Bài 2: Ước vọng vươn lên từ trầm tích văn hoá đất Long Hưng
Khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần Bài 1: Linh thiêng nơi tông miếu Trần triều |
Lắng hồn núi sông trăm năm
Phóng viên đã gặp và lắng nghe chia sẻ của nhiều người dân cũng như cán bộ chính quyền tại Hưng Hà. Tuyệt đa số đều chung niềm tự hào, kính ngưỡng khi quê hương có Khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần.
Lễ hội đền Trần Thái Bình tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời cũng chứa đựng mong ước và khát vọng vươn lên |
Ông Lê Văn Vũ (Bí thư chi bộ thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, Hưng Hà) tự hào kể với chúng tôi: “Ba ngôi mộ của vua Trần ở trước làng là một phần ký ức của tất cả Nhân dân ở địa phương. Từ ngày nhỏ, tôi đã được các cụ cao niên giảng giải về đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình - còn gọi là Thái Đường Lăng. Đây là nơi thờ tự các vua Trần, thờ Đức Thánh Trần, các hoàng hậu, hoàng thân quốc thích nhà Trần”.
Được biết, quần thể kiến trúc đền thờ các vị vua triều Trần có diện tích hơn 32ha, hướng kiến trúc quay về phương Nam. Phía trước có 3 gò ấn kiếm, đấy là Chiêu lăng, Dụ lăng và Đức lăng, phía sau tựa vào thôn Tam Đường.
Dẫn chúng tôi tham quan các công trình đền thờ uy nghi, ông Phạm Văn Cường (Phó Ban quản lý Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần) giới thiệu: Năm 1999, đền thờ các vị vua triều Trần được xây dựng uy nghi, bề thế. Cổng đền kiểu tam quan cuốn vòm, mái chảy chồng diêm hai tầng, đao song loan cách điệu. Qua cổng đền, sân đền là tòa bái đường.
Qua tòa bái đường là sân chầu, nơi diễn ra các hoạt động dâng hương, tế lễ. Tòa đệ nhị là công trình kết nối tòa bái đường và sân chầu. Kết nối tòa bái đường, sân chầu, tòa đệ nhị là tòa hậu cung rộng khoảng 90m2. Đây là nơi thờ linh vị cụ Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Thánh tượng Trần Thừa, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung - những người có công lao khai sinh ra vương triều Trần.
Ngày 27/1/2014, lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ... Lễ hội đền Trần Thái Bình được tổ chức tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần diễn ra từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng hàng năm.
Ước vọng rồng bay
Năm 2023, Lễ hội đền Trần trên đất Long Hưng được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Một sân khấu hoành tráng đã được dựng lên, một chương trình nghệ thuật “Hào khí Đông A” hùng tráng và công phu đã được dàn dựng. Ban Tổ chức hi vọng ít nhất 30 vạn du khách sẽ chiêm bái khu di tích quốc gia đặc biệt là nơi khởi tích, hưng nguyên của nhà Trần.
Ông Nguyễn Trọng Lộ (Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hưng Hà) và ông Đinh Bá Khải (Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà) kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội vào chiều 1/2 |
Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, ông Đinh Bá Khải, bày tỏ: Là vùng đất địa linh nhân kiệt, Nhân dân Hưng Hà rất tự hào với bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến; atruyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương.
Lễ hội đền Trần Thái Bình diễn ra hàng năm nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ và Nhân dân Hưng Hà đã nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới.
Cụ thể, năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện Hưng Hà tăng 11,61% so với năm 2021 và đồng đều ở 3 khu vực, xếp thứ 3 toàn tỉnh. Trong đó, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,65%; Công nghiệp, xây dựng tăng 15,06%; Thương mại, dịch vụ tăng 8,95%. Toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP".
Ông Phạm Cao Quân, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, Phó Trưởng ban Tổ chức lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2023 cho hay: "Tất cả các khâu, các bước chuẩn bị lễ hội đền Trần đã được hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để phục vụ người dân địa phương và du khách thập phương. Đồng thời, huyện tiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hoá nhà Trần ở Thái Bình; Thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước".
Huyện Hưng Hà đang phát triển nhanh chóng, vượt bậc |
Các chuyên gia văn hoá đánh giá, việc tổ chức lễ hội đền Trần hằng năm nhằm giữ gìn những giá trị truyền thống, trò chơi dân gian đặc sắc, riêng có của lễ hội đền Trần Thái Bình. Không những thế, lễ hội đền Trần còn góp phần tuyên truyền, giáo dục người dân, nhất là thế hệ trẻ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí quật cường, bất khuất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của các thế hệ cha ông.
Đồng thời, nhìn vào công lao của tiền nhân, lễ hội đền Trần góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân tiếp tục tìm tòi, khai thác và phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; Làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.