt tại Nga |
Tự hào là người được anh Thuận dìu dắt, anh Đức vui mừng chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô: “Tôi sẽ cố gắng học hỏi Bí thư Trần Phú Thuận để Hội cùng các tổ chức Đảng, Đoàn xây dựng mạng lưới kết nối mạnh mẽ, bao quát toàn bộ sinh viên Việt Nam đang theo học tại Nga; phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong việc đồng hành và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nga; thực hiện hiệu quả phong trào “Sinh viên 5 tốt”…
“Quan trọng hơn nữa là, chúng tôi sẽ chú trọng tập hợp, đoàn kết các bạn trẻ, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và giữ gìn và phát huy, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc tại Nga, giúp sinh viên, thanh niên Việt Nam tự tin hội nhập với bạn bè quốc tế”, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga nhấn mạnh.
(Còn nữa)